Những điểm cộng ngày xuân
Hướng đến Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, người viết xin kể lại những câu chuyện có thật mà bản thân chứng kiến cũng như qua những cảm nhận của bạn bè thể hiện qua mạng xã hội về sự “trải nghiệm bất đắc dĩ” làm bệnh nhân của chính bản thân họ hoặc của người thân của mình.
Trước hết là chuyện của người viết. Quả thật là trong dịp tết, bản thân mỗi người chẳng ai muốn mình và người nhà bị đau ốm gì và đặc biệt là chẳng bao giờ muốn vô viện “thăm” bác sỹ cả. Nhưng có những trường hợp bất khả kháng như trường hợp phải cấp cứu thì không thể “từ chối” được. Mùng 5 Tết Giáp Thìn vừa rồi, mẹ vợ của tôi bị cơn động kinh đột ngột, trên nền tảng có bệnh nền là tai biến đã mấy năm nay. Sau khi gọi cho đường dây nóng cấp cứu 115, không lâu sau xe đã đến đưa cụ vào viện. Không lâu sau, điện thoại của tôi đã nhận được tin nhắn của Trung tâm Cấp cứu thành phố (DVC-Danang) cung cấp đường link để vào xem thông tin về số xe và lộ trình đi của chiếc xe được điều đi theo thông tin người nhà bệnh nhân cung cấp. Sau đó, tôi tiếp tục nhận được tin nhắn thứ hai có nội dung cảm ơn đã sử dụng dịch vụ và xin ý kiến đóng góp của của khách hàng. Tâm lý của người nhà bệnh nhân khi chờ xe cấp cứu đến là rất sốt ruột và muốn xe đến càng nhanh càng tốt, nên trong thời điểm này, khi nhận được những dòng tin nhắn như vậy cũng vơi đi phần nào sự lo lắng, sốt ruột.
Sau khi được tiếp nhận tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đà Nẵng, mẹ vợ tôi được đưa lên Khoa Nội tổng hợp ở tầng 3 để theo dõi, chăm sóc. Điều để lại cảm tình của người nhà bệnh nhân là, mặc dù còn trong những ngày “mùng” nhưng thái độ của y, bác sỹ ở Bệnh viện Đà Nẵng từ nơi tiếp nhận, cấp cứu đến Khoa Nội tổng hợp đều rất tận tình, niềm nở và trách nhiệm, không có biểu hiện làm qua loa, đại khái hay nhăn nhó, vô cảm. Vợ tôi, người đi chăm mẹ ruột mấy buổi, mỗi khi về nhà cứ tấm tắc rằng: “lâu không vô Bệnh viện Đà Nẵng, nay đến đây, thấy yên tâm khi mẹ được y, bác sỹ chăm sóc tận tình, chu đáo, phòng ốc khang trang sạch sẽ, cả nơi gửi xe trong Bệnh viện cũng gọn gàng, ngăn nắp. Vào viện trong những ngày này mà được chăm sóc, đối xử như vậy quả là điều đáng quý và yên tâm về nơi đã trao gửi tính mạng của người thân”.
