Báo Công An Đà Nẵng

Những ca khúc hay về nhà giáo

Thứ sáu, 17/11/2017 13:09

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, những người thuộc thế hệ 6X như chúng tôi đều biết một bài hát, có thể gọi là "ngành ca" của ngành giáo dục. Đó là bài "Bài ca người giáo viên nhân dân", một sáng tác của Hoàng Vân. Có rất nhiều bài hát hay về nghề giáo nhưng theo cảm nhận của tôi thì bài hát này là hay nhất. Một cô giáo đã tâm sự với người viết rằng: "Mình luôn xúc động mỗi khi nghe bài hát này. Có những lúc buồn chán vì nhiều lý do như học sinh hư, kết quả học tập, giảng dạy chưa tốt, đồng lương ít ỏi hoặc va chạm đồng sự..., chợt thấy nghề này sao "bạc bẽo" đến thế...; lúc đấy Bài ca người giáo viên nhân dân luôn đem đến cho mình luồng sinh khí mới, thêm tin yêu và vững bước với cái nghề cao quý này.

 

Vô cùng biết ơn nhạc sĩ Hoàng Vân". Trong bài hát, hình tượng người giáo viên thật đẹp, đẹp như "những loài hoa thơm đậm đà sắc hương". Người nhạc sĩ đã mô tả người giáo viên thanh cao, trong sáng, đẹp như bài ca, như đóa hoa. Nghe bài hát lòng rạo rực và thấy nghề giáo thật thanh cao. Họ là những cô giáo có "Tâm hồn tươi mát xanh như tán lá bàng, trái tim đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ". Đoạn kết bài hát có những ca từ thật đẹp và tự hào: "Em đi gieo hạt giống đẹp bao tâm hồn, noi gương anh hùng cách mạng chiếu sáng ngời...". Và thật sự, họ có quyền tự hào là những "Chiến sĩ văn hóa", lớn lên trong chiếc nôi quê hương Việt Nam.

Bài hát thứ hai cũng là một bài hát rất hay mà tựa đề đã nói rất rõ chủ đề tác giả Nguyễn Văn Quỳ muốn thể hiện: "Yêu người bao nhiêu, ta càng yêu nghề bấy nhiêu". Đây cũng là một bài hát khắc họa khá đậm nét cái cao quý của nhà giáo. Mở đầu bài hát là câu "Yêu người bao nhiêu, ta càng yêu nghề bấy nhiêu". Tiếp đó, thật là sảng khoái, yêu đời khi nghe những câu: "Đời phơi phới vui vui say thơm mùi giấy mới, sống noi gương trang sử xanh, ngát thơm hương hoa ngọt lành,  vẻ vang như ánh dương bừng chói chang..."; rồi là "đời vui tiếng ca ríu rít như bầy chim xinh, mãi reo vang trường ta, lúa xanh tươi trên đồng ta, dựng xây đất nước chúng ta mau cùng góp phần...".

Hình ảnh người giáo viên thật cao quý và đáng được tôn vinh bởi họ là những người "khuya sớm chuyên cần dìu dắt tuổi xanh". Và thật tự hào khi họ "vượt qua chông gai phía trước, nguyện đem tinh hoa dâng lên Tổ quốc". Kết thúc bài hát là sự khẳng định mạnh mẽ và tràn đầy niềm tin, hy vọng: "Nào cùng đi, khi ta đã là người giáo viên nhân dân, kỹ sư tâm hồn nghề ta có gì đẹp hơn. Lời ca vang trong tiếng gió, niềm tin trong tim chiếu sáng...vì ngày mai".

Bài hát tuy lời không dài nhưng súc tích và có ý nghĩa đến từng chi tiết, khắc họa được lòng tự hào và thấm đượm lòng yên nghề. Trong website "Những bài ca đi cùng năm tháng", một thính giả đã bình luận: "Một ca khúc tuyệt vời về nghề giáo. Mỗi lần nghe bài hát này là một lần tôi sống lại những ngày tháng tươi đẹp của tuổi trẻ thập niên 1960-1970. Cũng vì quá yêu thích bài hát này mà tôi yêu luôn nghề dạy học và...yêu luôn một cô giáo!".

Bài hát thứ 3 tôi muốn nhắc đến là bài "Ước mơ xanh" của Lệ Giang, một cô giáo ở Hà Nội sáng tác. "Ước mơ xanh" đã đem đến cho người nghe nỗi xúc động trong tình yêu chân thành, đằm thắm và đôn hậu của một người yêu nghề dạy học và yêu âm nhạc. Tuy mới sáng tác nhưng bài hát của chị dễ được chấp nhận và yêu thích. Trong số thư thính giả gửi về Đài TNVN, có rất nhiều thư đề nghị được nghe lại bài hát này. Nó còn được nằm trong các cuốn sổ tay của nhiều cô gái đang nung nấu những "ước mơ xanh" làm nghề sư phạm.

Ca từ của bài hát mượt mà, xúc động, thấm đượm tình yêu với học trò. Hình ảnh người giáo viên trong bài hát thật dịu dàng, yêu nghề, yêu đời và yêu trẻ, càng ý nghĩa hơn khi chính tác giả là người đang đứng trên bục giảng sáng tác. Cái cao quý của nghề giáo được cô "ôm ấp trong tim", là niềm mơ ước lớn  từ khi còn niên thiếu. Và khi đã đứng vào hàng ngũ những người "Kỹ sư tâm hồn" cô đã cảm nhận được "tiếng trống trường thân thương dưới nắng quê hương", để rồi lâng lâng "Ru trong bao tâm hồn đẹp khúc hát mùa xuân...".

Còn khá nhiều ca khúc sáng tác về người giáo viên được công chúng và các nhà giáo ghi nhận. Có thể kể một số "đại diện" như: "Cô đi nuôi dạy trẻ" của Nguyễn Văn Tý nói về những cô giáo ngành học mầm non; "Em đứng giữa giảng đường hôm nay" của Tân Huyền nói về người giảng viên đại học hay bài "Bụi phấn" của Vũ Hoàng ca ngợi hình ảnh người thầy... Riêng với người viết, 3 bài hát nêu trên là để lại ấn tượng nhất, khắc họa đậm nét hình tượng của người giáo viên nhân dân, của nghề sư phạm, một "nghề cao quý". Dù thời gian trôi qua nhưng cái hay, cái đẹp của bài hát vẫn mãi đi cùng năm tháng, để những thầy cô giáo vững tin trong "Sự nghiệp trồng người", thêm tự hào và yêu nghề, yêu trẻ và yêu đời hơn.

Dân Hùng