Báo Công An Đà Nẵng

Những cơn sốt đất đi qua ( Bài 2: Dòng sông oằn mình gánh dự án)

Thứ tư, 06/07/2022 16:37
Dự án Risemount X2 Hoi An Resort & Residence được xây dựng ôm sát bờ sông Cổ Cò.

Đua nhau ra… mặt sông

Dự án khơi thông sông Cổ Cò đoạn qua Quảng Nam dài 19,5km tổng vốn khoảng 1.700 tỷ đồng đang được triển khai. Để có thể trở thành tuyến du lịch đường sông đúng nghĩa, phát huy hiệu quả thì ngoài việc nạo vét, xây kè 2 bên, xây dựng các bến du thuyền thì cần quy hoạch, cải tạo cảnh quan 2 bên bờ thật hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện hầu như 2 bên sông Cổ Cò đều đã được vây kín bởi các dự án đô thị, nghỉ dưỡng. Thống kê dọc sông Cổ Cò qua Điện Bàn có tới 34 dự án bất động sản và nghỉ dưỡng, nổi bật như Đất Quảng Green City, Bách đạt Riverside, Ngọc Dương Riverside, Bách thành Vinh, Blue Riverside, River View… Ở Đà Nẵng có 9km sông Cổ Cò được khơi thông tổng vốn hơn 800 tỷ đồng hiện cũng đã vây kín bởi các dự án đô thị của Sun Group, Đất Xanh Miền Trung, FPT, Thành Đô, VinaCapital...

Ghi nhận của PV tại dự án Rosa Riverside Complex của Cty An Dương, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn. Dự án được quảng bá sở hữu hơn 1km mặt sông Cổ Cò, nơi có nhiều biệt thự đang được xây dựng hướng ra mặt sông. Dù đoạn sông Cổ Cò qua dự án này chưa được nạo vét, khơi thông, tuy nhiên những tiện ích, giá trị có “một không hai” được quảng bá rầm rộ. Gần đó, bên kia cầu Nghĩa Tự là dự án Risemount X2 Hoi An Resort & Residence chiếm trọn 1,5km mặt sông Cổ Cò. Những dãy biệt thự của X2 đã được xây sát bờ sông. Dạt ra phía Điện Ngọc, mặt tiền tự nhiên của dòng sông bao đời nay trở thành sở hữu của nhiều dự án đô thị như Sun River City (Cty Giao thông vận tải Quảng Nam), Đất Quảng Green City, Ngọc Dương Riverside (Tập đoàn Đất Quảng), Sentosa Riverside (Cty Bách Đạt)… Thậm chí, dạt tiếp ra Đà Nẵng, 36 biệt thự ven sông của Đất Xanh Miền Trung được xây sát bờ kè, biến dòng sông trở thành sở hữu riêng của dự án.

Mặt tiền sông Cổ Cò đã biến thành sở hữu của Đất Xanh Miền Trung với dãy 36 biệt thự.

Sau thời kỳ “phân lô” mặt biển làm các dự án resort giờ là lúc đất đô thị view sông luôn được săn đón dù giá cao. Cũng vì vậy, sông Cổ Cò gắn bó bao đời với cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, được mệnh danh là dòng sông của lịch sử, văn hóa… đã bị vây kín bởi các dự án đô thị. Mặt tiền sông đã nhanh chóng bị biến thành sở hữu của các đô thị. Trong khi đó, người dân bản địa bao đời gắn bó với dòng sông lại khổ sở, cuộc sống đảo lộn vì các dự án đô thị này.

Trưa nắng, bà Nguyễn Thị Liên (thôn 4, Hà Quảng Tây, phường Điện Dương, TX Điện Bàn) ngồi bên bờ sông Cổ Cò trông coi cặp bò đang kiếm ăn. Bà Liên nói, dự án đô thị đang lấp ruộng, sắp tới bờ sông rồi, sắp tới chỗ thả bò cũng không có. Theo bà Liên, trước nhà bà còn trồng cấy hoa màu ven sông, chứ vài năm nay, dự án đô thị mọc lên, xe cộ chở đất cát san lấp rầm rầm, tràn xuống, không trồng cấy được gì. “Dự án bủa vây khắp nơi đến nỗi chúng tôi không rõ của ông nào. Nhà tôi có 250m2 nhưng dự án vào thương thảo như trả giá ở chợ cá, ban đầu thì nói đền 1,2 triệu/m, rồi lên 2 triệu, rồi 3 triệu… Họ lại còn bảo chỉ lấy một góc vườn, nên mẹ con chúng tôi quyết định không nhận đền bù, nhận xong rồi chưa chắc mua lại được đất mà xây nhà ở” - bà Liên nói.

