Báo Công An Đà Nẵng

"Những đứa con của Rồng" - "Ngày xửa, ngày xưa" trở lại

Thứ năm, 15/05/2014 08:48

(Cadn.com.vn) - Sau thành công không ngờ của đợt biểu diễn đầu tiên vào cuối tháng 3 vừa qua, từ ngày 30-5 đến 1-6 tới, "Ngày xửa, ngày xưa" với "Những đứa con của Rồng"- chương trình ca múa kịch vui đến từ sân khấu kịch Idecaf (TPHCM)- lại có mặt tại Đà Nẵng để phối hợp cùng Nhà hát Trưng Vương phục vụ khán giả thành phố biển. Với "Những đứa con của Rồng", Idecaf hy vọng sẽ một lần nữa chinh phục khán giả Đà Nẵng, đặc biệt là khán giả nhí trong mùa hè 2014 này...

Khác với "Hoàng tử gấu" và "Hạt đậu thần", "Những đứa con của Rồng" sẽ đưa trẻ thơ Đà Nẵng về thế giới cổ tích dưới thủy cung với hành trình đi tìm và giải cứu mẹ là Hoàng hậu Long Vương của 2 đứa trẻ... Được dàn dựng công phu với một sân khấu hoành tráng, cảnh trí trang hoàng rực rỡ, lung linh và ê kíp diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng đến từ sân khấu kịch TPHCM như: NS hài Bạch Long, NS hài Phi Phụng, NS hài Gia Bảo..., cùng sự dẫn chuyện duyên dáng, cuốn hút của nàng tiên cá Kiều Nhi, thông qua câu chuyện của thế giới thần tiên dưới biển, bên cạnh tiếng cười sảng khoái là bài học giáo dục cho trẻ về lòng yêu nước, về cái thiện luôn thắng cái ác... Sâu xa hơn, "Những đứa con của Rồng" còn là sản phẩm tinh thần có tính thời sự cao, là cách để đạo diễn Vũ Minh, tác giả Minh Phương cũng như bầu Huỳnh Anh Tuấn gửi đến thông điệp về tình yêu biển đảo và quyết tâm bảo vệ lãnh hải thân yêu của dân tộc Việt Nam...







Một số cảnh trong "Những đứa con của Rồng".

Ông Huỳnh Anh Tuấn- Giám đốc Sân khấu kịch Idecaf TPHCM, cho biết: "Từ thành công trong đợt biểu diễn đầu tiên hồi tháng 3, những người làm sân khấu Idecaf TPHCM nhận thấy trẻ em Đà Nẵng rất đáng yêu, rất say mê và yêu thích chương trình "Ngày xửa, ngày xưa".

Điều quan trọng là làm thế nào để "mời" được cha mẹ cùng đến sân khấu với các cháu. Một thực tế đang diễn ra trong đời sống văn hóa tinh thần của trẻ hiện nay đó là: sân chơi dành cho trẻ đã ít, nhưng sự quan tâm nuôi dưỡng về mặt tinh thần cho trẻ cũng không được bố mẹ ưu tiên đầu tư bằng việc học hành. Một thực tế khác đang đặt ra cho sự sống còn của sân khấu đó là, các game show trên các kênh truyền hình tối thứ bảy, chủ nhật đã "cuốn" người lớn (trong đó có phụ huynh) xem. Vì thế, bố mẹ trở nên "lười" đưa con đến với sân khấu. Để kéo phụ huynh ra khỏi nhà, cùng con đến sân khấu kịch dành cho thiếu nhi là điều không đơn giản...".

