Những đổi thay ngoạn mục của đồng bào Cơ Tu
Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngày nay, đến với đồng bào Cơ Tu vùng thấp H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) định cư ở các thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) hay Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), đường giao thông đã thuận lợi hơn nhiều, ô-tô vào tận bản làng. 100% hộ đồng bào Cơ Tu không còn ở nhà tạm, có điện thắp sáng, chữa bệnh miễn phí; mỗi thôn đều được xây dựng một nhà Gươl để lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Mạng lưới điện thoại, phát thanh, truyền hình đã đến từng nhà, giúp cho bà con tiếp cận với những phương tiện truyền thông. Các chính sách an sinh xã hội dành cho đồng bào Cơ Tu, có thể nhận thấy, hiệu quả nhất là chính sách đầu tư giáo dục. Cụ thể, tỷ lệ học sinh người dân tộc đến trường ngày càng tăng, học sinh bỏ học rất ít. Kết quả này có được là nhờ thực hiện tốt chính sách miễn học phí hoàn toàn cho con em đồng bào dân tộc; trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho từng em ở từng cấp học khác nhau. Cùng với trợ cấp là cơ sở trường lớp không ngừng nâng cấp theo hướng tầng hóa. Với chính sách đầu tư giáo dục có hiệu quả, huyện và thành phố đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để học sinh dân tộc Cơ Tu tiếp cận với kiến thức văn hóa ở trình độ ngày càng cao, giúp các em tự tin hơn khi hòa nhập với cộng đồng.
Đồng bào Cơ Tu thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang) tích cực lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống. |
Bên cạnh đó, xác định tầm quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, cũng như giữ gìn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu, ngoài việc tổ chức Liên hoan Văn hóa - Thể thao miền núi hằng năm, Hòa Vang còn sưu tầm, phục dựng các lễ hội "Ăn thề kết nghĩa" và "Mừng lúa mới" cho người Cơ Tu. Đây là những lễ hội truyền thống tiêu biểu trong đời sống tinh thần, biểu hiện sự khát vọng và niềm tin của người Cơ Tu đối với thế giới siêu nhiên… Trưởng phòng VH-TT huyện Đỗ Thanh Tân cho biết: "Việc phục dựng lại các lễ hội không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Cơ Tu mà còn tạo điều kiện cho thế hệ trẻ nơi đây tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm để làm giàu thêm các giá trị truyền thống của dân tộc mình. Huyện cũng đang xây dựng Đề án "Phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ Tu" tại xã Hòa Bắc. Vì vậy, huyện sẽ tiếp tục mở rộng giao lưu với cộng đồng người Cơ Tu vùng cao Quảng Nam để làm giàu vốn văn hóa cho người Cơ Tu vùng thấp và thắt chặt mối quan hệ giữa các địa phương; đồng thời, xây dựng kế hoạch lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể như nói lý, hát lý, cồng chiêng, đan lát của dân tộc Cơ Tu. Đây cũng là hoạt động quảng bá vẻ đẹp và sự độc đáo của văn hóa người Cơ Tu hướng đến phát triển du lịch cộng đồng của thành phố và huyện trong thời gian đến".
Già làng Cơ Tu Nguyễn Văn Cần chia sẻ, ngày ông mới chuyển về vùng thấp định cư nhà nào cũng nghèo, thiếu đói triền miên, nhiều người bỏ làng di cư lên vùng cao tìm miền đất mới. Năm 1986, làng Phú Túc thuộc xã Ba (H. Hiên, Quảng Nam - Đà Nẵng) được chuyển giao cho UBND xã Hòa Phú quản lý, thì cuộc sống của đồng bào Cơ Tu dần được cải thiện, địa phương cấp đất trồng rừng, phát triển kinh tế gia đình nên người dân không còn du canh, du cư nữa mà trọn đời theo Đảng để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Thử hỏi, ai xây nhà kiên cố cho dân ở, ai làm đường về tận bản làng xa xôi cho bà con đi lại thuận lợi, giao lưu trao đổi hàng hóa, khôi phục nghề nấu rượu cần, dệt thổ cẩm truyền thống. Ai lo cho con cháu mình học cái chữ thành người… "Để đồng bào Cơ Tu có được cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc như hôm nay là cả một quá trình nỗ lực bền bỉ của các ngành, các cấp, không chỉ đơn thuần là những chính sách hỗ trợ hợp lý mà còn tập trung vào việc thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất trên cơ sở giữ nguyên bản sắc văn hóa truyền thống của người dân miền núi", ông Lê Văn Nghĩa - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Phú Túc xác nhận thêm.
VY HẬU