Báo Công An Đà Nẵng

Những con đường chạy đến tương lai…

Thứ ba, 19/11/2019 19:00

Đường làng Dương Lâm 2 (xã Hòa Phong) thông thoáng, có phần đóng góp không nhỏ của người dân.

Trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) ở H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) thì “Giao thông” được đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất. Tuy nhiên, gần 10 năm qua, Đảng bộ và nhân dân 11 xã trên địa bàn huyện đã vận dụng linh hoạt các nguồn lực và phát huy nội lực để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Kết quả thực tiễn cho thấy, chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn không chỉ ở khu vực các xã đồng bằng, trung du mà còn lan tỏa mạnh mẽ đến các xã miền núi.

Theo Phó Chủ tịch UBND H. Hòa Vang Đặng Phú Hành, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xây dựng NTM được TP, huyện ưu tiên thực hiện trong từng giai đoạn cụ thể, bởi đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bằng nhiều hình thức huy động nguồn lực từ các cấp, đặc biệt là sự tham gia của nhân dân, các tổ chức, đơn vị làm công tác dân vận trong phong trào “Cả TP chung tay xây dựng NTM”, Hòa Vang đã bê-tông hóa 893km đường giao thông nông thôn. Đến nay, toàn huyện có 185km đường liên xã (đạt tỷ lệ 100%); 148km đường trục thôn, xóm (đạt tỷ lệ 100%), 478km đường kiệt hẻm (đạt tỷ lệ 100%), 81/84km giao thông nội đồng (đạt tỷ lệ 96,4%) được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo động lực quan trọng để đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh quốc phòng. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 990 tỷ đồng, 21.000 ngày công lao động và hiến gần 180.000m2 đất. Tỷ lệ điện chiếu sáng đạt 100% đường trục thôn. 70% đường kiệt hẻm... Với nhiều tuyến đường nông thôn được hình thành từ “ý Đảng - lòng dân” đã tạo thuận lợi cho các địa phương vận chuyển hàng hóa, nông sản; góp phần hoàn thành các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM.

Ở xã Hòa Khương, những con đường kết nối “ý Đảng - lòng dân” như trên rất nhiều. Ông Trà Văn Sinh (thôn La Châu) chỉ con đường rộng 7m, bê-tông kiên cố rộng 5,5m chạy qua trước nhà phấn khởi trải lòng, làng La Châu không mấy rộng, nằm dưới chân đập ba-ra An Trạch nên mỗi mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn sông Yên đổ về dâng trắng xóa, người dân không phân biệt được đâu là đường, bờ ruộng để đi... Như con đường này, trước đây chỉ là con đường nhỏ hẹp “nắng bụi, mưa bùn” đi lại vô cùng khổ sở. Khi xã họp dân bàn chuyện mở đường, nhà nhà vui mừng như hội. Làm đường trước tiên là mình thụ hưởng, sau này đến con cháu mình chứ có làm cho ai đâu. Nghĩ vậy, ai cũng háo hức hiến đất, góp công, góp sức xây dựng tuyến đường này. Có đường thông thoáng nên ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, sửa chữa nhà cửa, xây tường rào. Không chỉ những tuyến đường liên xã, liên thôn mới có hệ thống chiếu sáng mà đến ngõ xóm cũng được lắp điện đường.

Nhân dân thôn Phú Sơn 1 (xã Hòa Khương) trồng hoa, tôn tạo cảnh quan đường làng. 

Còn lão nông Đinh Ngọc (thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong) xác nhận, nhiều người thân của ông làm ăn xa quê, khi có dịp về thăm đã không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi của quê hương. Hình ảnh làng quê thông thoáng, khang trang, tươm tất hôm nay không khỏi gợi cho họ nhớ về cái thời lầy lội, liêu xiêu trên những lối mòn vào mùa mưa, những chiếc cầu chênh vênh bắt qua con kênh, bờ mương nhằm phục vụ cho việc đi lại, sản xuất của người dân. Họ đều có chung cảm nhận: “Quê hương mình thay đổi nhanh quá”. Nhiều người còn thốt lên: “Có mơ cũng không nghĩ được những con đường cấp phối nhỏ hẹp ngày nào giờ được trải nhựa, bê-tông hóa rộng thênh thang, ô-tô có thể vào tận xóm”. Nông dân chúng tôi nhận thấy sự thay đổi rõ nét, đúng là như vậy. Đường làng, ngõ xóm đã chuyển biến rất tích cực, cảnh quan môi trường cũng đã khác xưa rồi.

Có thể nói, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là tiêu chí “Giao thông” trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM luôn là niềm mơ ước bao đời nay của người dân nông thôn. Thế nhưng sau khi bắt tay vào triển khai xây dựng, nâng cấp cũng là nỗi lo lắng nhất của chính quyền cơ sở. Bởi, để nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn cần rất nhiều vốn và sự hưởng ứng, tham gia của nhân dân. Trong điều kiện đời sống người dân còn không ít khó khăn, nên khả năng đóng góp, tham gia của người dân vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cũng có hạn... Nhắc lại điều đó để thấy rằng, vùng nông thôn Hòa Vang có được kết quả như hôm nay, nhân tố quan trọng không thể không kể đến là sự chung tay, góp sức của người dân và in đậm dấu ấn của cộng đồng. Trong đó, góp tiền của, công sức, hiến đất, vật kiến trúc để mở rộng, nâng cấp đường là những hình thức hưởng ứng tích cực của người dân vào công cuộc xây dựng NTM ở mỗi địa phương. Đến Hòa Vang hôm nay, ai ai cũng có thể thấy, bộ mặt nông thôn đã hoàn toàn “lột xác”, một phần  nhờ những con đường chạy đến tương lai...

VY HẬU