Báo Công An Đà Nẵng

Những chuyến đi lạc loài

Thứ hai, 10/11/2014 08:57

(Cadn.com.vn) - Trung tuần tháng 11 này, khán giả yêu điện ảnh Đà Nẵng sẽ có dịp được xem phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm. Đây là bộ phim vừa giành giải thưởng danh giá Special Mention tại LHP Chopshot, Indonesia; được trình chiếu và tham gia tranh giải tại nhiều liên hoan phim quốc tế như: LHP Cinema du Reel, Pháp; LHP Human Rights, Myanmar; LHP Margaret Mead, Mỹ; LHP Đài Loan.

Trong thế giới của sự lạc loài

“Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” là hành trình của đoàn hội chợ gồm những người đồng tính và chuyển giới, lang thang khắp các tỉnh miền Trung -Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ. Đoàn hội chợ nay đây mai đó, tới những làng quê nghèo nàn, hẻo lánh, nơi người dân ít có điều kiện được vui chơi giải trí, để dựng lên những cái hội chợ của sân khấu ca nhạc và trò chơi lô tô. Họ tạo cho mình một thế giới riêng, thế giới của sân khấu, của ánh đèn rực rỡ để ở đó họ có thể được là chính mình. Một thế giới để mưu sinh, để thoát khỏi sự buồn tủi của cha mẹ, để xa lánh những khinh miệt của người đời. Một cuộc sống mà chính bản thân những người đồng tính và chuyển giới trong đoàn hội chợ, cũng chưa biết sẽ đi đâu, về đâu...

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm.

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, một mình một máy quay, đôi khi có sự trợ giúp của một vài người bạn, đã theo đoàn hội chợ của chị Phụng suốt nhiều tháng trời. Thể loại điện ảnh trực tiếp mà Thắm lựa chọn và theo đuổi, giúp người xem cảm nhận cuộc sống của đoàn hội chợ một cách trần trụi, chân thực. Trong thế giới đó, những người đồng tính cố công chuyển hóa cho đúng với giới tính thực sự của mình bằng cách tô son điểm phấn, bằng cách màu mè trang phục, bằng cử chỉ động tác... Nhưng ngay cả hình thức bên ngoài cũng đã hiển hiện sự mâu thuẫn thì làm sao có thể che giấu, phủ lấp được những chua xót của nỗi buồn và sự lạc loài của nội tâm. Những người đồng tính và chuyển giới gặp đủ những hỉ nộ của người đời trong các chuyến lang thang: sự khinh miệt, trêu chọc, giận dữ, cười cợt, sự đồng cảm thoáng chốc... Chị Phụng tâm sự, thế giới của người đồng tính cũng như thế giới của người bình thường, có người này người nọ, có người tốt kẻ xấu. Nhưng những người đồng tính luôn cảm thấy cay đắng và mặc cảm, họ nhận lấy tên của mình như người đời hay gọi, là “pê đê”, là "bóng”; họ không biết con đường nào dẫn họ đến tình yêu và hạnh phúc, chỉ có thể đồng cảm, nương tựa vào nhau mà sống, mưu sinh, trôi dạt khắp các vùng miền.

 Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm chia sẻ: “Khi làm phim về đoàn hội chợ, bản thân tôi không nghĩ là làm phim về những người thuộc giới tính thứ 3 mà chỉ là làm phim về con người nói chung. Tôi coi họ như những người phụ nữ bình thường, có lẽ từ những suy nghĩ này khiến tôi và mọi người trở nên gần gũi. Phim tài liệu luôn mang đến những bất ngờ, quá trình làm phim là quá trình khám phá nhân vật, câu chuyện chính vì lẽ đó nó mang lại cho người làm phim sự phấn khích và nhiệt huyết theo đuổi... Mọi người thường nhìn vào những đoàn hội chợ vất vưởng và thấy đầy rẫy sự phức tạp nhưng khi đã sống và trở nên thân thiết thì thấy tất cả là một cộng đồng gắn kết. Tôi thấy mình được an toàn tuyệt đối khi sống ở đó, mọi người bảo vệ tôi cũng như máy móc tôi mang theo”.

