Báo Công An Đà Nẵng

Những điểm nóng cần hạ nhiệt

Thứ tư, 26/07/2017 13:56

Biên giới Trung-Ấn đang nóng từng ngày, làm dấy lên nhiều lo ngại về nguy cơ chiến tranh tương tự như cuộc chiến năm 1962 giữa hai nước. Hai quốc gia có vũ khí hạt nhân với dân số tổng cộng là 2,7 tỷ người, đã có mặt ở Bhutan, một vương quốc ở vùng xa xôi của dãy Himalaya.

Sự bùng nổ này đánh dấu một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất kể từ khi Trung Quốc giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962. Tranh chấp hiện nay có tâm điểm là cao nguyên Doklam - nằm ở ngã ba của Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan. Tuy nhiên, đó không phải là ngòi nổ duy nhất có nguy cơ thổi bùng chiến tranh Trung-Ấn. Hiện tại, có ít nhất 8 điểm nóng ở khu vực biên giới cần phải hạ nhiệt.

Điểm nóng thứ nhất là khu vực rừng núi Asaphila nằm dọc theo Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) tại hạ Subansiri. Năm 2014, quân đội Ấn Độ đã ngăn chặn Trung Quốc xây dựng một con đường tại khu vực này. Tâm điểm thứ hai là Longju, thuộc khu vực hạ Subansiri, nằm đối diện với các đồn biên phòng của Trung Quốc ở Migyitun, Tây Tạng, nơi đây chứng kiến cuộc đụng độ vũ trang đầu tiên giữa quân đội hai nước, xảy ra vào ngày 25-8-1959. Kể từ đó Ấn Độ đã không chiếm lại Longju, thay vào đó thành lập một chốt quân đội tại Maja, cách Longju 10km về phía nam. 

Thứ ba là thung lũng Namka Chu, cách Tawang 60km. Đây là khu vực bắt đầu cuộc chiến tranh biên giới Ấn-Trung vào năm 1962. Tiếp đó là Sumdorong Chu, thuộc huyện Tawang, nằm ở phía đông thung lũng Namka Chu và khu vực Yangste. Sau khi Trung Quốc chiếm đóng Sumdorong Chu, quân đội Ấn Độ trả đũa và chiếm Yangste vào nửa cuối năm 1986. Khu vực Barahoti ở quận Chamoli thuộc bang Uttarakhand chính là điểm nóng đáng ngại khác.

Và tất nhiên không thể bỏ qua Aksai Chin. New Delhi tuyên bố khu vực này là một phần của Ladakh trong khi Bắc Kinh khẳng định, khu vực này là của riêng mình kể từ những năm 1950. Năm 1957, Trung Quốc xây dựng đường cao tốc phía tây kết nối Tân Cương với Tây Tạng và cắt ngang khu vực Aksai Chin. Trung Quốc đã chiếm đóng Aksai Chin từ năm 1962. 

Cuối cùng là Demchok, một ngôi làng và căn cứ quân sự ở Leh. Đây là khu vực chứng kiến nhiều hoạt động đối đầu Trung-Ấn.

THANH VĂN