Báo Công An Đà Nẵng

Những đóa hoa bất tử

Thứ hai, 28/01/2019 13:33

Sáng 26-1, Ban liên lạc cán bộ, chiến sĩ Khu II Hòa Vang (Đà Nẵng) tổ chức Lễ tưởng niệm và tri ân các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong Chiến dịch "Cắm cờ giữ đất" thi hành Hiệp định Paris ngày 28-1-1973 của Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm tại Bia chiến tích được xây mới ở xóm An Dương. Theo người dân địa phương, ngày đó, khi xảy ra trận đánh giữa Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm với địch, nơi đây còn là cánh đồng heo hút với hơn 10 hộ dân. Đây là vùng giáp ranh giữa hai thôn An Tân và Dương Lâm (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang) nên ghép hai địa danh này thành xóm An Dương. "Sau ngày đất nước thống nhất, hằng năm đến ngày 23 tháng Chạp là bà con trong xóm sắm hương hoa, trà quả để thắp hương tưởng niệm 3 nữ chiến sĩ hy sinh trong chiến dịch ở căn hầm cuối cùng các chị trú ẩn, chiến đấu và cùng nhiều người dân vô tội khác tử nạn vì bom đạn chiến tranh", ông Nguyễn Phẩm ngậm ngùi nhắc lại.

Các cựu binh C2 Khu II tưởng niệm những đồng đội đã hy sinh trong Chiến dịch "Cắm cờ giữ đất".

Theo tài liệu của Ban liên lạc C2 Khu II, Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm tiền thân là trung đội nữ trực thuộc Huyện đội Hòa Vang, được thành lập vào đầu năm 1967. Ban đầu trung đội gồm 30 cán bộ, chiến sĩ do chị Trần Thị Sốt làm Trung đội trưởng, chị Trần Thị Nguyệt làm Chính trị viên; tất cả chiến đấu trong đội hình H16 (C2) cho đến tháng 10-1967. Tháng 2-1972, để đáp ứng nhu cầu diệt ác, phá kèm trong tình hình mới, Khu ủy Khu II tái thành lập trung đội nữ gồm 28 người, do chị Nguyễn Thị Xuân Mai làm Trung đội trưởng. 3 tháng sau, trung đội nữ đổi tên thành Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm (mang tên một nữ du kích miền Nam được phong tặng danh hiệu AHLLVTNDGP năm 1971)...

Nhật ký của ông Trần Chiến Chinh-nguyên Đại đội trưởng C2 Khu II Hòa Vang đã thể hiện, sau khi Hiệp định Paris được ký kết 1 ngày, địch huy động nhiều đơn vị nghĩa quân, địa phương quân có máy bay, xe tăng, pháo binh yểm trợ, tấn công vào các điểm chốt. Từ 8 giờ sáng đến 17 giờ ngày 28-1-1973, các tổ giữ chốt của đơn vị phản kích trên 20 đợt tấn công của địch, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch để giữ vững trận địa. Sau đó, một số điểm chốt rút về Nam Thành, Khương Mỹ, riêng tổ chốt trên tuyến Dương Lâm, An Tân được 3 cán bộ, chiến sĩ nữ Nguyễn Thị Xuân Mai (1949, quê xã Điện Tiến, TX Điện Bàn, Quảng Nam), Hồ Thị Hồng Vân (1954, quê xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang), Ông Thị Minh Nguyệt (1957, quê xã Hòa Châu, H. Hòa Vang) đảm nhận vẫn kiên cường giữ chốt. Các chị đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, diệt thêm hàng chục tên địch. Nhưng do tương quan lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch nên sau 5 đợt phản kích, các chị hết đạn, đành đập gãy súng và anh dũng hy sinh. Trận đánh "Cắm cờ giữ đất" của Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm đã gây được tiếng vang trên các mặt trận. Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà đánh giá cao chiến công này và tặng danh hiệu "Tổ chiến đấu anh dũng Nguyễn Thị Xuân Mai"...

  Dịp này, Ban liên lạc C2 cũng lần đầu công bố bức thư tay đã chuyển màu ố vàng của chị Xuân Mai viết gửi cho đồng đội Trần Chiến Chinh vào ngày 25-1-1973 khi ông đang chỉ huy đánh chốt điểm địch ở Gò Quánh (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang) và được ông trân trọng giữ gìn 46 năm qua. Trong đó có đoạn: "Khi em về không còn chị, tất cả những gì của em chị đã gói kỹ để trong ba-lô của chị. Hai bông Mua chị để trong gùi là kỷ vật chị gửi lại cho em, một bông mừng chiến công của em và một bông nếu sau này em còn sống hãy đặt lên mộ chị! "Hãy chiến đấu như những người Cộng sản". Lời chúc của em cũng là lời thề của chị. Trận đánh sắp bắt đầu. Chờ tin chiến thắng của em!".

Từ khi trung đội nữ C2 Khu II Hòa Vang ra đời và kết thúc chiến tranh là gần một thập kỷ đầy biến động trong lịch sử đất nước. Tổ quốc trải qua những ngày tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt nhất, vậy nhưng các chị vẫn kiên trì bám trụ trên vành đai diệt Mỹ. Sau ngày giải phóng, khi trở về với cuộc sống đời thường, "buông tay súng" các chị tiếp tục thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ, cầm lấy "tay cuốc tay cày" xây dựng quê hương, hàn gắn những vết thương chiến tranh. Giờ đây, các chiến sĩ nữ năm xưa đã trở thành bà nội, bà ngoại nhưng họ vẫn cố gắng là điểm tựa để cho thế hệ con cháu cùng tiếp bước cha anh xây dựng, bảo vệ đất nước. Phát huy, trí tuệ, tài năng, sức khỏe của thế hệ trẻ để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp phát triển KT-XH địa phương...

Tất cả những cô gái của Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm đều hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Những người còn sống sau chiến tranh phần lớn bị thương tật, đau ốm triền miên, hoàn cảnh rất khó khăn. Chị Đặng Thị Lan (1950, xã Hòa Khương, H. Hòa Vang) là một điển hình. Chị bị thương nặng trong khi làm nhiệm vụ và phải chuyển ra Bắc điều trị, hiện là thương binh hạng 3/4, bệnh binh đặc biệt và không thể có cho riêng mình một gia đình hạnh phúc. Song, chị vẫn cố gắng vượt qua để luôn tự hào về một thời cầm súng và chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước mình... "Nằm lại chiến trường khi tuổi xuân vẫn còn phơi phới, các chị Mai, Vân, Nguyệt đã trở thành những đóa hoa "bất tử", mãi mãi ghi danh vào lịch sử của quê hương Hòa Vang anh hùng. Để ghi công các chiến sĩ nữ C2 Khu II năm xưa và giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay, Huyện ủy, UBND huyện thống nhất chọn nơi các chị đã hy sinh để xây dựng Bia chiến tích Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm trên diện tích 250m2 với nguồn kinh phí đầu tư hơn 600 triệu đồng", Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường chia sẻ.

VY HẬU