Báo Công An Đà Nẵng

Những bóng hồng mê sáng chế

Thứ bảy, 18/10/2014 12:45

(Cadn.com.vn) - Từ thực tế thiếu đồ chơi hoặc đồ chơi quá đắt đỏ không đủ kinh phí mua nên các cô giáo Trường Mầm non Tuổi Thơ, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng đã sáng chế ra nhiều đồ chơi hấp dẫn, giúp phát triển trí tuệ, thể chất cho trẻ,  đạt nhiều giải thưởng cấp TP và quốc gia.

Bộ đồ dùng rê bóng của cô Nguyễn Hứa Kiều Hoa và cô Đặng Thị Tuyết Hồng rất hữu ích với nhiều tính năng hấp dẫn, được các cháu thích thú. Vào giờ học thể chất, khi bộ dụng cụ rê bóng được đưa ra, các em nháo nhào, giành nhau chơi, rất hứng thú. Cô Hồng cho biết, trẻ mầm non khi học phải có đồ dùng trực quan để giúp các cháu nắm bắt sự vật và rèn luyện tư duy.

Ý tưởng sáng chế bộ dụng cụ rê bóng bắt nguồn từ chính cái bảng đen vốn đã quen thuộc với học trò. Mỗi chiếc bảng như thế giá hơn 1 triệu đồng, nhưng cũng chỉ làm được một chức năng viết, vẽ lên đó. Nếu khi cần sắp xếp hình khối, tư duy theo sơ đồ cho trẻ lại phải dùng một cái bảng khác là bảng sắp.

Từ những bất cập đó, các cô đã ấp ủ ý tưởng làm một chiếc bảng đa năng vừa có thể vẽ, viết, sắp đặt, chơi trò chơi trên đó cùng lúc phát triển cả tư duy và thể chất cho trẻ. Khi đã có ý tưởng, các cô nhờ một phụ huynh làm thợ mộc đóng giúp, thế là bộ dụng cụ rê bóng được hình thành. Những tính năng mới cũng được bổ sung thêm trong quá trình sử dụng.

Cô Tuyết Hồng hướng dẫn học trò sử dụng bộ dụng cụ rê bóng. 

Cô Kiều Hoa cho biết, bộ đồ dùng rê bóng được thiết kế như một giá vẽ hai mặt bằng gỗ, trên hai mặt có thể thay đổi bằng các tấm bảng khác nhau khoan nhiều lỗ tròn theo kích thước của các quả bóng. Mỗi tấm bảng được sử dụng cho mức chơi từ dễ đến khó, phục vụ trẻ từ 2-6 tuổi. Công năng nổi bật của bộ dụng cụ này là giúp trẻ phát triển khả năng định hướng không gian, tư duy sơ đồ, nhận biết phải trái-trên dưới, phân biệt độ to-nhỏ, màu sắc trái bóng.

Đặc biệt bộ dụng cụ giúp trẻ phát triển kỹ năng khéo léo của đôi tay khi điều khiển dây rê bóng vào đích, vào lỗ và biết tìm con đường đi ngắn nhất để về đích sớm nhất. Ngoài chức năng này, bộ đồ dùng còn được giáo viên  dùng vào việc tổ chức hoạt động học cho trẻ một cách thuận tiện như: gắn bảng nỉ để sử dụng dạy toán, chữ cái, khám phá khoa học, gắn tranh kể chuyện; Gắn bảng mêca để dạy vẽ, viết...

Với nguyên liệu phổ biến, cách làm đơn giản nên hiệu quả kinh tế của bộ dụng cụ này rất lớn. Cô Hoa nói, tùy theo kích thước, bộ dụng cụ này có giá dao động từ 200-800 ngàn đồng, đã được triển khai rộng rãi cho các lớp học ở trường mầm non Tuổi Thơ và đem lại hiệu quả rõ rệt. Với bộ dụng cụ này, hai cô giáo đã nhận được giải Nhất Hội thi sáng tạo TP Đà Nẵng, giải Nhì Hội thi sáng tạo toàn quốc.

Các em học sinh hào hứng với dụng cụ phát triển cảm giác thăng bằng. 

Một sáng chế khác của nhóm cô giáo Trường Mầm non Tuổi Thơ cũng rất hữu ích, thu hút các cháu là bộ đồ dùng phát triển cảm giác thăng bằng. Bộ đồ dùng này được thiết kế hoàn toàn bằng gỗ, gồm 4 loại dụng cụ với hơn 16 đồ dùng có các cách chơi khác nhau để rèn nhiều kỹ năng vận động phát triển cảm giác thăng bằng cho trẻ như: Đồ dùng giữ thăng bằng bằng cơ thể, bằng đôi chân, bằng đôi tay, đi thăng bằng trên ghế, đi theo đường dích dắc...

Mỗi loại đồ dùng đều được thiết kế nhiều kiểu, được cấu trúc chơi từ dễ đến khó, được dùng cho một hoặc nhiều bé chơi... Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung cho biết, bộ dụng cụ phát triển cảm giác thăng bằng này còn giúp cải thiện chiều cao. Để hoàn thành mỗi dụng cụ, các cô giáo phải tốn rất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu và kinh phí. Bộ dụng cụ này cũng được giải Nhất thành phố và giải khuyến khích Hội thi sáng tạo toàn quốc vừa qua.

Có thể nói bằng chính đam mê sáng chế, nhất là thực tiễn công tác dạy học đã là động lực mạnh mẽ thôi thúc các “bóng hồng” ở Trường Mầm non Tuổi Thơ cho “ra lò” nhiều sáng chế hữu ích. Đặc biệt khi thực trạng thiếu dụng cụ ở mầm non vẫn phổ biến, bức thiết thì những sáng chế theo kiểu “cây nhà lá vườn” vừa mang hiệu quả sử dụng lẫn hiệu quả kinh tế của các cô giáo càng đáng trân trọng.

Hải Quỳnh