Những chiếc xe ngựa cuối cùng
(Cadn.com.vn) - Trong các loại phương tiện đi lại, xe ngựa có lẽ là loại xe được "lãng mạn hóa" nhiều nhất. Xe được gọi thành một từ khác rất đẹp là "xe thổ mộ". Chiếc xe ngựa đã gắn liền với đời sống người dân quê rất lâu, ngay cả khi chiếc xe lam trở thành phương tiện vận chuyển hàng hóa thì xe ngựa vẫn được coi trọng.
Riêng với Nha Trang (Khánh Hòa), tôi còn nhớ hình ảnh Quốc lộ 1 từ Thành đến Chợ Đầm gần 10 cây số dập dìu xe ngựa. Con đường này mấy mươi năm trước vẫn còn là con đường quê. Bóng xoài, bóng cây ăn trái ngả tận ra trên con lộ nhỏ. Thậm chí con đường còn rất nhiều ngôi nhà xưa với hàng rào bằng hoa dâm bụt, hàng rào bằng cây chen đan với nhau. Ngày Tết, các em nhỏ dành tiền thuê xe ngựa chở về thành phố rong chơi. Cũng vì thế mà tại phía sau chợ Đầm, Nha Trang có bến xe ngựa. Xe ngựa chở nông sản đi từ đêm chở đến "Chợ âm phủ" ở chợ Đầm, sau đó ra bến đợi khách tan chợ, lại đưa khách về. Trong đời sống, dĩ nhiên không ai không khỏi ngoái mắt nhìn theo chiếc xe khá độc đáo này.
Nhưng quy luật của cuộc sống cũng rất rành rẽ. Khi xe gắn máy trở thành phương tiện thông dụng, chiếc xe lam bị ngưng hoạt động, nhiều phương tiện thông dụng khác cũng trôi vào dĩ vãng thì dù chẳng ai có lệnh cấm chạy xe ngựa, nhưng rồi chẳng bao lâu nữa khi muốn tìm một chiếc xe ngựa rong chơi ở Nha Trang cũng sẽ trở thành chuyện hiếm hoi.
Người viết cũng rất tò mò đi tìm xem thử ở Nha Trang còn bao nhiêu chiếc xe ngựa. Có lúc gặp chiếc xe chạy trên đường lộ, vội phóng xe đuổi theo tìm hiểu... để rồi khá bất ngờ khi trong lòng phố Nha Trang chỉ còn có vài chiếc, chủ yếu phục vụ cho khách du lịch trong tour nhà cổ. Có một đám cưới muốn thuê xe ngựa cũng chỉ thuê được 7 chiếc như thế.
Một trong số những chiếc xe ngựa cuối cùng. |
Những người vẫn miệt mài với chiếc xe ngựa trong cuộc mưu sinh như anh Nguyễn Lã ở xã Vĩnh Ngọc cũng đã già. Anh đã có trên 20 năm làm tài xế xe ngựa. Những vui buồn anh đã trải qua với công việc nuôi ngựa và đánh xe ngựa chở khách nhiều đến nỗi anh không nhớ hết. Người đàn ông này cũng đã giã từ chiếc roi làm bằng cây ổi quất lên mông ngựa điều khiển chúng trên những dặm đường quê. Anh Lã hoài niệm: "Ngày xưa xe ngựa chạy đông khách lắm. Chúng tôi phải thức dậy từ sáng sớm đến Vĩnh Trung đón khách đi chợ. Trước giải phóng do mất an ninh nên phải đợi đến 5-6 giờ sáng mới được chạy. Còn sau đó thì chạy suốt đêm để chở hàng. Nhưng thời vàng son của xe ngựa đã ở lại sau lưng. Giờ đây chỉ có mấy bà già lớn tuổi vẫn còn "hoài niệm" với chiếc xe ngựa, thích nhẩn nha trên xe ra phố".
Câu chuyện chiếc xe và con ngựa cũng khá ảm đạm. Hiện nay người thợ đóng móng và làm xe ngựa cuối cùng ở khu vực Vĩnh Thạnh đã giải nghệ vì chẳng còn ai chịu làm. Ông Ba rèn có thể làm những chiếc bánh xe ngựa gỗ, nhưng giờ đây khi ông không còn làm thì những chiếc xe chuyển sang chạy bánh ô-tô cũ. Không hợp, không đẹp, không lãng mạn, không còn tiếng lách cách theo kiểu bánh xe ngựa... nhưng... đành vậy. Những chiếc xe ngựa nguyên mẫu giờ đây cũng cũ lắm rồi, để thu hút khách du lịch, người ta phải tân trang, sơn son thiếp vàng.
Thường thì mỗi chiếc xe ngựa cần tới hai con ngựa để thay đổi, giá mỗi con từ 10-15 triệu đồng. Tuy nhiên mỗi con ngựa chỉ chạy xe được vài năm, sau đó già đi lại bán rẻ cho các nơi làm thịt. Do đi quen nên con ngựa rất thuộc đường và thuộc cả động tác của chủ. Với sợi dây cương, giựt khẽ là chạy, quất roi là chạy nhanh, níu cương lại là dừng... Nuôi ngựa tương đối ít tốn kém. Cỏ cho ngựa ăn tự đi cắt về, thường là cỏ mật, cỏ lùng... Có sang chăng là mỗi ngày ngựa được bồi dưỡng 2 ký mật nước.
Giờ đây, nếu đón khách đi chợ thì giá mỗi người từ 5- 10 ngàn đồng, chở được buổi sáng với hàng hóa chừng vài chục ngàn, coi như tạm đủ mua gạo mắm. Nếu ngày nào chẳng ai kêu chở coi như tốn tiền nuôi ngựa. Hiện tại, xe ngựa còn "sống" sót ở Nha Trang bởi sự tò mò của... khách du lịch. Trong lượng khách thích đi xe ngựa, không hiếm người già tự dưng thích dạo những con đường quê bằng "vó câu", tuy vậy chở vòng vòng như thế cũng chỉ được 50.000 đồng. Và, nếu khách muốn dạo phố đành phải "tăng bo" bằng các loại phương tiện khác, bởi xe ngựa không được chạy rong trong thành phố vì mất... mỹ quan!
Đã đến lúc giã từ những chiếc xe ngựa lãng mạn? Vẫn biết rồi cái ngày ấy sẽ đến vẫn thấy buồn, thấy hẫng hụt. "Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương...".
Khuê Việt Trường