Những cấm kỵ trong tục cưới hỏi của người Dao
(Cadn.com.vn) - Những năm trước đây, người đồng bào Dao ở một số tỉnh phía Bắc di cư vào làm ăn sinh sống ở Đắc Nông. Theo thống kê, toàn tỉnh Đắc Nông hiện có khoảng 16.000 người Dao, trong đó, tập trung đông nhất tại các huyện Krông Nô, Đắc Mil và Chư Jút... Người Dao ở Đắc Nông hiện còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống như: trang phục, nhạc cụ, nghi lễ, phong tục... Trong đó lễ cưới là một nghi thức có từ lâu đời, thể hiện bản sắc văn hóa riêng của đồng bào dân tộc Dao. Bên cạnh những nghi thức truyền thống, tục cưới hỏi của người Dao có những quy định, điều cấm kỵ riêng mà người trong cộng đồng phải chịu ràng buộc... Chẳng hạn, trên đường đi hỏi vợ cho con, nếu chẳng may gặp bất cứ con vật gì chạy qua, người đồng bào Dao lập tức báo hoãn với gia đình nhà cô gái. Trong vòng 3 ngày sau khi ăn hỏi, nếu chẳng may hai bên gia đình có động vật nhảy lên bàn thờ, mái nhà thì gia đình nhà trai sẽ từ chối cưới cô gái đã ăn hỏi về làm vợ cho con mình. Bởi người Dao cho rằng, tất cả sự xuất hiện của động vật vào thời điểm đó là điềm báo không may mắn trong cuộc sống hôn nhân của đôi nam nữ.
Đến tuổi lập gia đình, thay vì tự đi tìm hiểu, yêu đương thì nhiều chàng trai người Dao được bố mẹ tìm kiếm và lựa chọn cho một người vợ hiền. Thế nhưng, để đến được hôn nhân, đôi nam nữ phải trải qua không ít thử thách lẫn thời gian. Ông Hoàng Quốc Tiến (58 tuổi, trú thôn Nam Sơn, xã Long Sơn, huyện Đắc Mil, tỉnh Đắc Nông) cho hay: "Khác với phong tục cưới hỏi của một số dân tộc thiểu số khác, người Dao tuyệt đối không cho con trai sang nhà gái ở rể. Để chọn được con dâu ưng ý cho con trai mình, trước đây, bố, mẹ có trách nhiệm đi tìm hiểu và chọn vợ hiền thay con. Do đó có không ít trường hợp gia đình người Dao tìm dâu hiền khi con trai mới chỉ 14-15 tuổi. Người con gái được chọn làm vợ của chàng trai không yêu cầu phải giàu có, xinh đẹp mà cần sự tốt bụng, cần cù, chăm chỉ và biết lo cho gia đình". Sau khi tìm được cô gái "ưng cái bụng", gia đình nhà trai sẽ đi tìm thầy xem tuổi cho đôi trẻ. Nếu cả hai hợp tuổi, hợp số, gia đình nhà trai sẽ thông báo cho nhà gái ngày, giờ cụ thể đến làm lễ ăn hỏi. Thế nhưng, nếu chẳng may cả hai không hợp tuổi nhưng đôi nam nữ cương quyết lấy nhau thì gia đình nhà trai phải mời thầy mo về cúng để "hợp số" cho đôi trai gái trước ngày làm đám hỏi.
