Những đứa trẻ vô thừa nhận
(Cadn.com.vn) - Chỉ vì không chấm dứt ly hôn trước khi chung sống với người khác, những đứa con của chị Tôn Nữ Chiêu Quân (1977, trú tổ 2B, P.Hòa An, Q.Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) gặp nhiều vướng mắc, bất cập trong việc đăng ký khai sinh (ĐKKS). Không làm thủ tục khai sinh, mặc nhiên những đứa trẻ này không được pháp luật công nhận và không được hưởng bất cứ quyền lợi gì đối với trẻ em.
Về vấn đề này, ông Trương Hùng Mạnh, Chủ tịch UBND P.Hòa An cho biết, phường có nhận đơn đề nghị ĐKKS cho 3 người con của vợ chồng Trần Quốc Vương (1976) và Tôn Nữ Chiêu Quân (1977) gồm các cháu Trần Quốc Thịnh (2007), Trần Thị Thanh Hiền (2010) và Trần Thị Thanh Hòa (2013). Nguyên nhân cả 3 cháu bé này chưa được khai sinh là vì năm 1999, chị Quân kết hôn với anh Phạm Văn Hòa (1976, trú P.Vĩnh Trung, Q.Thanh Khê) và sinh được 3 con gái là Phạm Tôn Mỹ Uyên (1999), Phạm Tôn Mỹ Duyên (2001) và Phạm Tôn Mỹ Thương (2003). Đến năm 2006, do tính tình không hợp, bất đồng quan điểm, vợ chồng thường xuyên lục đục, cuộc sống không có hạnh phúc nên quyết định sống ly thân. 3 người con chung được giao cho gia đình anh Hòa nuôi dưỡng.
Năm 2006, chị Quân có quan hệ vợ chồng với anh Trần Quốc Vương nhưng lại chưa làm thủ tục ly hôn với anh Hòa theo quy định pháp luật và lần lượt sinh được 3 người con và tự đặt tên cho con là Trần Quốc Thịnh, Trần Thị Thanh Hiền và Trần Thị Thanh Hòa. Mãi đến năm 2013, khi cháu Thịnh đúng tuổi vào lớp 1 thì chị Quân mới ly hôn với anh Hòa và đăng ký kết hôn cùng anh Vương. Khi hai vợ chồng chị Quân đến UBND P.Hòa An làm thủ tục khai sinh để cháu Thịnh có đủ hồ sơ vào lớp 1 thì mới phát sinh rắc rối. Bởi, căn cứ Điều 21, Nghị định 70, hướng dẫn chi tiết Luật Hôn nhân gia đình thì: "Con sinh ra trong vòng 300 ngày kể từ ngày người chồng chết hoặc có bản án quyết định ly hôn là con của người đó". Nghĩa là, dù cháu Thịnh là con của chị Quân và anh Vương nhưng vì cháu sinh ra trong thời điểm chị Quân và anh Hòa chưa ly hôn (năm 2007) nên mặc nhiên Thịnh là con của... anh Hòa. Và không chỉ riêng cháu Thịnh, cả 2 người em của Thịnh là Hiền (2010) và Hòa (2013) cũng rơi vào tình cảnh như vậy.
3 người con của chị Quân đang gặp rắc rối trong thủ tục ĐKKS. |
Vì vướng luật nên cả 3 giải pháp làm thủ tục ĐKKS cho các con của chị Quân đều không thỏa đáng. Thứ nhất, khai sinh để tên cha là anh Vương, mẹ là chị Quân là sai luật. Để tên cha là anh Hòa, mẹ là chị Quân thì anh Vương không đồng ý, bởi con anh không thể mang họ người khác. Nếu để chị Quân khai sinh theo trình tự mẹ đơn thân sinh con tự túc cũng sai luật, bởi cả 3 đứa trẻ này đều sinh ra trong thời điểm chị Quân và anh Hòa chưa ly hôn.
