Báo Công An Đà Nẵng

Những cuộc ly hương sau canh bạc ngày Tết

Thứ hai, 01/03/2021 10:30

Chơi banh nóc, chơi tẹt ga trong 3 ngày tết là lối suy nghĩ của rất nhiều thanh niên đồng ruộng, xóm núi. Chơi bạc ngày tết đã không còn là thú vui tiêu khiển nữa, nhiều năm nay, nó trở thành tệ nạn mang theo bao nhiêu buồn khổ, bĩ cực trong mỗi gia đình, mỗi xóm làng...

Các đối tượng tham gia đánh bạc bị CAH Ea Hleo phát hiện, bắt giữ.

Tan tác vì thú vui tiêu khiển

Trước nạn cờ bạc bùng nổ vào dịp Tết Nguyên đán, lực lượng Công an tại các huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Lắk đã ra quân truy quét, xử lý quyết liệt. Vào ngày mồng 2 Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, CAH Cư Kuin phát hiện tại khu vực vườn của gia đình bà Bùi Thị Huệ (1975, trú xã Ea Hu, H. Cư Kuin, Đắk Lắk) có một số đối tượng đang đánh bạc dưới hình thức xóc đĩa ăn thua bằng tiền nên đã phối hợp CAX Ea Hu triển khai lực lượng vây bắt 7 đối tượng. Tại hiện trường, Công an huyện thu giữ hơn 10 triệu đồng và các công cụ như chiếu, đèn pin, chén, đĩa dùng để đánh bạc.

Trước đó, ngày 31-1-2021 (tức 19 tháng Chạp) CAH EA Hleo phối hợp CAX Ea Hleo và Ea Hiao bắt quả tang 2 vụ với 9 đối tượng về hành vi đánh bạc, thu giữ tại chiếu bạc 14,4 triệu đồng và một số vật dụng liên quan. Vào buổi chiều, công an tiếp tục phát hiện 4 đối tượng đang chơi “phỏm” ăn tiền tại quán tạp hóa của bà Lương Thị Hoa (1982, ở thôn 1, xã Ea Hleo, H. Ea Hleo). Vào lúc 22 giờ cùng ngày, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng CAH đã theo dõi, bắt quả tang 4 đối tượng đang xóc bầu cua tại nhà ông Nay Y Trí (1989, trú xã Ea Hiao, H. Ea Hleo) thu giữ 7,9 triệu đồng.

Những vụ việc trên, tuy số tiền không quá lớn nhưng ở làng quê nông thôn, đó là tất cả tài sản, vốn liếng mà người nông dân tích góp trong cả năm cày sâu cuốc bẫm trên đồng ruộng, nương rẫy. Nếu công an không phát hiện và ngăn chặn kịp thời thì những cuộc sát phạt như thế này sẽ kéo dài cho đến lúc “con bạc” trắng tay, sạch túi. Cay cú vì ăn thua, gỡ gạc dẫn đến ấm ức, hận thù, đánh nhau là chuyện bình thường. Hệ lụy lê lết kéo theo đó là tán gia bại sản, gia đình ly tán, anh em chia lìa.

CAH Cư Kuin triệt xóa chiếu bạc vào đêm Mồng 2 Tết.

Cuộc ly hương bất tận

“Đỏ đen” chưa bao giờ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Mồng 3 Tết, phóng viên ghé thăm nhà bà Lê Thị Hạnh (xã Ea Kiết, H. Cư Mgar, Đắk Lắk). Nhà bà Hạnh nằm lẻ loi giữa cánh rừng cao su đang vào mùa đâm chồi nảy lộc. Tết còn chưa hết, bà Hạnh đã cặm cụi đi nhặt củi về nấu cám lợn. Bà bảo, năm nay không có tiền nên chẳng thể đi đâu, ở nhà mãi cũng chán đành đi làm cho khuây khỏa. Mới năm ngoái thôi, gia đình bà Hạnh trúng mùa cà-phê, sắm tivi “xịn”, xe máy mấy chục triệu cho ông chồng Nguyễn Văn T. và cậu con trai cưỡi vun vút ngoài đường. Hả hê vì có chút tiền rủng rỉnh chơi tết, hai bố con sà vào chiếu bạc “làm tí” cho bằng bạn bằng bè. Không ngờ, cái thứ “đỏ đen” không ăn không hút mà làm con người nghiện liêu xiêu. Bố chơi sạch túi, đến lượt con “quẩy banh nóc”. Chỉ trong vòng buổi sáng, 15 triệu đồng không cánh mà bay, đây vốn là tiền dành để ra năm mua phân bón cà-phê và chi phí tưới tiêu.

