Báo Công An Đà Nẵng

Những bông hoa tô đẹp phố phường

Thứ hai, 10/08/2015 10:15

* Bài 1: Chị Mẫn "phong trào"

(Cadn.com.vn) - Dù là dân thường, hay công chức, viên chức, thậm chí có người còn khuyết tật về thân thể..., nhưng bằng tất cả lòng nhiệt huyết, tinh thần yêu nước, họ đã trở thành những "hạt nhân" tiêu biểu đưa phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ lan tỏa khắp cộng đồng, nhân lên sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại Đà Nẵng trong 10 năm qua, đã có hàng trăm gương điển hình, mô hình tiên tiến, đã góp phần tạo ra "thương hiệu" cho phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở thành phố bên sông Hàn...

Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục Trưởng tổng cục Chính trị CAND Việt Nam,
nguyên Giám đốc CATP Đà Nẵng thăm hỏi, động viên Đội dân phòng cơ động nữ P.Khuê Mỹ.

Người khai sinh "Gia đình 7 tốt"

Đó là "danh hiệu" mà nhiều năm nay người dân P. Khuê Mỹ, Q.Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã gắn cho chị Trần Thị Mẫn, Quận ủy viên, Bí thư Đảng ủy phường khi nói về những đóng góp của chị đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn. Tất nhiên, để đạt được thành quả ấy, ngoài sự kế thừa, phát huy "di sản" từ các thế hệ đi trước, sự đồng tình, ủng hộ của đồng nghiệp và người dân, thì dấu ấn cá nhân của chị là một phần hết sức quan trọng.

Cách đây không lâu, tại hội nghị phát động phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ" và CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", đồng chí Trần Thọ, Bí thư Thành ủy đọc một bài thơ mà ông rất tâm đắc, và theo ông là có sức vận động rất lớn. Nội dung của bài thơ xoay quanh việc tuyên truyền để người dân hiểu và chung tay, tự giác thực hiện các chủ trương, chính sách mà thành phố đã đề ra, cụ thể là: "Phong trào "bảy tốt" đề ra/ Gia đình hạnh phúc, phường ta đẹp giàu/ Một là, đoàn kết giúp nhau/ Quan hệ ứng xử trước sau thuận hòa/ Hai là, tích cực tham gia/ Họp tổ dân phố nhà nhà cùng đi/ Ba là, đóng Quỹ ngại chi/ Góp công, góp của: luôn đi về đầu/ Bốn là, cư trú ở đâu/ Đến trình, đi báo: giúp nhau tỏ tường/ Bà con chớ có xem thường/ Nắm nhân khẩu tốt: kỷ cương tình hình/ Năm là, giữ vững an ninh/ Phòng cướp, chống trộm, giữ gìn của chung/ Sáu là, chia sẻ nhau cùng/ Giúp hộ nghèo khó không ngừng vươn lên/ Gắng công lao động thì nên/ Làm giàu chính đáng, vững bền dài lâu/ Bảy là, nhắc nhở cùng nhau/ Nhà cửa dọn dẹp, trước sau trong ngoài/ Chủ nhật Xanh - Sạch; đẹp thay/ Phố phường không rác, mỗi ngày văn minh/ Bà con ơi, chớ làm thinh/ "Gia đình bảy tốt": việc mình thực thi".

Sau khi đọc xong bài thơ, mọi người ai cũng bất ngờ khi biết khởi nguồn của nó lại xuất phát từ chính thực tế phong trào "Gia đình 7 tốt" do Đảng ủy P.Khuê Mỹ phát động, mà chị Trần Thị Mẫn, Bí thư Đảng ủy phường là người tiên phong. Chị Mẫn kể, vào thời điểm năm 2013, khi Đảng ủy phường phát động phong trào "Gia đình 7 tốt", cụ thể là kêu gọi mỗi gia đình, hộ dân trên toàn phường thực hiện 7 công việc đề ra để hưởng ứng CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa ở khu dân cư". Theo nội dung ấy, Đảng ủy vạch ra "7 gạch đầu dòng" và phổ biến cho nhân dân, tuy nhiên do nhận thấy nếu cứ "gạch đầu dòng" 7 việc cần làm thì sẽ rất khô khan, nhàm chán, người dân sẽ không có hứng thú và chú tâm thực hiện.

Vì vậy, với cương vị là Bí thư Đảng ủy phường, chị có sáng kiến chuyển hóa "7 cái gạch đầu dòng" ấy thành thơ cho mọi người dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ. Thế là chị tìm đến ông Trần Minh Thiên, lúc bấy giờ là Bí thư Chi bộ Đa Mặn 5 để "đặt hàng", vì biết ông Thiên là người "hay chữ". Kết quả là bài thơ ra đời với vần điệu "đậm chất dân ca, hò vè xứ Quảng", như lời chị nói. Sau khi trực tiếp cắt gọt, chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung tuyên truyền, chị tổ chức cuộc họp với lãnh đạo phường và thống nhất phổ biến bài thơ rộng rãi trong các hội nghị, các cuộc họp tổ dân phố và trên hệ thống truyền thanh di động... Đúng như suy tính ban đầu của chị, bài thơ đã dần thấm sâu vào tâm trí của mọi người và đem lại hiệu quả rất tích cực.

