Những chốt tiền tiêu trên biển
Hằng năm, các tổ đội khai thác thủy sản của TP Đà Nẵng cung cấp cho lực lượng chức năng hàng trăm thông tin có giá trị về tình hình tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển của ta, tình hình tàu cá va đập, hư hỏng, tai nạn trên biển, tiếp nhận thông tin hướng dẫn tránh, trú bão an toàn...
Những tàu cá đánh cá ra khơi khai thác thủy sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. |
Năm 2006, nhằm tăng cường công tác quản lý tàu cá khi hoạt động trên biển, hướng dẫn phòng tránh thiên tai, cứu nạn cứu hộ và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành các văn bản về việc thành lập tổ đội khai thác hải sản trên biển. Được sự giúp đỡ của ngành Nông nghiệp và UBND các quận nghề cá các tổ, đội khai thác được thành lập trên cơ sở cùng ngành nghề, cùng ngư trường, cùng địa phương... Mục đích của tổ và hoạt động theo quy chế tự nguyện giúp đỡ nhau trong đánh bắt, hỗ trợ kỹ thuật, cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai; đồng thời trên cơ sở các tổ đội này, thiết lập đường dây liên lạc để các thuyền trưởng cung cấp thông tin về an ninh trên biển cho lực lượng Biên phòng.
Đến nay, toàn thành phố Đà Nẵng đã thành lập 112 tổ sản xuất với 734 tàu cá tham gia, trong đó 77 tổ/449 tàu cá hoạt động vùng khơi, 35 tổ/285 tàu hoạt động khai thác vùng lộng và vùng bờ, đây là những tổ chức tiền tiêu trên biển góp phần quan trọng về bảo vệ vùng biển. Hằng năm, các tổ đội cung cấp cho lực lượng chấp pháp hàng trăm thông tin có giá trị như: tình hình tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển của ta, tình hình tàu cá va đập, hư hỏng, tai nạn trên biển, tiếp nhận thông tin hướng dẫn tránh, trú bão an toàn...
Năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam, 250 ngư dân cùng 25 tàu đánh bắt hải sản đã phối hợp cùng cơ quan chức năng tổ chức đấu tranh ngăn chặn hoạt động trái phép này. Quá trình đấu tranh kiên trì ngăn chặn của các lực lượng, ngày 16-7-2014 buộc Trung Quốc phải kéo giàn khoan trái phép ra khỏi vùng biển Việt Nam. Dù cuộc đấu tranh gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng các ngư dân Đà Nẵng đã tham gia tích cực.
Ông Lê Văn Chiến-Tổ trưởng tổ đoàn kết số 1, P. Xuân Hà, tâm sự: Trong tổ có 4 thành viên hành nghề lưới vây. Ngoài việc đánh bắt hải sản, phát triển kinh tế, các ngư dân trong tổ còn thường xuyên tham gia công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo. Dù gặp nhiều khó khăn khi bị các tàu nước ngoài đe dọa nhưng ngư dân trong tổ vẫn bám biển, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.
Để thực hiện tốt công tác đánh bắt hải sản gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, thời gian qua các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân Đà Nẵng về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để xây dựng đất nước, xem đây là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, tạo nên sự thống nhất cao trong cán bộ, các tầng lớp nhân dân về mục tiêu chiến lược biển, đảo đến năm 2020 và những năm sau.
Song song với việc xây dựng lực lượng quân đội chính quy, hiện đại, Đà Nẵng chú trọng xây dựng gần 20 tổ đoàn kết khai thác thủy sản trên biển. Với mô hình tổ đoàn kết này đã phát huy hiệu quả đánh bắt của từng tàu, tăng cường việc hỗ trợ nhau khi có tai nạn xảy ra và tổ chức đấu tranh với những đối tượng xấu có hành vi xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Theo ông Hồ Phó - nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng: Để phát huy tốt vai trò của ngư dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, Nhà nước cần có chủ trương phát triển những tàu đánh bắt hải sản có công suất lớn, có thể đánh bắt thủy sản dài ngày trên biển tại những ngư trường giàu tiềm năng và góp phần bảo vệ an ninh trên biển... Theo ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng: Trong thời đại hiện nay, ngoài công việc phát triển kinh tế, các ngư dân còn thực hiện nhiệm vụ cao cả đối với Tổ quốc là bảo vệ, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển, đảo...
Trước sứ mệnh thiêng liêng với đất nước, hy vọng những tổ đoàn kết khai thác thủy sản sẽ khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản trên biển, đóng góp vào sự phát triển về kinh tế - xã hội tại địa phương và tiếp tục phát huy sức mạnh, tạo ra một thế trận lòng dân, thực sự là những chốt tiền tiêu trên biển nhằm bảo vệ sự yên bình cho biển, đảo quê hương.
M.T
Còn gì tự hào hơn... Ngư dân Trần Văn Mười, trú P. Mân Thái, Q. Sơn Trà, cho biết: Có gì tự hào hơn khi được rong ruổi trên biển cùng với lá cờ đỏ sao vàng để khẳng định chủ quyền của dân tộc đối với biển đảo quê hương. Vì thế, dù khó khăn đến mấy, chúng tôi vẫn bám biển, kịp thời phát hiện, thông báo cho các cơ quan chức năng biết những “hiện tượng lạ” để có biện pháp đấu tranh với những hành vi xâm hại đến chủ quyền, an ninh trên biển. |