Việc không làm được ĐKKS đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của trẻ. Cụ thể, tháng 9-2013, cháu Thịnh đến tuổi vào lớp 1 nhưng không có giấy khai sinh nên không thể nhập học được. Vì quyền lợi trẻ em, đích thân Chủ tịch UBND P.Hòa An can thiệp trực tiếp đến BCH Trường Tiểu học Nguyễn Như Hạnh cam kết sẽ sớm bổ sung ĐKKS để cháu Thịnh được đến trường. Anh Vương và chị Quân đăng ký tên nhập học cho con là Trần Quốc Thịnh. Và để "chữa cháy", chị Quân buộc lòng phải làm thủ tục đăng ký tên cha là Phạm Văn Hòa cho con. Ngày 7-8-2014, UBND P.Hòa An làm thủ tục cấp ĐKKS cho cháu Thịnh và tên họ đầy đủ là Phạm Văn Thịnh, có cha là Phạm Văn Hòa chứ không phải họ Trần theo cha ruột là Trần Quốc Vương.
Theo chị Quân, khi bổ sung ĐKKS vào thủ tục nhập học cho con, trường không đồng ý, bởi trường đang dạy cháu Trần Quốc Thịnh chứ không phải Phạm Quốc Thịnh. Ngoài rắc rối chuyện học hành, cả 3 người con của chị Quân đều không được hưởng chế độ BHYT dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và nhiều quyền lợi khác vì chậm ĐKKS. Vợ chồng họ có làm đơn gửi đến TAND Q.Cẩm Lệ thì được hướng dẫn, muốn chuyển khai sinh con từ họ Phạm sang họ Trần phải làm thủ tục xác định AND giữa anh Phạm Văn Hòa và các con chị Quân. Nếu kết quả không trùng khớp mới đủ cơ sở pháp lý để khai sang họ Trần của cha là Trần Quốc Vương. Tuy nhiên, chi phí mỗi ca giám định AND khoảng 10 triệu đồng... nhưng anh chị không thể kiếm đâu ra 30 triệu đồng nên vợ chồng đã làm thủ tục rút đơn.
Vì quyền lợi của người dân, sau khi nhận đơn cứu xét của công dân, UBND P.Hòa An tổ chức đối thoại giữa vợ chồng anh Vương với anh Phạm Văn Hòa (chồng cũ chị Quân). Tại đây, anh Hòa thừa nhận chỉ có 3 người con chung với chị Quân đã được công nhận tại quyết định ly hôn. Ngoài ra, 3 đứa con chị Quân sinh vào các năm 2007, 2010 và 2013 là không phải con anh Hòa, đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện cho cháu được khai sinh đúng cha đẻ là anh Vương. Từ cơ sở này UBND Q.Cẩm Lệ có tờ trình gửi Sở Tư pháp TP Đà Nẵng, UBND Q.Cẩm Lệ và Phòng Tư pháp Q.Cẩm Lệ đề nghị cho phép UBND P.Hòa An làm ĐKKS cho công dân theo đúng với cha mẹ đẻ.
Ngày 27-10, UBND Q. Cẩm Lệ ban hành Công văn số 1033/UBND-PTP yêu cầu UBND P.Hòa An tiếp tục mời chị Quân và những người trong gia đình có liên quan đến con mình để hướng dẫn, giải thích về trách nhiệm ĐKKS theo quy định pháp luật; vận động chị Quân ĐKKS cho 3 người con của chị và phần khai sinh về cha của 3 đứa trẻ phải thực hiện theo quy định tại khoản 1, điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình vì các cháu sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của vợ, chồng. Trong trường hợp cha, mẹ hoặc những người có trách nhiệm theo quy định tại điều 14, Nghị định 158/2005/NĐ-CP vẫn không có trách nhiệm thực hiện ĐKKS thì UBND P.Hòa An có biện pháp tổ chức ĐKKS cho 3 trẻ em nêu trên theo đúng quy định pháp luật.
Nguyên Thảo