Báo Công An Đà Nẵng

Những cơn sốt đất đi qua (Bài 1: Chi chít tiểu đô thị)

Thứ ba, 05/07/2022 15:25
Nhiều ngôi nhà nằm lọt thỏm trong dự án đô thị của Cty An Dương cứ mưa là ngập.

Đô thị mới Điện Nam-Điện Ngọc được quy hoạch hơn 2,2 ngàn ha nhưng có tới 81 dự án, chưa kể một loạt dự án đã bị thu hồi. Điều đáng nói không ít dự án chỉ rộng vài héc-ta, được ví như những "tiểu đô thị", chủ đầu tư không đủ năng lực, triển khai hàng chục năm vẫn dang dở, vướng giải tỏa, ảnh hưởng dai dẳng tới cuộc sống người dân.

Bức tranh da beo

Từ năm 2003 Quảng Nam đã phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất Đô thị mới Điện Nam-Điện Ngọc với 3 giai đoạn rộng hơn 2,2 ngàn ha. Dải đất bên biển, bên sông nằm giữa Đà Nẵng và Hội An được kỳ vọng trở thành vùng đô thị phát triển sôi động. Cũng từ đây, các dự án đô thị mọc lên như "nấm", nhiều dự án có diện tích rất nhỏ, manh mún, xé lẻ, phá vỡ quy hoạch chung. Chẳng hạn các khu đô thị ở Điện Dương như An Bình Riverside hơn 3,8 ha, Hưng Thịnh 6 ha, Ven sông Dương Hội 5 ha; các khu đô thị ở Điện Ngọc như Đất Quảng Riverside 2 gần 8ha, Viêm Trung hơn 3,3ha, Bách Đạt 1 hơn 8,1ha…Đáng nói, tình trạng một chủ đầu tư ôm nhiều dự án khá phổ biến, chẳng hạn Công ty CP Bách Đạt An "ôm" 14 dự án, Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng 8 dự án, Công ty An Dương 3 dự án…

Việc xé lẻ quy hoạch với hàng trăm dự án lớn nhỏ, hàng chục chủ đầu tư, dẫn tới có dự án làm trước, có dự án làm sau, có nhà đầu tư đủ năng lực, lại có nhà đầu tư không đủ năng lực, ôm dự án "xí phần" rồi chuyển giao hoặc làm dang dở rồi để đó… Chính những điều này dẫn tới hệ lụy một bức tranh đại đô thị da beo, chỗ có hạ tầng, chỗ chưa giải tỏa, đô thị xen với làng mạc, đồng ruộng. Trong khi đó, hạ tầng đô thị khung, các trục giao thông, hệ thống thoát nước… chưa được đầu tư đồng bộ dẫn tới không thể khớp nối hạ tầng kỹ thuật giữa các dự án đô thị.

Trong thực tế, hầu hết các dự án tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đều vướng giải tỏa đền bù, triển khai dang dở nhiều năm, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người dân. Tiếng là khu đô thị mới nhưng nhà cửa chẳng thấy mọc lên, chỉ thấy cỏ mọc um tùm, từng đàn bò, đàn dê nhởn nhơ gặm cỏ, nhiều khu vực nước bẩn ngập lênh láng. Cuộc sống người dân ở đây từ khi có các dự án đô thị mới không những không thay đổi tích cực hơn mà còn bị ảnh hưởng nhiều hơn, không còn ruộng vườn sản xuất, đường sá bị cày xới, bụi bặm bởi những đoàn xe chở đất san lấp đô thị rầm rập suốt ngày. Anh Trương Văn Sang (tổ 11, khối Hà My Trung, P. Điện Dương) cùng nhiều gia đình khác có nhà nằm lọt thỏm trong dự án đô thị do Cty An Dương làm chủ đầu tư. Anh Sang chia sẻ, họ xuống thương lượng, đưa ra mức đền bù quá thấp, tiền đền bù không đủ mua đất nên anh không đồng ý giải tỏa. Dự án của An Dương san lấp đất vây quanh khiến nhà anh Sang bị nước vào ngập đến bàn thờ mỗi khi mưa lớn. Để chống ngập, anh đã làm cái nhà sàn ở đầu hồi cho vợ con ở mỗi khi trời mưa. Cũng theo anh Sang, thanh tra thị xã Điện Bàn đã về làm việc với gia đình anh liên quan đến dự án và phát hiện chữ ký thời kỳ đền bù đất lúa không phải là chữ ký của anh, anh cũng chưa từng ký vào biên bản nhận tiền đền bù.