Cảnh trong phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”.

Hành trình của sự đồng cảm...

Khoảng thời gian mà đạo diễn Nguyễn Thị Thắm thực hiện bộ phim cùng với đoàn hội chợ cũng là chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, nhân vật chính của phim tài liệu này. Chị mất vài tháng sau đó tại Sài Gòn, khi Thắm đang bước vào giai đoạn dựng hậu kỳ. Trong phim, cũng rất nhiều lần, chị Phụng nhắc đến cái chết... Sau hành trình cùng với nhân vật và đoàn hội chợ, Nguyễn Thị Thắm cũng đã mất khoảng thời gian dài tìm kinh phí để thực hiện các công đoạn dựng phim, xử lý âm thanh... Bộ phim bắt đầu thực hiện từ năm 2009 đến tháng 2-2014 mới hoàn thành. 5 năm để có 86 phút phim, mà ở đó người xem sẽ đi từ những e dè, mệt mỏi ban đầu khi tiếp xúc với đoàn hội chợ xô bồ của những người đồng tính và chuyển giới; cho đến sự chua xót thương cảm về những con người luôn tự ý thức mình là kẻ lạc loài, kiếm sống bằng việc mua vui; để đến khi phim kết thúc, cuộc sống ấy khép lại, cũng là lúc nước mắt rơi chung của sự đồng cảm, bất chấp giới tính. Bởi sau tất cả, chỉ còn lại là nỗi đau về những phận người.

Phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” sẽ có buổi trình chiếu ở rạp Lê Độ -TP Đà Nẵng vào lúc 18 giờ 30 ngày 15-11 và 14 giờ 30 ngày 16-11 tại Phòng chiếu phim mini phi lợi nhuận, Đại học Phan Châu Trinh (Hội An, Quảng Nam). Khán giả đến xem miễn phí và được giao lưu với nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm.

Tóm tắt của phim:  Sân khấu bắt đầu từ đâu? Cuộc sống ngừng lại ở đâu? Trút bỏ xiêm áo nhàu nhĩ của cuộc đời thật để khoác bộ cánh phù hoa trên sân khấu trong khoảng khắc, chị Phụng và đoàn hội chợ chuyển giới của mình lang thang khắp nơi, và nhận hết những yêu ghét của người đời...

Nữ đạo diễn, nhà phê bình Việt Linh gọi phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” là chuyến đi đầu tiên của Thắm. Bởi đây là dự án phim độc lập đầu tay của Thắm, sau thời gian tham gia các khóa học và thực hiện công việc dựng phim của Hiệp hội điện ảnh Varan tổ chức tại Việt Nam. Với bộ phim này, Thắm cũng đã có một hành trình dài đến nhiều nước trên thế giới, từ Đông Nam Á đến Mỹ, Châu Âu. Nữ đạo diễn cho biết, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm khác nhau nhưng ở đâu khán giả cũng đồng cảm với phim và thắc mắc về số phận các nhân vật hiện nay như thế nào, cộng đồng người đồng tính và chuyển giới ở Việt Nam ra sao...

Sau khi trình chiếu tại TPHCM và Hà Nội, trên các diễn đàn điện ảnh, nhiều khán giả cho biết lần đầu tiên họ được xem một phim tài liệu thể hiện cuộc sống của người đồng tính gần và thực đến như thế... Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm chia sẻ: “Nhìn lại hành trình dài làm phim nhưng với tôi, khoảng thời gian được sống và theo đoàn hội chợ của chị Phụng là thời gian ý nghĩa và hạnh phúc. Nó khiến tôi trưởng thành hơn rất nhiều, các nhìn nhận về nội tâm qua vẻ bề ngoài của con người cũng khác đi-nhân văn và vị tha hơn".

Hải Quỳnh