Cũng là chuyện liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng trong dịp tết Giáp Thìn này. Đó là trường hợp của nhạc sỹ Nguyễn Duy Khoái không may phải cấp cứu vào đúng đêm giao thừa. Sau 12 ngày nhập viện, nhờ sự tận tình chăm sóc của các cán bộ, y bác sỹ, y tá, hộ lý Khoa Hồi sức Cấp cứu, Khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Đà Nẵng, anh đã bình phục và xuất viện. Câu chuyện về 12 ngày đêm “bắt buộc” làm bệnh nhân của Bệnh viện Đà Nẵng tuy ngắn gọn nhưng súc tích và chân thật với tất cả sự chân thành, biết ơn. Anh tâm sự: “Trong cái phút giây linh thiêng mở đầu một năm mới, một vận hội mới, tôi lại ở đây, trên hành lang bệnh viện, cụ thể là Khu B, khoa Ngoại Tiêu hoá, Bệnh viện Đà Nẵng. Trên facebook cá nhân của mình anh kể rằng, trên giường bệnh anh vẫn nghe được tiếng lao xao của những bệnh nhân được về nhà ăn Tết, sau những ngày điều trị, đang cùng nhau nhận quà Tết của Bệnh viện. Ai bệnh nặng, chưa được về, ở lại thì được ký vào danh sách nhận tiền ăn 69.000 đồng mỗi ngày. Món quà tuy nhỏ, nhưng ấm áp nghĩa tình của Bệnh viện làm ngày cuối cùng của năm trở nên ấm áp hơn”. Anh trải lòng: “Những “con sâu” trong ngành y tế làm đội ngũ những con người áo trắng đau lòng, nhưng không làm mờ đi những toả sáng từ tấm lòng thiện lương của vô vàn những lương y như từ mẫu, mà hôm nay ở đây, tôi càng nhận rõ hơn. Các Bác sĩ, y tá, các hộ lý, nhân viên đã làm quá tốt việc minh chứng những người mang thiên chức cứu sống sinh mệnh con người luôn mang trái tim thiện lành nhất”. Những dòng sau cùng trong những dòng trạng thái (Status) của mình anh bộc bạch: “Tôi dành cho lòng tri ân. Và trước hết tôi chân thành cảm ơn cán bộ, bác sỹ, y tá, hộ lý, nhân viên Bệnh viện Đà Nẵng, đã tích cực trong những ngày Tết, bất kể ngày đêm, với nghiệp vụ, lòng từ tâm và nụ cười ấm áp, đã giúp tôi bước đầu vượt qua hiểm nghèo...”.
Về Bệnh viện Đà Nẵng, còn một câu chuyện mà chị Thu Hồng, hiện đang công tác tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại miền Trung (VTV8) đã kể lại trên facebook cá nhân với tựa đề “Giao thừa” có câu kết ngắn gọn: “ Các bác sĩ Đa khoa (khoa ngoại lồng ngực) Bệnh viện Đà Nẵng đã làm được điều kỳ diệu đối với một cụ bà 87 tuổi với một số bệnh lý nền nặng. Lời cảm ơn không thể xuyên thấu hơn được nữa. Những ngày cuối năm, tri ân sâu sắc tập thể y bác sĩ điều dưỡng Bệnh viện Đà Nẵng. Hy vọng đã truyền cảm hứng và năng lượng cho tất cả chúng ta…”.
Ngoài những câu chuyện kể trên, còn rất nhiều lời bình luận khen ngợi Bệnh viện Đà Nẵng như: “Bệnh viện Đà Nẵng xưa nay vẫn vậy, các y bác sỹ rất nhiệt tình, không phân biệt đối xử, xe cấp cứu đến xử lý nhanh, nhìn chung là rất đáng khen ngợi”. Một ý kiến khác: “các bác sỹ, y tá Bệnh viện Đà Nẵng rất nhiệt tình, họ làm việc rất có tâm. Bệnh viện nay có rất nhiều tiến bộ, thấy rất rõ từ vòng...gửi xe đến phòng ốc, trang thiết bị...Và nhất là thái độ phục vụ, rất đáng khen ngợi!”
Những câu chuyện và lời bình luận mà người viết vừa kể là những “điểm cộng” cho ngành y tế thành phố Đà Nẵng. Từ Trung tâm Cấp cứu đến các khoa, phòng của Bệnh viện Đà Nẵng, đã thể hiện đậm nét tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì người bệnh. Các anh, các chị xứng đáng là những bông hoa đẹp. Và càng đẹp hơn khi những bông hoa đó đã “khoe hương tỏa sắc” trong những ngày xuân ấm áp này. Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thấy thuốc Việt Nam 27-2, xin gửi tới các anh, chị lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc những “Chiến sỹ áo trắng” đẹp mãi trong lòng những bệnh nhân nói riêng và người thân của họ nói chung.
DÂN HÙNG