Những hình ảnh trong lễ cưới của người Dao. |
Sau khi định được ngày, bố mẹ của chàng trai sẽ chuẩn bị các lễ vật như: một con gà, thịt heo, bánh kẹo... đồng thời thông báo với gia tiên về việc đi hỏi vợ cho con. Đến hẹn, đại diện gia đình nhà trai sẽ mang lễ vật sang nhà cô gái. "Trên đường đi đến nhà gái để làm lễ ăn hỏi, nếu chẳng may gia đình nhà trai phát hiện có con vật như: nai, hươu, chó, gà... chạy qua thì lập tức thông báo đến gia đình nhà gái hoãn lại ngày tổ chức đám hỏi. Ngược lại, sau khi ăn hỏi từ nhà gái về mà phát hiện những con vật như trên thì nhà trai sẽ nói lại với nhà gái là không thể tổ chức đám cưới cho con trai mình với con gái của họ. Thậm chí, trong vòng 3 ngày sau khi ăn hỏi thành công, nếu hai bên gia đình xảy ra tình trạng vỡ chén bát, mèo nhảy lên bàn thờ, chó trèo lên mái nhà thì đám cưới cũng bị hủy. Bởi người Dao cho rằng, những con vật này xuất hiện vào những thời điểm đó là điềm báo cho thấy cuộc hôn nhân của đôi trẻ sẽ không hạnh phúc về sau này. Do vậy, tuyệt nhiên đôi trai gái ấy sẽ không thể đến với nhau"-ông Tiến nói thêm. Trong trường hợp mọi việc đều thuận lợi thì chỉ sau 3 ngày ăn hỏi là người Dao sẽ tiến hành định ngày cưới cho các con mình. Trước khi cô dâu về nhà chồng, thầy mo cúng trình báo tổ tiên nhà gái. Lễ vật gồm: 1 thủ lợn, 1 con gà luộc, 1 đĩa xôi màu đỏ, 1 chai rượu, 6 chiếc chén đặt trước bàn thờ tổ tiên. Trong ngày cưới, nhà trai phải cử người cùng chú rể sang nhà gái đưa dâu về. Người được chọn sang dẫn cô dâu về là người phải có uy tín trong dòng họ, khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc. Người Dao quan niệm, khi người con gái đi lấy chồng không để mặt trời nhìn thấy bởi sợ mất vía cô dâu, sẽ không gặp may trong cuộc đời sau này. Bên cạnh đó, đoàn đưa dâu đến gần nhà trai thì phải nghỉ chân trên đường, chờ người dẫn đường của nhà trai về báo trước. Nhà trai sẽ cử một đoàn kèn, trống và ông chủ lễ ra cổng đón. Trong lúc hai bên gặp nhau thường diễn ra cuộc hát đối đáp và mời nhau uống rượu. Bữa tiệc cưới được diễn ra vui vẻ, đội kèn nhập mâm đón cô dâu vào nhà. Theo đó, cô dâu vào nhà chú rể bằng cửa chính. Đặc biệt, những người đến dự đám cưới phải có 2 tờ tiền giống nhau chứ không mừng 1 tờ hoặc nhiều hơn 2 tờ. Điều đó có ý nghĩa mong muốn cho đôi trai gái luôn hạnh phúc, có đôi, quấn quýt với nhau. Tuy nhiên, với người phụ nữ đã từng trải qua một lần "đò" thì thủ tục cưới xin không còn được trang nghiêm như trên nữa. Ông Tiến lý giải: "Người đàn ông Dao nếu từng có vợ mà đã chết hoặc vợ bỏ đi thì việc cưới hỏi vẫn diễn ra theo đúng phong tục. Tuy nhiên, với người phụ nữ đã từng có chồng thì nhà trai sẽ không tổ chức cưới hỏi, rước dâu. Theo đó, gia đình nhà trai chỉ làm mâm cơm rồi mời thầy mo về cúng thông báo với ông bà tổ tiên công nhận đôi nam nữ trở thành vợ chồng của nhau. Bên cạnh đó, người phụ nữ đã từng có chồng thì không được đi bằng cửa chính vào nhà trai mà phải đi bằng cửa nách hoặc cửa bếp".
3 ngày đầu sau khi cưới, cô dâu mới không được ngồi ăn chung mâm với gia đình chồng. Đến bữa ăn, cô dâu mới sẽ ngồi ăn cơm một mình hoặc ăn chung với những người trong dòng họ nhà trai. Theo ông Tiến, ngày nay tục lệ cưới hỏi của người Dao không còn cầu kì, tốn kém như trước. Thế nhưng, những điều cấm kỵ trong tục cưới hỏi của người Dao thì vẫn được gìn giữ, duy trì từ đời này qua đời khác. Ông Trần Đức Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: "Ngày nay, các phong tục, tập quán, trong đó có lễ cưới hỏi của người đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Dao nói riêng đã mai một đi nhiều. Lễ cưới của người Dao và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn gần như không khác gì so với người Kinh. Tuy nhiên, khi làm lễ cưới thì cô dâu và chú rể người Dao bắt buộc phải mặc trang phục truyền thống để đảm bảo sự tôn nghiêm theo đúng phong tục truyền thống của họ".
Thơ Trịnh