Báo Công An Đà Nẵng

Những cung đường tuần tra xa-ma-khi

Thứ bảy, 10/08/2019 08:51

Trên tuyến biên giới bộ dài 179,628 km do Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị quản lý tiếp giáp với các tỉnh Xavanakhet và Salavan của nước bạn Lào, có những đoạn vắt ngang trên đỉnh núi cao, lại có đoạn chạy thăm thẳm tận cuối thung sâu, cũng có lúc thênh thang sải mình trên những sườn đồi thoai thoải hoặc được hoạch định giữa dòng Sê Pôn bình lặng con nước chở nặng nghĩa tình Việt- Lào thủy chung son sắt. Từng cung đoạn, từng xen-ti-mét đường biên, từng cột mốc chủ quyền hay dấu mốc quốc giới đều đậm in những bước chân tuần tra của các chiến sỹ BĐBP tỉnh Quảng Trị và cán bộ, chiến sỹ (CBCS) các Đại đội Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự 2 tỉnh Xavanakhet và Salavan mà tất cả đều gọi cùng nhau là: Những cung đường tuần tra xa-ma-khi. Có nghĩa là những cung đường tuần tra đoàn kết.

Lực lượng tham gia tuần tra song phương đồn Biên phòng Hướng Lập - Việt Nam và Đại đội Biên phòng 321 - Lào gặp gỡ nhau tại cột mốc trước khi tiến hành đợt tuần tra.

Tôi may mắn gặp Đại úy Bun Mạc- Đại đội trưởng Đại đội Biên phòng 511, Bộ Chỉ quy Quân sự tỉnh Salavan khi anh cùng đồng đội sang đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay để triển khai thực hiện kế hoạch tuần tra song phương đoạn biên giới từ mốc 634 đến mốc 638 với chiều dài 15,038 km. Bun Mạc có vốn liếng tiếng Việt khá tốt nên trao đổi giữa chúng tôi không gặp nhiều trở ngại. Nhận chức danh Đại đội trưởng Đại đội 511 hơn 2 năm nên Bun Mạc nhiều lần tham gia tuần tra song phương với CBCS BĐBP tỉnh Quảng Trị bởi đơn vị anh được giao bảo vệ đoạn biên giới từ mốc 608 đến mốc 638 có chiều dài  75,595km, đối diện với phía Việt Nam là các đồn Biên phòng Ba Tầng, Sa Trầm, Ba Lin và cửa khẩu La Lay. Bun Mạc kể: "Lần tuần tra song phương với các đồng chí ở đồn Biên phòng Ba Lin làm tôi luôn nhớ mãi. Hôm ấy, sau khi quán triệt kế hoạch, tổ tuần tra song phương của 2 đơn vị gồm 18 CBCS triển khai tuần tra từ mốc 624 đến mốc 633, với cung đường dài 25,807km. Lãnh đạo 2 đơn vị xác định đây là đoạn biên giới có địa hình rất phức tạp, đường biên giới khá xa dân nên mọi công tác chuẩn bị phải hết sức chu đáo. Bình thường những nơi khác, lượng lương thực, thực phẩm dự phòng tăng thêm chỉ khoảng từ một đến hai ngày, nhưng với đoạn biên giới này, chúng tôi chuẩn bị vượt quá đến 4 ngày. Kế hoạch đề ra hoàn thành trong 3 ngày, nhưng khi mới xong được hơn một nửa đường thì trời đổ mưa tầm tã, nước các con suối dâng cao và chảy rất mạnh nên tổ tuần tra căng bạt nghỉ lại giữa rừng. Trời mưa to quá, không nấu được cơm, mọi người phải ăn lương khô. Tôi nhận thấy số lượng mang đi có hạn vậy mà ngày nào các anh đồn Ba Lin cũng hỗ trợ lương khô cho chúng tôi. Khi kết thúc đợt tuần tra kéo dài hơn 10 ngày, tôi mới biết các anh đồn Ba Lin đã ăn mì tôm sống, uống nước mưa để nhường lương khô cho chúng tôi. Tối hôm sau, sinh hoạt đơn vị, tôi kể lại câu chuyện này cho CBCS và ai cũng xúc động trước hành động nghĩa tình của các anh ở ĐBP Ba Lin. Với bản thân mình, tôi sẽ giữ mãi trong lòng để sau này kể lại cho con, cháu của tôi nghe.

Mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, Bun Mạc tạm biệt tôi rồi chỉ huy đơn vị mình cùng với ĐBP cửa khẩu La Lay thực hiện nhiệm vụ tuần tra song phương. Nhìn các chiến sỹ biên phòng Lào và Việt Nam hàng ngũ chỉnh tề cùng xuất phát đi về hướng biên giới với tình cảm thủy chung, tuyệt đối tin tưởng lẫn nhau đã gợi về trong tôi suy nghĩ sẽ rất khó và vô cùng khó cho bất cứ thế lực thù địch nào muốn rẽ chia mối tình đoàn kết Lào- Việt.

Thêm một lần đi công tác tại ĐBP Tam Thanh, tôi gặp Đại úy Xu Ly Nhay- Chính trị viên Đại đội 322, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Xavanakhet cùng đoàn công tác của đại đội sang bàn và thống nhất kế hoạch tuần tra song phương. Tuy đoạn biên giới do 2 đơn vị quản lý chỉ có 31,192km nhưng chủ yếu trên sông Sê Pôn nên công tác tuần tra gặp khá nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão. Thông qua cán bộ phiên dịch, Đại úy Xu Ly Nha chia sẻ: "Ngoài công tác phối hợp tuần tra song phương, giữa hai đơn vị còn tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ lẫn nhau hết sức ý nghĩa như giao lưu bóng chuyền, hỗ trợ vật chất mỗi khi gặp khó khăn nhưng chủ yếu là ĐBP Tam Thanh hỗ trợ cho chúng tôi chứ chúng tôi còn thiếu thốn rất nhiều nên chẳng có gì để hỗ trợ cho ĐBP Tam Thanh".

Đối với Đại đội 321 cũng vậy, sự gắn kết keo sơn giữa các đồn Biên phòng Thuận, cửa khẩu Lao Bảo, Hướng Phùng, Hướng Lập với Đại đội 321, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Saavnakhet luôn được đắp bồi bền vững theo thời gian. Trung tá Nguyễn Quang Tuấn- Đồn trưởng ĐBP Hướng Lập nói: "Mối quan hệ cả trong công tác lẫn trong tình cảm giữa hai đơn vị đã vượt qua khuôn khổ nghi thức ngoại giao, chưa bao giờ trong xử lý, giải quyết những vấn đề liên quan đến biên giới mà hai đơn vị lại không trùng nhau về quan điểm hoặc thiếu sự thống nhất về biện pháp".

Có thể khẳng định rằng, với chiều dài 179,628km đường biên giới sẽ xảy ra rất nhiều vấn đề phức tạp, thậm chí là trở thành điểm nóng nếu như truyền thống giữa hai dân tộc không có mối đoàn kết hữu nghị hoặc lực lượng quản lý, bảo vệ của hai nước thiếu đi tình cảm đoàn kết, chia sẻ, thông cảm, sự quan hệ thân thiết keo sơn nghĩa tình chung thủy. Song tôi và rất nhiều người tin rằng, điều đó sẽ và rất khó xảy ra trên đoạn biên giới giữa tỉnh Quảng Trị - Việt Nam và các tỉnh Salavan và Xavnakhet- Lào bởi lực lượng bảo vệ biên giới nơi đây đều luôn xem nhau như anh em một nhà, hòa trong truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc, hai đất nước Lào- Việt Nam để trên mỗi cung đường tuần tra biên giới đều được gọi bằng sự thân mật: "Những cung đường tuần tra Xa-ma-khi".

NGUYỄN THÀNH PHÚ