"Để phong trào gia đình 7 tốt luôn hiển hiện trong mỗi nhà dân, Đảng ủy phường đã cho in và ép plastic cẩn thận để phát và yêu cầu từng hộ gia đình phải dán, treo hoặc để ở nơi dễ nhìn dễ thấy nhất trong nhà. Chính nhờ cách làm này mà đến nay, phong trào 7 tốt đã có sự chuyển biến rõ rệt. Người dân đi họp tổ dân phố nhiều hơn, đóng các loại quỹ và thực hiện nghĩa vụ công dân tốt hơn; quan hệ ứng xử trong gia đình, hàng xóm đoàn kết hơn; tham gia quản lý cư trú, giữ gìn ANTT, giúp nhau giảm nghèo và thực hiện trật tự đô thị, vệ sinh môi trường tốt hơn"..., chị Mẫn phấn khởi cho biết.

Chị Mẫn (ngoài cùng bên trái) nhận Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ
năm 2013 do Bộ Công an tặng cho nhân dân và cán bộ P.Khuê Mỹ.

Tiếp sức cho "Đội dân phòng cơ động nữ"

Một trong những điểm sáng, là mô hình tiêu biểu của P. Khuê Mỹ được không chỉ chính quyền và nhân dân thành phố ghi nhận, đánh giá rất cao mà còn là "địa chỉ đỏ" để các địa phương trong nước tìm đến học hỏi, tham khảo là mô hình "Đội dân phòng cơ động nữ". Năm 2010, khi Trần Thị Mẫn được điều động về vị trí Bí thư Đảng ủy phường, mô hình này đã được các lãnh đạo tiền nhiệm triển khai và đạt thành tích đáng kể trên lĩnh vực đảm bảo ANTT.

Tuy nhiên, với cương vị mới, chị Mẫn thấy cần phải duy trì và phát huy hơn nữa vai trò của người phụ nữ đối với công tác đảm bảo ANTT. Được sự quan tâm, hỗ trợ từ cấp trên cũng như lãnh đạo CATP, CAQ Ngũ Hành Sơn, Trần Thị Mẫn đã chủ động cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương bắt tay vào công việc "tiếp sức" cho "Đội dân phòng cơ động nữ". Là phụ nữ nên chị rất hiểu, đồng cảm với các chị em khi tham gia vào Đội dân phòng, vì vậy, tranh thủ những lúc rỗi việc, bất kể ngày nắng hay mưa, chị cố gắng hết sức để tham gia tuần tra đêm với họ. Hiểu được việc các chị khi tham gia vào Đội dân phòng chủ yếu là bằng tinh thần tự nguyện, trách nhiệm cá nhân, còn chế độ chính sách với họ hầu như không có, nhiều lúc Trần Thị Mẫn cũng cảm thấy băn khoăn, trăn trở.

Tuy nhiên, chị cũng chỉ biết động viên, khuyến khích các chị bằng tinh thần, bởi không có cơ chế nào để có thể hỗ trợ cho các chị. Để tự an ủi mình, thấy hoàn cảnh gia đình của chị nào còn khó khăn, chị Mẫn đều tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ trong khả năng có thể. Thấy được tình cảm chân thành ấy của người lãnh đạo, các thành viên của "Đội dân phòng cơ động nữ" tham gia vô điều kiện, có chị năm nay đã ngoài 66 tuổi nhưng vẫn hăng hái với công việc. Họ không màng đến khó khăn, gian khổ, mà ngược lại, luôn thấy vui vẻ, phấn khởi với công việc "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" của mình.

Bên cạnh những mô hình như "Đội dân phòng cơ động nữ", "2 gặp, 3 biết", phong trào "Gia đình 7 tốt",... thì mô hình "Tiếng loa phòng chống tội phạm" cũng được chị Mẫn chỉ đạo duy trì. Theo chị, với biện pháp dùng loa di động để thông báo về phương thức, thủ đoạn và gián tiếp cảnh báo, đánh động tội phạm tại các khu dân cư mới, còn thưa nhà dân và các khu dân cư có nhiều hộ gia đình làm công chức, công nhân làm việc trong giờ hành chính, kết quả của cách làm này là đã làm giảm rõ rệt các vụ trộm đột nhập và phạm pháp hình sự tại khu dân cư. Ngoài ra, với trách nhiệm là Bí thư Đảng ủy phường, hàng tuần, tháng và quý, chị còn trực tiếp tham dự các cuộc họp giao ban an ninh cơ sở của Ban bảo vệ dân phố và các địa bàn dân cư, qua đó nắm bắt được những vấn đề nổi cộm về ANTT và đưa ra hướng chỉ đạo kịp thời, hiệu quả...

Doãn Hùng
(còn nữa)

Với nhiều thành tích trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và phòng chống tội phạm trên địa bàn, trong 6 năm liền (từ 2008 đến 2014), Đảng ủy, UBND P. Khuê Mỹ đã được Bộ Công an và Chủ tịch UBND thành phố tặng Cờ thi đua xuất sắc về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, cá nhân Trần Thị Mẫn được Bộ Công an và UBND thành phố tặng nhiều bằng khen.