Những chiếc xe chờ... đốt!
(Cadn.com.vn) - Sau khi Thủ tướng Chính phủ có chủ trương về việc xử lý xe không chính chủ, các Bộ, ngành như Bộ GTVT, Bộ CA, Bộ Tư pháp đã có động thái rất nhanh, nhạy để đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ những nút thắt, những vướng mắc trong thủ tục sang nhượng, chuyển quyền... đối với những trường hợp mua bán xe lòng vòng qua nhiều chủ. Thông tư 12-2013/ BCA là một ví dụ tích cực. Tuy nhiên, hình như với Tổng Cục Thuế thì những việc đó không phải của họ và những quy định có sẵn, máy móc vẫn đang được áp dụng một cách triệt để, dẫn đến hiện nay trên cả nước rất nhiều ô-tô, xe máy đang ở dạng nằm chờ... đốt.
Ông N. Ngọc Giang ở Đà Nẵng cầm trên tay bộ hồ sơ gốc của chiếc ô-tô 92K... trình bày: “Tôi mua chiếc xe Daewoo cũ này từ năm 2007 của một doanh nghiệp có trụ sở đăng ký tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Sau này khi đến làm thủ tục mua bán, sang nhượng thì mới được biết Cty này đã ngừng hoạt động và giải thể. Từ đó đến nay do không thể sang tên được nên tôi vẫn dùng chiếc xe này là phương tiện đi lại. Sau khi Bộ Công an có Thông tư 12-2013/BCA về việc cho phép sang tên làm chính chủ đối với các phương tiện không có hồ sơ chuyển nhượng, tôi đã làm hồ sơ theo hướng dẫn của ngành CA. Hồ sơ của tôi đã được Phòng CSGT CA tỉnh Quảng Nam tiếp nhận và sau một tháng cơ quan này đã làm thủ tục “sang tên, di chuyển xe” cho tôi để về đăng ký tại Đà Nẵng, sau khi đã thu hồi biển số và giấy đăng ký cũ.
Ngỡ tưởng mọi việc sẽ hoàn toàn thuận lợi thì khi tới làm thủ tục đăng ký tại Phòng CSGT CA TP Đà Nẵng tôi được hướng dẫn đến nộp thuế trước bạ tại Chi Cục Thuế Q. Hải Châu. Tại đây, chị cán bộ của Chi cục xem hồ sơ và phán rằng: Xe của anh không thể đóng thuế trước bạ được vì không có Hóa đơn bán hàng của chủ xe cũ. Sau khi nghe tôi trình bày, chị cán bộ này cũng nhiệt tình mở mạng kiểm tra rồi giơ ra cho tôi xem gần chục bộ hồ sơ tương tự đang nằm chờ trên bàn chị.
Chị cũng rất nhiệt tình hướng dẫn: “Anh nên vào Chi cục Thuế Tam Kỳ nhờ họ kiểm tra rồi xuất hóa đơn bán lẻ cho thì sẽ làm được”. Ông Giang nhăn nhó kể tiếp: “Vào đến Chi cục Thuế TP Tam Kỳ, tôi được cán bộ ở đây nói rằng: Phải có người của DN chủ xe đó đứng ra ký hóa đơn thì mới xuất hóa đơn bán lẻ được. Thiếu điều tôi ngất xỉu, họ đã giải thể thì còn đâu mà tìm”.
Không còn con đường nào khác, ông N. Ngọc Giang đã đem toàn bộ hồ sơ chiếc xe do phòng CSGT, CA tỉnh Quảng Nam cấp để xin trả lại, coi như chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển mong giữ nguyên hiện trạng để sử dụng. Nhưng không, Phòng CSGT CA tỉnh Quảng Nam cho biết, chúng tôi không tin là không thể nhập được chỉ vì chúng tôi đã làm đúng quy định. Riêng xe của ông đã được làm thủ tục di chuyển, các thủ tục đã được báo cáo qua hệ thống mạng của Ngành CA không thể nhập lại được.
Lúc này ông N. Ngọc Giang không còn hình như ngất nữa mà là ngất xỉu thật vì như vậy, chiếc xe của ông dù đã được cơ quan CA công nhận là chủ sở hữu hợp pháp, đúng pháp luật nhưng ông không thể mua, bán, cho, tặng, không thể sử dụng... chỉ vì không được đóng thuế. Ông lại phân vân: “Chỉ còn cách đem đi đốt, nhưng không biết đốt có vi phạm pháp luật hay không? Vì ngoài việc là tài sản cá nhân thì chiếc xe cũng là một phần tài sản của xã hội. Coi chừng bị kết tội: hủy hoại tài sản thì... chết”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, khi triển khai thực hiện Thông tư 12 của bộ CA thì hiện nay trên cả nước tình trạng như chiếc xe của ông Giang là rất nhiều, có thể lên đến hàng trăm chiếc với giá trị rất lớn. Đề nghị Tổng Cục Thuế cần sớm ban hành văn bản quy định cụ thể, chi tiết về việc này để cùng với Bộ Công an sớm đưa một chủ trương đúng, hợp lòng dân của Chính phủ đi vào cuộc sống.
Giang Sơn