Những cuộc gọi đắt giá
(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng liên tục xuất hiện các tin, bài phản ánh việc một số đối tượng sử dụng công nghệ cao, gọi điện thoại vào các số điện thoại cá nhân, điện thoại bàn và giả danh lực lượng CA hoặc các lực lượng thực thi pháp luật khác để đe dọa nạn nhân có liên quan đến các vụ án hình sự, ma túy xuyên quốc gia... Sau đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của chúng để “kiểm tra”. Chỉ trong mấy ngày vừa qua, trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng đã có 2 trường hợp bị các đối tượng sử dụng thủ đoạn tương tự để chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng...
16 giờ 30 ngày 22-8, ông Huỳnh Đắc H. (1964, trú P. Hải Châu 2, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) đến CAP Hải Châu 2 trình báo về việc vừa bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt số tiền 500 triệu đồng trong ngày. Theo trình báo của ông H., lúc 12 giờ cùng ngày, ông nhận được một cuộc gọi điện thoại từ số lạ, đầu dây bên kia là giọng của một người đàn ông xưng là cán bộ CATPHCM.
Qua điện thoại, người này cho biết ông H. có liên quan đến một đường dây buôn bán trái phép chất ma túy xuyên quốc gia và yêu cầu ông phải chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản của một người tên là N.V.K. để “kiểm tra”, nếu không toàn bộ số tiền có trong tài khoản cá nhân của ông H. sẽ bị phong tỏa.
Quá sợ hãi vì bị người tự xưng là CA nói sẽ phong tỏa toàn bộ số tiền trong tài khoản nên đến 14 giờ 30 cùng ngày, ông H. đến ngân hàng B., trên đường Hùng Vương (Q. Hải Châu) chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản của N.V.K. Đến 16 giờ cùng ngày, ông H. liên lạc lại số điện thoại đã gọi cho mình lúc trưa thì máy trong tình trạng ò í e. Đến lúc này ông H. tá hỏa phát hiện mình bị lừa và đến cơ quan CA trình báo sự việc.
Cũng với thủ đoạn tương tự, sáng 25-8, các đối tượng đã gọi điện thoại đến cho chị Nh. (chủ một cửa hàng tại Q. Hải Châu) thông báo chị có liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy và đã chiếm đoạt của chị 150 triệu đồng. Theo trình bày của chị Nh., 10 giờ ngày 25-8, chị nhận được một cuộc gọi từ số lạ, xưng là cán bộ CATPHCM nói chị đang nợ 8.930.000 đồng cước điện thoại.
Chị Nh. thắc mắc hỏi vì sao lại nợ thì được người bên kia cho biết, chị đứng tên trong hợp đồng thuê bao di động tại TPHCM. Số thuê bao này do Nguyễn Văn Hùng, một đối tượng trong đường dây mua bán hàng trăm bánh heroin xuyên quốc gia vừa bị bắt, vì vậy chị cũng nằm trong diện tình nghi điều tra. Đồng thời, đối tượng này còn hỏi chị Nh. hiện có bao nhiêu tiền trong tài khoản thì phải khai báo. Chị Nh. thật thà cho biết hiện mình có khoảng 250 triệu đồng, tuy nhiên còn phải thanh toán tiền hàng khoảng 100 triệu đồng nên hiện còn khoảng 150 triệu đồng.
Chị Nh. cũng giải thích đây là số tiền lương tích góp lâu nay của chồng, muốn gửi thì phải hỏi ý kiến chồng trước. Nghe vậy, đối tượng này liên tục dùng lời lẽ đe dọa và sau đó cho tên, số tài khoản ngân hàng, yêu cầu chị Nh. gửi ngay tiền vào tài khoản để “kiểm tra”, nếu không sẽ bị bắt. Quá sợ hãi nên đến 11 giờ cùng ngày, chị ra ngân hàng chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng đã cho và sau đó liên lạc lại nhưng không được thì mới phát hiện mình bị lừa. Hiện cả hai vụ việc này đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.
Chị Nh. đến cơ quan công an trình báo sự việc mình bị lừa. |
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đây là hình thức lừa đảo được các đối tượng sử dụng công nghệ cao thực hiện trong thời gian gần đây tại các địa phương như Hà Nội, TPHCM... Các đối tượng này thường xưng danh là CA đang công tác tại các đơn vị nghiệp vụ như ma túy, cảnh sát hình sự... đang xác minh, điều tra sự việc gì đó có liên quan đến người được thông báo (nạn nhân) sau đó yêu cầu chuyển tiền để “kiểm tra”.
Ban đầu, hầu hết các nạn nhân được gọi đều tỏ ra nghi ngờ, nhưng sau đó không hiểu bằng những biện pháp gì mà các đối tượng này khiến nhiều người tin rằng mình hoặc người thân của mình có liên quan đến các đường dây đó và nhanh chóng chuyển tiền vào tài khoản như yêu cầu của các đối tượng. Đến khi liên lạc trở lại thì mới phát hiện mình bị lừa.
Ngoài ra, thời gian gần đây, trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố lớn ở nước ta liên tiếp xảy ra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng thường sử dụng công nghệ cao gọi điện thoại thông qua mạng Internet đến số máy cố định nhà riêng hoặc cơ quan của bị hại và cho bị hại nghe tiếng kêu cứu giả giọng của người thân gia đình bị hại (vợ, con, chồng...).
Sau đó chúng thông báo là đã bắt giữ người thân của bị hại, yêu cầu phải chuyển tiền ngay vào các tài khoản ngân hàng mà chúng đang sử dụng thì người thân được thả và không bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe. Tin là người thân bị bắt giữ thật, nhiều nạn nhân đã không kiểm tra mà chuyển ngay tiền cho bọn chúng. Sau đó, chúng rút hết tiền trong tài khoản để chiếm đoạt.
Một thủ đoạn khác nữa là chúng tự xưng lực lượng CA, Viện kiểm sát, an ninh ngân hàng... điện thoại cho bị hại thông báo tài khoản của họ bị tội phạm xâm nhập, yêu cầu cung cấp số tài khoản và mật mã tài khoản để bảo vệ. Trong lúc gọi điện thoại, bọn chúng cố tình tạo ra âm thanh như tiếng còi xe hú của xe cảnh sát, tiếng cấp dưới báo cáo về việc tài khoản của nạn nhân bị hacker tấn công... để nạn nhân nghe thấy nên nhiều người tưởng thật, cung cấp thông tin theo yêu cầu của đối tượng. Ngay lập tức, chúng chuyển hết tiền trong tài khoản của bị hại sang tài khoản của chúng để chiếm đoạt...
Trước thực trạng này, ngày 20-5-2014, Cục CSHS thuộc Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ CA) đã có Thông báo số 611/C45-P5 về thủ đoạn lừa đảo mới này để người dân cảnh giác, đề phòng. Tại Đà Nẵng, CATP Đà Nẵng cũng đã có các văn bản thông báo đến CA các quận, huyện và phường, xã để tuyên truyền đến người dân nhưng nhiều người vẫn lơ là, mất cảnh giác và rơi vào bẫy của các đối tượng.
Qua bài viết này, một lần nữa cảnh báo người dân khi nhận được các cuộc gọi hoặc thông tin tương tự thì sớm liên hệ với CA địa phương nơi gần nhất để trình báo sự việc và tìm hiểu xem những thông tin về bản thân như thế nào, từ đó nhận lời khuyên của cơ quan CA để tránh rơi vào tình cảnh tiền mất rồi mới biết mình bị lừa.
Nguyễn Tuấn