Hầu hết các dự án đô thị mới Điện Nam-Điện Ngọc vẫn dang dở kéo dài.

Khu đô thị Coco Riverside và Khu đô thị Đại Dương Xanh của An Dương là 2 trong số 11 dự án đã bị thanh tra về công tác giải phóng mặt bằng. Qua thanh tra đã phát hiện hàng loạt sai phạm, chủ đầu tư đã san lấp mặt bằng, triển khai thi công xây dựng khi chưa có quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ GPMB, chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền để thực hiện dự án. Điều này đã dẫn tới thay đổi, không còn hiện trạng đất nông nghiệp để lập phương án đề bù. Đơn cử dự án Coco Riverside, Trung tâm phát triển Quỹ đất Điện Bàn cho biết hiện còn 4 hộ dân có đất nông nghiệp chưa nhận tiền đền bù vì đơn giá thấp, 48 hộ chưa trình phê duyệt phương án đền bù vì hiện trạng ảnh hưởng không còn. Với đất ở, có 14 hộ chưa kiểm kê, một nửa số đó không đồng ý cho kiểm kê.

Thống kê của thị xã Điện Bàn cho thấy hiện nhiều dự án tiến độ giải tỏa rất thấp, như KDC Thống Nhất giai đoạn 2 của Cty VN Đà Thành mới đạt 25% khối lượng, KĐT Hưng Thịnh (Điện Dương) mới đạt 20%, KĐT 7B mở rộng của Cty Bách Đạt An đạt 50%, khu dân cư đô thị Hà Quảng của VN Đà Thành đạt 20%, khu đô thị ROSE DÔ (Điện Dương) đạt 30%.

Người dân tranh thủ trồng hoa màu trên những mảnh đất của dự án đô thị dang dở.

Hệ lụy dai dẳng

Cùng với cơn sốt đất, một số chủ đầu tư đã huy động vốn trái phép, chưa đảm bảo pháp lý, thi công dang dở dẫn tới không ra sổ đỏ được cho khách hàng, khiếu kiện kéo dài. Nổi bật phải kể đến các dự án của chủ đầu tư Bách Đạt An, hầu hết chưa đủ điều kiện giao dịch khiến gần 1.000 người mua đất tại các dự án này thường xuyên kéo nhau đi đòi sổ đỏ. Tương tự, người dân góp vốn, đặt mua đất nền dự án Khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc do Cty STO làm chủ đầu tư cũng đã gửi đơn kêu cứu tới lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. Người dân cho biết, đã góp vốn, đặt mua đất nền hơn 12 năm, nhưng chưa biết đến bao giờ mới nhận được đất. Ngoài ra còn nhiều dự án khác vỡ cam kết tiến độ ra "sổ đỏ" nhiều năm khiến người dân phải thường xuyên kéo đến trụ sở đòi "sổ đỏ", làm phức tạp tình hình an ninh trật tự.

Tuy nhiên, một hệ lụy lớn hơn, khó khắc phục hơn chính là việc khớp nối hạ tầng kỹ thuật giữa các "tiểu đô thị". Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nói, năm 2017, tỉnh Quảng Nam giao cho Điện Bàn quản lý đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc thì phát hiện khớp nối hạ tầng không đồng bộ. Thị xã xin ý kiến và tỉnh cho phép rà soát điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 đô thị mới đến cuối năm 2019 mới xong. Sau đó, toàn bộ các dự án phải thực hiện theo quy hoạch mới để khớp nối hạ tầng khung. Hiện tất cả các dự án đều tuân thủ theo quy hoạch hạ tầng khung.

HẢI QUỲNH