Những gam màu báo chí 4.0
Năm 2005 khi tôi chập chững vào nghề thì máy ảnh kỹ thuật số hay laptop kết nối mạng internet được xem là tân tiến so với nhiều anh chị đồng nghiệp trước đó. Nhưng rồi, công nghệ thay đổi quá nhanh đã kéo theo thay đổi về phương thức tác nghiệp, các sản phẩm truyền thông và cả những áp lực cạnh tranh với mỗi phóng viên, tòa soạn. Chúng tôi thường nói vui, tuổi nghề càng già đi, chậm chạp hơn thì “trình” tiếp nhận công nghệ, đổi mới phương thức làm báo lại càng phải trẻ lại, tân tiến hơn mới theo kịp dòng chảy thông tin. Bây giờ, chỉ với 1 chiếc điện thoại thông minh (smartphone) trên tay là có cả thế giới thông tin với vạn vật hấp dẫn. Cũng chỉ một chiếc smartphone kết nối internet có thể thực hiện tất cả các công đoạn tác nghiệp báo chí một cách nhanh chóng, từ ghi âm, ghi âm cuộc gọi, chụp ảnh, quay video, viết tin, bài và xuất bản lên website.
Công nghệ giúp truyền tải thông tin tới công chúng nhanh, thậm chí trực tiếp như livestream. Các hình thức truyền tải thông tin đa dạng, sinh động, hiệu ứng tương tác cao từ kết hợp văn bản, hình ảnh, video, đồ họa. Nổi bật như các dạng long-form, e-magazine, kiểu bài viết chuyên sâu về nội dung được đầu tư cao về hình ảnh đồ họa và trình bày một kiểu giao diện riêng biệt. Cũng chính những thay đổi về công nghệ đã dẫn tới các sản phẩm báo chí truyền thông phi truyền thống. Những bài viết bình luận dài dòng, mang đậm phong cách tác giả, những đề tài vĩ mô… nay ít thu hút công chúng mà thay vào đó là những thông tin đồ họa (infographic), các clip dạng livestream (trực tiếp), các bản rap-news (bản tin ráp). Sản phẩm truyền thông không chỉ nhanh, sinh động, mang tính giải trí, trải nghiệm mà còn được truyền trực tiếp, thông báo tới công chúng thông qua các app trên điện thoại thông minh. Chính những thay đổi chóng mặt của công nghệ khiến các sản phẩm truyền thông thay đổi, xu hướng tiếp cận thông tin của công chúng cũng thay đổi, tất nhiên người “sản xuất” thông tin không thể ngồi im. Cuộc cạnh tranh cung cấp thông tin cho công chúng diễn ra gay gắt không chỉ giữa các phóng viên mà giữa các tòa soạn, bởi lẽ nó tác động trực tiếp tới hoạt động kinh tế báo chí của mỗi đơn vị.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra trước tiên với mỗi người làm báo phải tự “chuyển đổi số”, phải luôn chạy đua cung cấp thông tin nhanh và nhanh hơn nữa. Tất nhiên áp lực thời gian đưa thông tin nhanh dẫn đến việc bỏ qua một số bước trong quy trình tác nghiệp chuẩn mực, hệ lụy là thông tin đưa thiên lệch, một chiều, thiếu nguồn kiểm chứng… Đôi khi bản tin chỉ xuất phát từ 1 nguồn, 1 phóng viên, nhưng được lan truyền nhanh chóng trên nhiều trang báo điện tử, tạo trùng lặp thông tin, đề tài, mất đi bản sắc, tính độc quyền và cả tính cạnh tranh. Chưa kể, các báo hiện phải cạnh tranh cả với mạng xã hội khi nhiều trang fanpage có lượng theo dõi “khủng”. Đăng thông tin lên các fanpage luôn nhanh, thu hút vì không bị gò bó bởi văn phong, tôn chỉ mục đích, kể cả các tiêu chí, quy định về đạo đức người đưa tin. Nhiều trang nhanh nhẹn copy thông tin, dẫn nguồn lại trên các báo để tăng lượng tương tác, phục vụ cho mục đích thương mại, kinh tế, lấy đi thị phần quảng cáo của báo chí.
Thời công nghệ số bùng nổ, các báo truyền thống đang chịu nhiều áp lực cạnh tranh, chia nhỏ thị phần điều đó cũng tác động ngược trở lại với mỗi phóng viên trong quá trình chọn lựa đề tài, phương thức thể hiện, mục tiêu tác phẩm hướng đến. Các báo giao chỉ tiêu kinh tế cho từng phóng viên, văn phòng, thậm chí cá biệt có đơn vị cho phóng viên, văn phòng tự thu chi và nộp kinh phí về tòa soạn theo định mức nhất định. Bởi vậy mới có chuyện một số phóng viên chỉ chăm chăm làm kinh tế bằng nhiều cách thay vì tác nghiệp nội dung thuần túy, hướng đến các tác phẩm báo chí giàu tính nhân văn, thẩm mỹ, giáo dục, vì cộng đồng, vì xã hội. Thực tế đã có một số phóng viên bị khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản như ở Phú Thọ, khởi tố về hành vi tống tiền doanh nghiệp ở Đắc Nông, khởi tố về tội nhận hối lộ như ở Quảng Ninh… Hệ lụy những vấn đề này để lại là nhiều tổ chức, cá nhân “ngại” tiếp xúc với báo chí, quá trình thu thập, tiếp cận thông tin của phóng viên ngày càng khó khăn.
Báo chí đang chịu nhiều tác động của mạng xã hội, chịu thua thiệt trong đưa thông tin ban đầu dẫn tới phải chia sẻ thị phần quảng cáo. Tuy vậy, thay vì đối đầu, nhiều báo đã tận dụng mạng xã hội để mang lại lợi thế cho mình. Các báo đã xây dựng facebook để cập nhật thông tin, gia tăng tương tác trên mạng xã hội. Không ít phóng viên cũng xem mạng xã hội là nguồn để tìm kiếm, khai thác thông tin hiệu quả phục vụ cho tác phẩm. Gần đây, những thông tin mạng xã hội tuy nhanh, nhưng thiếu kiểm chứng độ xác thực đã dần mất niềm tin của công chúng, điều này cũng tạo lợi thế cạnh tranh nhất định cho báo chí.
Thời công nghệ bùng nổ, để tồn tại, nhiều tòa soạn phải đổi mới nền tảng công nghệ, phóng viên phải đổi mới quy trình tác nghiệp để có thông tin vừa nhanh, vừa nhạy vừa tin cậy. Bên cạnh đó, các báo cũng năng động tạo ra những sản phẩm mới, đa dạng, từ kết nối tổ chức hội thảo, các ấn phẩm chuyên đề, các sự kiện văn hóa, thể thao để tăng thêm nguồn thu. Điều này cũng tác động đến người làm báo, không đơn thuần chỉ tạo ra sản phẩm báo chí mà phải năng động, kiêm cả nghề tay trái như kỹ năng tổ chức hội thảo, tổ chức sự kiện…
HẢI QUỲNH