Những bông hoa tô đẹp phố phường (2)
* Bài 2: "Chuyên gia" cảm hóa, giáo dục...
(Cadn.com.vn) - Hàng chục năm nay, người dân, nhất là những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí có nhiều trường hợp từng sa ngã, vi phạm pháp luật đã tìm đến anh Trần Đình Hùng, ở P.Thạc Gián, Q.Thanh Khê (Đà Nẵng) để tìm chỗ dựa tinh thần. Không xa lánh, kỳ thị, ngược lại, bằng tất cả tấm lòng của một người cha, người chú, anh đã dang rộng vòng tay đón nhận, dìu dắt các em về với cộng đồng...
Anh Trần Đình Hùng (thứ 2 từ trái sang) tại Hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến trong CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" tại Hà Nội năm 2009. |
Sau thời gian đi bộ đội, khoảng những năm 2000, Trần Đình Hùng xuất ngũ về địa phương với công việc truyền thống của gia đình là sản xuất, gia công giày dép. Anh bảo, sau thời gian lăn lộn mưu sinh, cuộc sống chưa gọi là dư dả nhưng cũng đủ nuôi gia đình và tích góp một phần nhỏ giúp đỡ những người xung quanh. Rồi như một cái duyên, đó là khi anh được nhân dân tín nhiệm, lãnh đạo địa phương tin tưởng giao cho "hàng loạt" các công việc, nhiệm vụ như: Chi ủy viên, Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường, Tổ phó Bảo vệ dân phố..., anh có điều kiện tiếp xúc, gần gũi và chứng kiến cuộc sống khó khăn, vất vả của một số người dân ở địa phương. Đó là động lực thúc đẩy Trần Đình Hùng trở thành "bảo mẫu" của nhiều thanh thiếu niên hư, thành bạn đồng hành của những người nghèo khó...
Khi mới bắt tay vào công việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", lại chưa hề có chút kinh nghiệm nào, anh không khỏi lúng túng. Nhiều đêm anh trăn trở với câu hỏi làm sao để trong khu dân cư không còn nhiều thanh thiếu niên chưa có việc làm, trong đó có cả bộ đội xuất ngũ, thanh thiếu niên lang thang cơ nhỡ... Đặc biệt, điều làm anh suy nghĩ là làm sao để các đối tượng mãn hạn tù về, đối tượng sau cai nghiện có điều kiện hoàn lương, không còn quay lại với vết xe đổ của chính mình. Sẵn có cơ sở sản xuất, gia công giày dép, anh đã đề xuất với Cấp ủy Chi bộ, phối hợp với Cảnh sát khu vực (CSKV), tổ dân phố lên danh sách và đến tận nhà trao đổi, động viên các em đến cơ sở của anh vừa học vừa làm. Lúc đầu anh gặp nhiều trở ngại do tính cách tự do, nay vào khuôn khổ, "bị" quản lý chặt về giờ giấc, sinh hoạt nên một số em có biểu hiện không "hợp tác".
Hiểu được tâm lý đó, bằng tình thương và trách nhiệm, hàng ngày, anh tìm cách tiếp cận, gần gũi với các em, bày vẽ, chỉ bảo ân cần chu đáo. Tình yêu thương vô điều kiện ấy khiến các em dần thay đổi suy nghĩ, chú tâm trong công việc, không còn mặc cảm với quá khứ và trở thành những tay thợ khá. Điển hình như các em Nguyễn Ngọc M., Nguyễn Văn T., hai anh em Trần Ngọc P. và Trần Ngọc Q., Nguyễn Phước Th., Nguyễn Nho M., Nguyễn Nho Đ., Trịnh Quang H... Một số em khác chưa học hết THPT được anh đưa về cơ sở dạy nghề để có thêm thu nhập. Đặc biệt, khi các em đến tuổi nghĩa vụ quân sự, anh đã động viên các em tình nguyện vào quân đội. Nhiều năm qua, anh đã vận động được 8 em học sinh bỏ học đi học trở lại, 6 em hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự và 1 em hiện đang tại ngũ, trong đó có 2 em được đơn vị cho đi học lớp đối tượng Đảng và hiện về sinh hoạt tại Chi đoàn khu dân cư. Một số em khác không đủ tiêu chuẩn đi bộ đội, anh động viên các em tham gia vào dân phòng và dân quân ở phường...
Hỏi, điều gì khiến anh tích cực giúp người khác như vậy. Anh nói, đơn giản là xuất phát từ tình thương. "Giúp được em nào tiến bộ, tôi nghĩ đó là giúp chính mình. Vui nhất là tạo cho các em có được niềm tin, không còn cảm giác bị bỏ rơi hay xa lánh. Nhiều em vì thế xem tôi như người cha, người chú trong gia đình", Trần Đình Hùng bộc bạch. Trong nhiều hoàn cảnh được giúp đỡ, anh nhớ nhất 2 em Nguyễn Lê T.A và Trang Văn Ch., trú cùng tổ dân phố. Biết hoàn cảnh gia đình của hai em hết sức khó khăn, anh đã chủ động tìm đến và đưa về cơ sở của mình để dạy nghề, tạo công ăn việc làm ổn định. Không những vậy, đến tuổi xây dựng gia đình, anh đã đứng ra tổ chức cưới vợ cho cả hai, hiện tại họ có cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Ngoài việc giúp đỡ, cảm hóa giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến, do đặc thù công tác ở địa phương nên hàng năm anh còn tích cực tham gia vận động tài trợ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Từ năm 2000 đến nay, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, riêng tại khu dân cư anh sinh sống đã có 30 căn nhà đại đoàn kết được xây dựng. Anh còn phụ trách thêm mảng dân số của tổ. Anh bảo, đáng lẽ lĩnh vực dân số phải dành cho phái nữ làm phù hợp hơn, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên anh phải "ôm" luôn công việc này. Anh nói, công tác dân số giúp tôi tiếp cận, gần gũi với dân, nắm được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân để có đề xuất phù hợp.
Doãn Hùng
(còn nữa)