Báo Công An Đà Nẵng

Những cơn nắng trổ hoa

Thứ tư, 18/12/2019 18:00

Tạp bút: Huỳnh Minh Tâm

Sau những ngày mưa đông tưởng chừng bất tận, cái rét khó chịu của những khối không khí lạnh phía Bắc tràn xuống, thì bỗng một buổi trưa, mây như mặt trời vừa vén ra, và cơn nắng ấm áp trổ hoa cả một vòm trời. Hoa nắng rạo rực làm sao. Dường không khí mùa xuân cũng chớm ở đâu đó, dường xa dường gần. Mấy nhà thơ làng, thơ xóm chúng tôi ùa ra bờ kè ven sông Yên của thị trấn mà tí tửng, mà luận bàn lan man về một mùa xuân sẽ được mùa cả lúa lẫn thơ. “Ngón trỏ dí nhẹ đôi môi nắng Giêng/ Chiếc que mồi củi ngo/ Thắp chúng ta/ Trên con đường/ Với ngọn lửa đầu đời/ Rực màu trái chin/ Cung đàn rắc đầy hoa tầm xuân/ Và đất trời chỉ màu thương nhớ” (Bản thảo tháng Giêng - Đỗ Thượng Thế).

 

Chúng tôi nhìn sông nước gờn gợn sóng, nắng đổ xuống mãnh liệt như nụ hôn những người thân yêu đã xa nhau quá lâu ngày. Hoa nắng như thơm cùng với hoa cà, với đậu, với bí, với bầu, với cúc, với tơ trời từ đâu bay xuống. Và triều dâng ở đâu lòng người mà hải hà vô tận, mà xanh chảy cùng với vàng, với chữ: “Ở đâu bên này đợi cánh buồm lên/ Còn nhớ chiếc ghe bầu xa xăm/ mái chèo khua trăng gội/ ở đâu bên kia một thời gió nổi/ con đò quen mỏi lối đợi người về” (Giao Thủy- Nguyễn Hải Triều).

Chúng tôi mơ qua một con đường làng mới được đắp đất sau mùa bão lũ. Một con đường nằm nghiêng trong trí nhớ. Những đóa hoa nắng mới về, đi dạo, lấp lóa trên vạt đất mềm, trên cỏ lún phún sợi râu xanh. Và chúng tôi vào một khu vườn tuổi thơ: “Mảnh vườn nhỏ hơn tôi hai tuổi, không phải nơi ba đào đất chôn nhúm nhau của tôi giữa mùa trăng muộn tháng Giêng, không phải nơi nội bồng tôi phơi cơn nắng đầu đời… Mảnh vườn của tôi. Tôi nhớ những bụi thơm nhiều gai ở góc hàng rào” (Vườn tuổi thơ- Ngô Thị Thục Trang). Ở những con đường hoa nắng, cái đẹp của kỷ niệm và tuổi thơ hòa quyện trong tình yêu tuổi học trò đơn phương sầu muộn. Chính những con đường ấy đã đưa chúng tôi cất cánh bay vào những vòm trời thơ ca lồng lộng, diệu kỳ.

Có một cái gì đó, một điều gì đó đang nhen lên trong lòng chúng ta? Có những cơn nắng nào đó đang phơi ải cát bụi, rong rêu. Có một tình yêu nào đó nuôi dưỡng niềm hy vọng? “Có một cây xanh hiến thân thành những trang giấy, bởi thế người cầm bút hãy cẩn thận để một cây xanh nào đó không phải hy sinh vô ích” (Nhà báo Duy Hiển viết giới thiệu tập khảo cứu “Từ lời hát ru xứ Quảng” của Vân Trình). Có những bài thơ gợi chúng ta về một tình yêu kỳ bí, to lớn, mang con người đi về phía thiên thần, chứ không sa đọa thế giới quỷ ám: “Những đôi mắt xanh đuổi theo chiều thẳm xanh/ Âm ba trăng non gội tóc/ Gàu khua rụng giếng làng/ Sực nức em/ Đinh ninh sông đã rằm/ Đinh ninh ríu ran kẻ ngực/ Đêm tràn giấc mơ chẻ đôi ao nhà/ Tôi mang một nửa em ra đi” (Nhà ngoại tôi trăng lên- Trong tập “Gió từ sông thổi lên”.

