Báo Công An Đà Nẵng

Những “cú hích” thúc đẩy kinh tế giữa đại dịch

Thứ bảy, 11/04/2020 07:29

Ngày 10-4, Chính phủ đã họp trực tuyến với các địa phương cả nước bàn giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội giữa đại dịch Covid-19 đang gây thiệt hại nặng nề. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, nếu không có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt nền kinh tế dễ bị đổ gãy, phát triển âm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp trực tuyến.

Đây là hội nghị “tất cả trong một” nhằm chống dịch bệnh, biến nguy thành cơ, sẵn sàng tăng tốc kinh tế ngay sau đại dịch.

62 ngàn tỷ hỗ trợ người lao động

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng kinh tế quý I đạt 3,82%, chỉ hơn một nửa so với kế hoạch đề ra, thấp nhất từ năm 2011 tới nay. 19% DN đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô. Như vậy, cả nước có gần 35 ngàn DN rút khỏi thị trường, con số kỷ lục từ trước đến nay. Kéo theo đó,tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua. Qua khảo sát, 53% DN dự kiến giảm ít nhất 20% số lao động, 27% dự kiến cắt giảm trên 40% số lao động. Trong thực tế, số lao động bị ảnh hưởng lớn hơn nhiều, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Dự báo trong 2 tháng tới dịch bệnh phức tạp sẽ có 2 triệu lao động mất việc, nếu dịch bùng phát mạnh sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động mất việc.

Trước thực trạng đó, Chính phủ đã đề xuất gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng (bao gồm trực tiếp từ ngân sách nhà nước, gián tiếp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội) hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người trong thời gian tối đa 3 tháng. Tổng cộng 6 đối tượng được hỗ trợ, trong đó tập trung mạnh vào người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch bệnh. Cụ thể, người lao động nghỉ việc không lương được hưởng 1,8 triệu đồng/tháng, người sử dụng lao động khó khăn được vay lãi suất 0% tối đa 12 tháng, người bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng... Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đầu tuần tới sẽ triển khai chính sách này một cách minh bạch, nghiêm minh, chặt chẽ từ thôn xóm trở lên, kiên quyết không để trục lợi chính sách.

Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì cuộc họp tại đầu cầu Đà Nẵng.

Không để doanh nghiệp đói vốn

Trong nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh (SXKD), Chính phủ thông qua gói hỗ trợ gia hạn thời gian nộp thuế và thuê đất lên tới 220 ngàn tỷ đồng, sẽ có 98% tổng số DN cả nước được hưởng chính sách này. Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng đưa ra gói hỗ trợ tiền tệ khoảng 300 ngàn tỷ đồng để đảm bảo nguồn vốn vay, lãi suất thấp cho DN. Thống đống NHNN Lê Minh Hưng nói, khoảng 2 triệu tỷ đồng (23%) dư nợ của hệ thống ngân hàng đang bị tác động bởi dịch bệnh. Tuy vậy, do dự trữ của nước ta hiện trên 84 tỷ USD nên việc kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô được thực hiện hiệu quả. Theo ông Hưng, tín dụng trong quý I tăng 1,3%, dự kiến cả năm tăng từ 900 ngàn tỷ đến 1,1 triệu tỷ đồng (từ 11-14%). Trong bất cứ tình huống nào cũng đảm bảo nguồn vốn với mức lãi suất thấp hơn để phục vụ nhu cầu SXKD của DN.

Chính phủ đề xuất 8 dự án thuộc cao tốc Bắc-Nam từ PPP chuyển sang hình thức đầu tư công.

Cú hích đầu tư công

Một giải pháp hết sức quan trọng thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh hiện nay là đẩy mạnh đầu tư công. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư với các dự án thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (8 dự án) từ hình thức PPP (hợp tác công tư) sang đầu tư công đồng thời cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán) khi triển khai thực hiện để đẩy mạnh đầu tư công nhằm giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cũng theo ông Dũng, cần khẩn trương thực hiện ngay các dự án đường lăn và cất hạ cánh sân bay Nội Bài, Tân Sân Nhất theo quy định dự án đầu tư công khẩn cấp; hoàn thành thủ tục đầu tư, đảm bảo khởi công trong quý III-2020 các dự án cao tốc Bắc Nam ngay sau khi được Quốc hội chấp thuận. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải giải ngân hết số vốn đầu tư công còn lại năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 khoảng gần 700 ngàn tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD. Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu bộ ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm kiểm điểm nếu không hoàn thành nhiệm vụ này. Nếu không hoàn thành hoặc đến tháng 9 không giải ngân được thì điều chuyển vốn cho các dự án giao thông cấp bách, các dự án chống ngập mặn và sạt lở bờ sông, biển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, trong thời điểm hiện nay cả nước cần chung sức đồng lòng thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn thúc đẩy kinh tế. Sau hội nghị, Chính phủ sẽ có Nghị quyết chuyên đề về các giải pháp cấp bách trên 3 lĩnh vực là tháo gỡ khó khăn cho SXKD, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo ANTT ứng phó với dịch bệnh. Thủ tướng cũng giao Bộ KH&ĐT xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế ngay sau đại dịch, nhất là tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.

HẢI QUỲNH

Đà Nẵng sẽ cắt giảm 10% khoản chi thường xuyên

Phát biểu tại Hội nghị Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết hiện TP đã giải ngân vốn đầu tư công khoảng 12% trong gói hơn 12 ngàn tỷ đồng năm 2020. Trong đó, vốn Trung ương giải ngân đạt 59%. Hiện tại Đà Nẵng không còn dư nợ vay về các dự án đầu tư công vì vậy đề nghị Chính phủ hỗ trợ TP vay vốn từ các nguồn để đầu tư, triển khai thêm các công trình, dự án động lực, trọng điểm trong thời gian tới. Cũng theo ông Thơ, Đà Nẵng sẽ cắt giảm 10% khoản chi thường xuyên, các khoản chi không phát sinh do dịch bệnh Covid-19 để dôi ra khoảng 550-600 tỷ đồng dự phòng hụt thu ngân sách năm 2020. TP cũng đang rà soát danh sách đối tượng được trợ cấp của Chính phủ để triển khai, bên cạnh gói 200 tỷ đồng của Chính phủ, TP cũng hỗ trợ các đối tượng này với gói riêng khoảng 30 tỷ đồng.

* Tại phiên họp thường kỳ của UBND TP Đà Nẵng chiều 10-4  bằng hình thức trực tuyến do Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ chủ trì, Sở LĐ-TB&XH TP đề xuất TP chi khoảng 300 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Theo bà Phan Thị Thúy Linh - Giám đốc Sở, trên địa bàn Đà Nẵng có gần 110.000 đối tượng, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Tờ trình đề xuất mức hỗ trợ từ 500.000 - 1.800.000 đồng/người/tháng tùy theo loại đối tượng. Thời gian hỗ trợ sẽ được thực hiện trong 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6).

Phiên họp đã thảo luận, thống nhất với nội dung tờ trình và xem xét một số vấn đề liên quan đến công tác rà soát đúng và đủ đối tượng được hỗ trợ.