Báo Công An Đà Nẵng

“Những bóng ma” đe dọa Iraq

Thứ hai, 11/11/2013 13:51

(Cadn.com.vn) - 2 năm sau khi Mỹ rút toàn bộ lực lượng khỏi Iraq, tình hình an ninh tại quốc gia này vẫn vô cùng bấp bênh. Theo LHQ, tại nhiều nơi trên lãnh thổ Iraq, bạo lực rơi vào tình trạng báo động, với gần 1.000 người thiệt mạng chỉ riêng trong tháng 10. Thủ tướng Nuri al-Maliki phải tới Washington nhờ Mỹ kiềm chế sự hồi sinh của nhóm khủng bố Al-Qaeda. Rõ ràng, có quá nhiều vấn đề đang đe dọa sự ổn định vốn rất mong manh của quốc gia Nam Á này.

Chia rẽ bè phái

Tâm điểm gây mất an ninh tại Iraq hiện nay là chia rẽ giữa người Hồi giáo Shiite chiếm đa số và người Sunni thiểu số. Mối bất hòa này có lịch sử lâu đời bao gồm các chính sách đàn áp đầy bạo lực chống lại những người Kurd theo dòng Sunni trong thập kỷ qua.

Hiện ông Jalal Talabani – một người Kurd dòng Sunni, đang giữ chức Tổng thống Iraq. Song nhiều người cho rằng, Thủ tướng Al-Maliki - người  Shiite - mới là người nắm giữ quyền điều hành đất nước. Mặc dù, một hiệp ước chia sẻ quyền lực được ký kết năm 2010, song người Sunni – vốn chiếm ưu thế dưới thời cố Tổng thống Saddam Hussein, cho rằng, Thủ tướng Al-Maliki loại họ khỏi những vị trí quan trọng trong chính phủ quốc gia. Năm 2010, nhiều người Sunni tẩy chay các cuộc bầu cử Quốc hội sau khi ủy ban chính phủ cấm cửa gần 500 ứng cử viên bị cáo buộc có mối quan hệ với những người Sunni trong đảng Baath, từng do ông Hussein lãnh đạo.

Hiện trường một vụ đánh bom xe ở Kirkuk, phía bắc thủ đô Baghdad, hôm 5-11.

Al-Qaeda hồi sinh

Năm 2008, Mỹ tăng cường lực lượng an ninh tại Iraq, cùng với sự trợ giúp của các bộ lạc người Sunni, Al-Qaeda ở Iraq bị tấn công nặng nề.

Tuy nhiên sau khi Mỹ rút quân vào năm 2011, nhóm người Sunni mang tên Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông tiếp tục sa lầy vào cuộc chiến chia rẽ bè phái cũng như cuộc xung đột tại quốc gia láng giềng Syria. Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ gồm John McCain và Lindsey Graham đã chỉ trích cách quản lý của Thủ tướng Al-Maliki gây thù địch với người Sunni. “Nhiều chuyên gia cho rằng những hành động mạnh tay được chính quyền Thủ tướng Maliki thực hiện nhằm củng cố quyền lực sau khi Mỹ rút quân khiến người thiểu số Sunni xa lánh và giúp Al-Qaeda trỗi dậy”, Jonathan Masters và Zachary Lamb thuộc Hội đồng Quan hệ quốc tế Mỹ, nhận định.

Theo báo cáo của LHQ, hơn 6.400 dân thường đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực tại Iraq trong năm nay và riêng tháng 10 là 979 người. Trong đó, những cuộc tấn công có liên quan đến Al-Qaeda đã phát triển ngày càng tinh vi và trắng trợn hơn. Trong tuần này, những kẻ tấn công đã đánh bom liều chết một trạm kiểm soát quân sự Tây Mosul. Tình hình căng thẳng gia tăng đã khiến nhiều nhà phân tích nhận định, Iraq đang tiếp tục lâm vào một cuộc nội chiến mới.

An ninh - Kinh tế

Cuộc nội chiến tại quốc gia láng giềng Syria càng làm tình hình an ninh tại Iraq thêm phức tạp.

Các quan chức người Kurd không chỉ phải tìm cách đối phó với gần 200.000 người tị nạn tìm nơi trú ẩn tại khu vực phía Bắc tương đối yên bình của Iraq mà cuộc xung đột tại Syria khiến căng thẳng quân sự trong khu vực gia tăng. Mặc dù Iraq giữ quan điểm trung lập trong cuộc nội chiến tại Syria, song với sự ủng hộ của Thủ tướng Al-Maliki với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhiều người lo sợ nếu những kẻ cực đoan dòng Sunni có mối quan hệ với Al-Qaeda giành kiểm soát tại khu vực này. Trước các vấn đề cấp bách như vậy, giới phân tích không mấy ngạc nhiên khi ông Al-Maliki kêu gọi Tổng thống Obama hỗ trợ giúp chống lại chủ nghĩa khủng bố và các vấn đề an ninh khác.

Dù gặp nhiều thuận lợi trong việc phục hồi kinh tế sau nhiều năm chiến tranh, tình trạng đói nghèo tại Iraq vẫn phổ biến và nền kinh tế vẫn mong manh. Gần 2 triệu người Iraq vẫn thiếu ăn. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cũng như nạn mù chữ và thất nghiệp vẫn ở mức cao. Tình hình bạo lực cũng làm chệch hướng hoạt động sản xuất dầu mỏ - lĩnh vực cung cấp hơn 90% lợi nhuận cho chính phủ Iraq và chiếm 4/5 nguồn thu ngoại tệ. Ngoài ra, an ninh bất ổn còn đe dọa khả năng thanh toán các khoản chi cho an ninh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Baghdad.

An Bình (Theo CNN)