Những đóa hoa rừng Trường Sơn
(Cadn.com.vn) - Trong ngôi nhà ở đường Hai Bà Trưng thành phố Quảng Ngãi, tiếp chuyện tôi là cô Lê Thị Bích Ngà- nguyên trạm trưởng Trạm giao liên số 10 thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 240, Cục Hậu cần Quân khu 5 trên tuyến lửa Trường Sơn thời đánh Mỹ. Bây giờ, mái tóc không còn xanh, giọng nói không còn trong nhưng ánh mắt chị chợt long lanh khi kể về những năm tháng chiến trường. Dường như ở chị vẫn cháy ngọn lửa của một thời thanh nữ giữa Trường Sơn...
Chị Lê Thị Bích Ngà kể chuyện về một thời thanh nữ giữa Trường Sơn. |
Một thời thanh nữ giữa Trường Sơn
Chị Ngà kể, chị nằm trong số những người đầu tiên của Trạm giao liên được thành lập ngày 16-6-1967 tại xã Sơn Mùa, H. Sơn Tây. Trong hệ thống giao bưu trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua miền tây Quảng Ngãi, đây là Trạm số 10. Trạm đặt trong khu rừng cạnh sông Trà Manh, ban đầu là một chiếc lán bằng tranh tre, nứa lá, ngăn làm đôi. Bên hẹp chứa công văn, tài liệu, bên rộng đủ để mắc 9 chiếc võng dù sát nhau. Trạm được biên chế 9 cô gái nên có 9 chiếc võng dù và cũng vì thế nên lính Trường Sơn gọi "Trạm 9 cô". Đây là binh trạm duy nhất trên toàn tuyến đường mòn được biên chế toàn con gái. 9 cô gái ấy là: Ngà, Hiệu, Vân, Đường, Cang, Nhạn, Cẩn, Diệp, Mai. "Trạm 9 cô" nổi tiếng ở những cung đường hiểm trở, cường độ địch đánh phá khốc liệt. Trạm cách trạm gần 4 giờ đồng hồ đi bộ. Trạm 10 vươn ra các trạm hai đầu như mạch máu tiếp nối nhiệm vụ đón cán bộ, chuyển thư từ, công văn, tài liệu từ miền Bắc vào và đưa thương binh từ chiến trường ra Bắc.
Nhịp sống của cung trạm như đặt trên đôi chân, đôi vai và sự tinh tường của những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi. Mỗi ngày họ ít nhất 16 tiếng đồng hồ lội bộ luồn rừng, băng suối, vượt dốc, vượt qua bom đạn địch, vượt lên bệnh sốt rét, cuộc sống vô vàn thiếu thốn và thiên la địa võng của thâm u đại ngàn... Cung đường giao liên đó không tính bằng cây số, bằng thời gian mà bằng ý chí và những chiến công thầm lặng. Cung đường qua xã Sơn Bao có con dốc cao chất ngất mới ra được Trạm 9. Khi có nhiệm vụ hỏa tốc hoặc có những đoàn khách đặc biệt phải đưa đón ban đêm họ phải đi thâu đêm suốt sáng. Chị em tự cắt tranh, chặt nứa làm lán trại để có chỗ cho khách nghỉ lại đêm. Chị Vân, Chị Đường, chị Diệp... dành tiêu chuẩn gạo, muối ít ỏi của mình, kiếm thêm rau rừng nấu cháo cho thương binh. Ngoài nhiệm vụ giao liên, các cô còn đảm nhận luôn việc nấu nướng, lo cơm nước cho khách. Khách nghỉ lại đêm từ hàng chục đến cả trăm người, nhiều đối tượng khác nhau nhưng luôn bảo đảm "đi không dấu, nấu không khói".