Được biết, điểm mới trong sự trở lại lần này của chương trình "Ngày xửa, ngày xưa- Những đứa con của Rồng" là ngoài 50% diễn viên nồng cốt đến từ sân khấu kịch Idecaf TPHCM, sẽ là 50% diễn viên Đà Nẵng (chủ yếu đóng vai phụ). Ngay trong lần đầu đem quân đi diễn tại TP Đà Nẵng, bầu Tuấn đã mong muốn được phối hợp cùng lãnh đạo Nhà hát Trưng Vương xây dựng một sân khấu dành riêng cho trẻ em Đà Nẵng, dần dần hướng tới việc trẻ em, thiếu nhi Đà Nẵng không chỉ biết và yêu diễn viên ở hai đầu đất nước mà còn biết và yêu diễn viên là người Đà Nẵng. Với ý tưởng đầy tâm huyết, gần 3 tháng qua, Nhà hát Trưng Vương đã quy tụ được 40 diễn viên có tên tuổi, diễn xuất tốt bắt đầu tiếp cận với kịch bản của chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" với tác phẩm "Những đứa con của Rồng".

Ông Trần Quang Kỳ- Trưởng phòng tổ chức biểu diễn và sự kiện Nhà hát Trưng Vương-hồ hởi cho biết: "Có được sự khởi đầu này là nhờ anh Tuấn "máu" với việc hình thành sân khấu dành cho thiếu nhi Đà Nẵng quá. Ảnh "máu" làm mình cũng "máu" theo. Diễn cho người lớn đã khó, diễn cho trẻ em yêu thích càng khó hơn rất nhiều. Phải hóa thân, phải nhập vai và phải có lòng yêu trẻ mới làm được. Qua việc tiếp cận với những vở kịch của chương trình "Ngày xửa, ngày xưa", tôi đã cảm nhận ra được nhiều điều và học hỏi nhiều điều lắm. Để xây dựng được sân khấu kịch dành cho trẻ em Đà Nẵng là  cả một quá trình, lộ trình chuẩn bị lâu dài.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh Tuấn, sân khấu kịch Idecaf TPHCM còn gắn bó với Đà Nẵng dài dài...". Bầu Tuấn nhận xét: "Diễn viên Đà Nẵng diễn có duyên lắm, không thua chi các diễn viên ăn khách TPHCM đâu. Tôi tin tương lai không xa nữa, thiếu nhi Đà Nẵng nói riêng, khán giả Đà Nẵng nói chung sẽ quen và yêu diễn viên Đà Nẵng. Người Đà Nẵng có thể làm được điều này". Cũng theo bầu Tuấn, nhằm tạo điều kiện cho trẻ em của mọi tầng lớp có thể đến nhà hát Trưng Vương để cùng cười, cùng mê đắm với thể giới của những câu chuyện thần tiên mang tính giáo dục và định hướng thẩm mỹ cao, trong đợt quay trở lại lần thứ hai này, Idecaf chủ trương giảm 40% giá vé so với đợt một, theo đó, giá thấp nhất 80.000 đồng, cao nhất là 150.000 đồng.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng bày tỏ mong ước lớn hơn nữa: "Tôi muốn cùng với Nhà hát Trưng Vương xây dựng một sân khấu nhỏ dành cho thiếu nhi Đà Nẵng trong tương lai gần, làm thế nào đó để không phải đợi đến hè, đến ngày Quốc tế Thiếu nhi, đến Trung thu, trẻ em Đà Nẵng mới có dịp thưởng thức các chương trình "Ngày xửa, ngày xưa", mà là dịp cuối tuần, cuối tháng, có thể đến xem. Muốn được như vậy, ngoài kịch bản hay, dàn dựng hoành tráng, rực rỡ sắc màu, lối diễn xuất tinh tế, đi vào lòng trẻ em, giá vé cũng cần phải được "mềm" hơn, giảm xuống chỉ còn 30.000 đến 40.000 đồng, vừa phải với túi tiền của người dân Đà Nẵng. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có thời gian, lộ trình chuẩn bị"...

Hy vọng, cùng với niềm đam mê và khát vọng mong muốn đem lại món ăn tinh thần phong phú cho trẻ em Đà Nẵng, sự trở lại lần thứ 2 của Idecaf TPHCM trong đó có sự phối hợp với dàn diễn viên của Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng sẽ được khán giả nhí Đà Nẵng nồng nhiệt đón chào. Đây cũng có thể được xem là "món quà" mà các bậc phụ huynh nên thưởng cho con em mình trong dịp Quốc tế thiếu nhi 1-6!

P.Thủy