Chúng tôi ngồi trong một mảnh vườn râm mát, nói chuyện lan man về những con chữ, về mùa xuân và tình yêu. Nhưng giấc mơ của chúng tôi đã bay cao bay xa ở một phương trời khác. Chúng tôi nhìn con sông Vu Gia nước chảy chầm chậm, rù rì, nhưng nước ở trong ngực chúng tôi chay ầm ào của cơn ái tình với nắng và gió. Chúng tôi nhìn một con đường quanh quẹo, thơm thơm mùi cỏ dại, cỏ gà, nhưng những con đường trong tim  quanh quất những mùa chữ, những mùa ngữ điệu quê hương: “bỏ làng ra đi, cha tôi không về/ mẹ dẫn đàn con chạy giặc/ con đò trôi xuôi/ mà gió nồm thổi ngược/ cánh buồm căng bịn rịn phía quê nhà/ làng nhỏ khuất dần/ bóng núi mờ xa” (Quê nhà- Nguyễn Ngọc Hạnh).

Ngọn nắng lấp lánh trên những ngọn xoài mới, xanh non như mắt em, chỉ tội tội hàng sầu đông rụng lá, trơ những nhánh gầy tong teo, dẫu mình biết một vài ngày nữa nó cũng lại xanh non phơi phới đấy chứ bộ. Chúng tôi im lặng trong giây lát để kết thúc một câu chuyện cũ, râm ran một câu chuyện mới. Nhưng rồi nhà văn Lê Trâm đã phá vỡ thế bằng phiếm định ấy bằng những tâm sự đầy lãng mạn và tự kỷ: “Không giống những cuốn sách đã xuất bản, tôi mất khá nhiều năm mới hoàn thành tập truyện ngắn này. Đã viết một cách khó khăn từ những ám ảnh của chính thực tại lẫn những ký ức không kém phần ảo diệu của mình. Thời gian trôi đi, những câu hỏi lớn cũng trôi theo. Tôi viết như bày ra những câu hỏi, một số lý giải và mong có thêm những chia sẻ. Và, cũng muốn trình bày một cách thể hiện mới” (Phía gió biển không còn ai- Lê Trâm).

Không chú ý đến chúng tôi, những con gà, những con chó và mèo đã rủ nhau ra bờ sông, chỗ thoáng nhất để tắm nắng. Những đóa hoa nắng chạy ngược chạy xuôi trên thân thể chúng như mơn trớn, vuốt ve. Một vài con thuyền trôi qua, xuôi dòng, như vội vã về xuôi để chuẩn bị ăn mừng năm mới. Một vài câu thơ rớt lại ở đâu đó trên nẻo đời lênh đênh. Một vài cánh tay đưa lên như cuộc phân kỳ: “Nỗi lòng chi một hạt dưa/ môi ngoan em cắn giao thừa giòn tan” (Hương xưa- Đỗ Tấn Đạt). Hoặc nghe rạo rực: “Tháng Giêng mưa như gió thoảng/Trái tim mọc mấy chồi xanh” (Mưa tháng Giêng- Nguyễn Chiến). Hay những câu thơ tếu táo, ngơ ngẩn: “Bao nhiêu tờ lịch bồi hồi/ Bấy nhiêu thiếu nữ đứng ngồi nghinh xuân” (Mai xuân-Nguyễn Tấn Sĩ).

Những cơn nắng mơ màng vẫn chạy dọc con sông quê hương. Nỗi hạnh phúc gặp gỡ dường như cũng đến hồi gay cấn. Chúng tôi nói lời chia tay  thân ái trong tiếng nhạc êm dịu của trời về chiều, vài chiếc lá tàn rợi. Chúng tôi day dứt, bồi hồi như mất một điều gì thì phải: “Sáu mươi năm chưa về nguồn cội/  nguồn cội mênh mang hoa cỏ hoang (thơ Huỳnh Minh Tâm, nhạc sĩ Hồ Ngọc Phước phổ nhạc). Chúng tôi như bị cơn nắng bỏ sau lưng những đóa hoa nắng ngày cận Tết. Nhưng rồi ngày mai, cơn nắng sẽ tràn bờ thôi…

H.M.T