Quản lý cả kho lương thực nhưng nhiều lúc chị em vẫn ăn cháo với rau, làm rẫy để tự lo cái ăn, tuyệt nhiên không chạm vào một hạt gạo của binh trạm. Năm 1972, tại Sơn Màu, địch đổ quân chiếm các điểm cao, tàu rọ quần thảo, dùng cánh quạt hất tung cả tán cây rừng để lục lọi nhưng đường dây của binh trạm không hề suy suyển. Những năm 1969-1970, Mỹ rải chất độc hóa học trắng mờ như sương, ướt cả áo quần, có người ngất xỉu; cọng rau, cuống mít cũng úa héo nhưng đường dây không một phút gián đoạn. Máy bay mo-ranh, biệt kích địch liên tục truy tìm đánh phá, Trạm phải thường xuyên di chuyển vị trí đóng quân, từ Sơn Mùa xuống Sơn Bao, Sơn Liên, Sơn Màu rồi lên Sơn Dung giáp Kon Tum, về Sơn Tinh (Sơn Hà). Những con sông Trà Manh, sông Tang, sông Rin, sông Nước Màu, Xà Lò... mỗi dòng sông là một chiếc gương lưu giữ nét thanh xuân của những nữ giao liên "Trạm 9 cô" trước chiến tranh ác liệt và nghiệt ngã của thời gian. Chị Đường, chị Cang mãi mãi nằm lại với Trường Sơn, với những dòng sông phía tây Quảng Ngãi...
Ước vọng trở lại chiến trường xưa
Kỳ thực quân số "Trạm 9 cô" không phải chỉ có 9 người. Trong suốt 8 năm hoạt động (1967-1975) người đến, người đi tổng cộng 24 người. Hết chiến tranh, các nữ giao liên mang trên người nhiều vết thương vì bom đạn. Cuộc sống mưu sinh tứ tán, hoàn cảnh đưa đẩy mỗi người mỗi ngả, hầu hết đều lâm cảnh khốn khó. Chị Dung (ở Mộ Đức), chị Xuân (ở Bình Sơn) đã qua đời vì ốm đau, bệnh tật. Một số chị sống cảnh đơn chiếc. Hiện 20 chị còn sống, người trẻ tuổi nhất cũng đã xấp xỉ 60 tuổi. Đến thời điểm này họ vẫn ao ước một lần chị em được gặp lại đông đủ, đưa nhau về thăm lại chiến trường xưa... Chiến trường xưa - nơi các chị để lại tuổi thanh xuân của mình hơn 40 năm trước, bây giờ nơi gần nhất chỉ cách thành phố Quảng Ngãi già một buổi đường đi xe máy.
Vậy mà, đối với các chị sao vẫn cứ quá xa xôi? Theo lời chị Ngà, trước đây chị tự đứng ra vận động xin các đơn vị hỗ trợ tổ chức gặp mặt, nhưng cũng chỉ được 9 chị em vì Ban tổ chức chỉ lo kinh phí cho... "9 cô". Với chị Ngà, nguyện vọng trở lại những cung đường lửa còn mang một ước vọng thiêng liêng: Tìm những đồng đội còn nằm lại dọc các tuyến giao liên ở Sơn Màu, Sơn Mùa, Sơn Lập, Sơn Bua... Chính tay chị đã chôn cất liệt sĩ Nguyễn Văn Tịch, quê Thái Bình tại Sơn Mùa (năm 1967), Nguyễn Văn Hiếu quê Bình Sơn tại Sơn Tịnh (năm 1972)... Mấy năm trước, lúc còn khỏe, chị đã giúp thân nhân liệt sĩ từ miền Bắc vào tìm kiếm, cất bốc được hài cốt 8 liệt sĩ đưa về quê.
Những "đóa hoa rừng Trường Sơn" ngày ấy, giờ đây nhiều chị đã ngoài tuổi 70, gánh nặng tuổi tác, vết thương cũ hành hạ, sức khỏe tàn tạ... nhưng vẫn nặng lòng ao ước được một lần gặp lại đồng đội cũ, được thăm lại nơi mình đã sống hết mình, cống hiến tuổi xuân góp phần viết nên huyền thoại đường Trường Sơn!
Nguyễn Viết Phúc