Dự án Rosa Riverside Complex của An Dương được quảng bá sở hữu hơn 1km mặt tiền sông Cổ Cò.

Lợi ích chảy đi đâu?

Ngoài hình thành tuyến du lịch đường sông, thoát lũ, tạo giá trị gia tăng cho bất động sản, dự án khơi thông sông Cổ Cò còn có ý nghĩa rất lớn trong việc phục hồi lại giá trị lịch sử, văn hóa, là gạch nối quá khứ và tương lai, nối đô thị cổ Hội An và Đà Nẵng hiện đại, sôi động. Tuy nhiên, các yếu tố lịch sử, văn hóa, giao thương chưa xuất hiện, thì riêng giá trị đất của các dự án đô thị ven sông đã được “thổi lên” chóng mặt. Giá mỗi m2 đất nền dự án đô thị ven sông Cổ Cò đã được đẩy từ vài triệu đồng lên vài chục triệu đồng. Lợi ích dự án khơi thông sông Cổ Cò mà 2 địa phương bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng triển khai chưa thấy, nhưng lợi ích của các chủ đầu tư đô thị 2 bên sông đã thấy rõ.

Điều đáng nói, dòng sông cổ tích chưa khơi thông xong đã phải oằn mình gánh hàng loạt dự án đô thị, nhưng chỉ số ít dự án trong đó đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng, triển khai hạ tầng. Thực tế, nếu ven sông chi chít dự án đô thị chiếm lĩnh, mỗi dự án chủ đầu tư cát cứ, triển khai một kiểu, chỗ thì phân nền, chỗ xây dựng nhà thương mại, biệt thự nghỉ dưỡng mà không có các công viên cây xanh, cảnh quan đôi bờ thì dòng sông sẽ biến thành dòng kênh đô thị, rất khó để trở thành tuyến du lịch thủy hấp dẫn, hiệu quả nguồn vốn đầu tư lớn bỏ ra để khơi thông lại chảy vào túi chủ đầu tư đô thị.

Dự án khơi thông sông Cổ Cò được sử dụng từ nguồn vốn chống biến đổi khi hậu, mục tiêu thoát lũ, tuy nhiên cả lưu vực sông trong vùng trũng thấp, độ dốc không lớn, khả năng thoát lũ không cao. Một mục tiêu khác của dự án là tăng giá trị đất đôi bên sông sau khi khơi thông, nhưng về cơ bản quỹ đất ven sông đã “có chủ”. Lợi ích tăng giá trị đất mà dự án mang lại vẫn chảy vào chủ đầu tư các dự án đô thị.

Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nói, dự án sau khi nạo vét sẽ có hành lang, cảnh quan hai bên sông. Tuy nhiên, một số đoạn trong ranh giới dự án khơi thông sông Cổ Cò và ranh giới các dự án đô thị phía bờ Tây bị chồng lấn. Điện Bàn đã báo cáo tỉnh Quảng Nam để xử lý. Riêng phía bờ Đông, ông Hà khẳng định ranh giới giải phóng mặt bằng của dự án khơi thông sông Cổ Cò chưa tới ranh giới các dự án đô thị, tức là có khoảng hở. Khoảng hở đó sẽ đầu tư cảnh quan, cây xanh để khớp nối chứ không phải giao đất cho nhà đầu tư xây đô thị. Cũng theo ông Hà, không có chuyện nhà xây sát bờ sông mà sẽ có hành lang giao thông, cây xanh. Hiện giờ sông bị lấp, nhìn tưởng bờ sông sát dãy nhà, nhưng khi nạo vét xong mới xác định được lòng sông, bờ sông, xác định được ranh giới dự án cách bao xa.

HẢI QUỲNH