Càng thua thì càng ham, càng muốn gỡ gạc. Ông T. nhìn vào chiếc xe máy Air Blade mới toanh còn chưa cấp biển số, sai thằng con trai mang ra tiệm cầm đồ. Con trai cũng đang hăng máu ăn thua không cần suy nghĩ, 5 phút sau quay lại đưa cho bố 20 triệu đồng. Chưa đầy 30 phút, ông T. thẫn thờ phủi quần đứng dậy. Cuộc dạo chơi ngày xuân của cha con ông T. kết thúc bằng một khoản nợ lãi 30 triệu đồng và mất trắng chiếc xe máy trả góp.

Buồn quá, ông T. đi uống rượu, thằng con trai sợ về nhà ăn đòn nên trốn sang nhà bạn ở Đắk Nông. Mồng 10 tết, chủ nợ đã tới nhà xiết mấy bao cà-phê dự trữ cho 3 tháng giáp hạt. Sau đó, ông T. xuống TP Hồ Chí Minh xin được một chân ở xưởng gỗ với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Còn con trai ông đi phụ bốc xếp hàng cho vựa ve chai, lương cũng được 7 triệu đồng/tháng. Cả năm làm việc, hai cha con dư được 50 triệu đồng gửi về trả nợ lãi và gốc vừa hết, riêng món nợ chiếc xe máy thì phải khất lại.

Sau một mùa tết chớp nhoáng, các xóm làng ở Tây Nguyên trở nên vắng vẻ đìu hiu. Thanh niên lũ lượt rời làng đi, đàn ông, đàn bà còn khỏe mạnh cũng đi, ở lại chỉ còn bà già và trẻ em. Năm nay, dù biết dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công ăn việc làm ở thành phố nhưng họ vẫn đi. Ngồi ôm hai đứa cháu nội, bà Nông Thị Hây (65 tuổi, trú xã Ea Sar, H. Ea Kar, Đắk Lắk) cho hay, năm nay tiêu mất mùa, mất giá, con trai, con dâu mới Mồng 4 Tết phải trở lại thành phố làm việc. Đã thế, thằng con trai đi chơi tết nhoắng vài ván “bầu cua tôm cá” đã hết veo chục triệu đồng. Chưa hết, thằng em dù vợ đang mang bầu sắp sinh vẫn “vui vẻ” trên chiếu bài “phỏm” mấy đêm liền.

Bà Hây tức quá đi báo công an. Nghe tin có công an, nhóm con bạc hồn bay phách lạc, vứt dép bỏ chạy không dám ngoái đầu quay lại. Trở về nhà, thằng con quát tháo chửi bới vang nhà nên bà Hây buồn, ôm cháu nội sang nhà anh em lánh mặt. Tổng kết mùa tết, hai đứa con của bà Hây mất gần 30 triệu đồng vì “đỏ đen”. Ngày đi TP Hồ Chí Minh, hai thằng ngửa tay xin tiền bà Hây làm lộ phí.

Vòng xoáy tết về, tết đi đã trở thành nhịp sống quen thuộc của dân xóm núi. Bao nhiêu năm rồi, những cuộc ra đi và trở về cứ lặng lẽ như thế, cái nghèo vẫn mãi còn đó. Một năm bôn ba lao động, tích góp được chút tiền rồi “nướng” vào những cuộc chơi “tẹt ga” phút chốc tan tành.

A.N.T.G