Báo Công An Đà Nẵng

Những giai điệu tri ân…

Thứ ba, 27/07/2021 16:13

Mỗi năm, đến những ngày tháng bảy là dường như mỗi người con đất Việt đang được sống trong hòa bình hôm nay lại tưởng nhớ, tri ân những người đã hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam- dải đất hình chữ S thân yêu đều thấm đẫm máu xương của nhân dân, những nghĩa trang liệt sĩ đã ghi dấu biết bao người mãi mãi ra đi nằm lại nơi này. Ngoài ra, còn có những thương, bệnh binh để lại một phần cơ thể của mình nơi chiến trường khốc liệt, còn mang trên mình những vết thương, những di chứng sau chiến tranh...

Nhạc sĩ Trần Tiến, tác giả ca khúc "Vết chân tròn trên cát".

Những Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người mẹ, người lính... Hôm qua và hôm nay, tất cả đã là trang anh hùng ca về sự cống hiến, hy sinh cho "Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân" (Dáng đứng Việt Nam- Lê Anh Xuân). Cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc luôn là cống hiến cao cả nhất, vĩ đại nhất. Trong cuộc trường chinh của dân tộc, họ xứng đáng là những anh hùng của thời đại, là hiện thân cho sức mạnh và sự trường tồn của đất nước Việt Nam thân yêu. Vì vậy, họ xứng đáng được sống trong tâm tưởng và được ngợi ca...

Những anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh và cả những người mẹ, người vợ... ấy, họ xứng đáng là những anh hùng của dân tộc, là anh hùng của thời đại mà chúng ta đang sống. Họ chính là hiện thân cho sức mạnh và sự trường tồn của dân tộc, của đất nước Việt Nam thân yêu. Họ đã và mãi xứng đáng được sống trong tâm khảm của mỗi chúng ta, trong tâm tưởng và qua những lời ca. Những lời ca ca ngợi sự hy sinh của những năm tháng chiến tranh hào hùng vẫn ngân lên cho hôm nay và cả mai sau...

Với khúc tráng ca "Màu hoa đỏ" của cố nhạc sĩ Thuận Yến, phổ thơ Nguyễn Đức Mậu vào năm 1991 như một trang nhật ký đậm màu cuộc sống với những người lính đã từng trải qua cuộc chiến. Mỗi câu hát ngân lên, cũng với giai điệu trầm hùng như một lời nhắc nhở sâu sắc về sự hy sinh "rực cháy lên màu hoa đỏ phía hoàng hôn" của thời chiến tranh. Bài hát mở đầu bằng lời tự sự về người lính "ra đi từ mái tranh nghèo", "mẹ già mỏi mắt nhìn theo" anh ra đi chiến trường và "từ đó không về", "tên anh khắc vào đá núi"... Ám ảnh với người nghe là hình ảnh cuối bài hát "Ngọn núi nơi anh ngã xuống/ Rực cháy lên/ Màu hoa đỏ phía rừng xa/ Rực cháy lên/ Màu hoa đỏ trước hoàng hôn" hết sức sâu lắng và xúc cảm.

Anh chiến sĩ từ giã quê hương, mẹ già ra đi theo tiếng gọi của non sông và mãi mãi hóa thân thành "đá núi", "mây ngàn" "bóng cây tre" và màu hoa đỏ ấy còn là màu của chiều biên cương trắng trời sương núi. Và hình ảnh mẹ già thật xúc động trong tình cảm riêng - chung chứa chan tình mẫu tử thiêng liêng hòa vào tình yêu quê hương, đất nước. Sự hy sinh cao cả của người lính, sự hy sinh của người mẹ còn cao cả hơn làm xúc động lòng người. Vì thế, chiến tranh đã lùi xa, những hy sinh mất mát đã nằm yên trong quá khứ nhưng mỗi khi bài hát "Màu hoa đỏ" vang lên trong những ngày tháng bảy tri ân, là nghe như lời đồng vọng của một thời hào hùng lịch sử. Đó không chỉ ca ngợi những người lính ra đi mãi mãi mà còn nhắc nhớ những người hôm nay về hai tiếng tri ân, tự hào... nữa mà đã hóa thành màu của cả những người ở lại.

"Cỏ non Thành cổ", một ca khúc của nhạc sĩ Tân Huyền với sự da diết, sâu lắng về giai điệu, ca từ giản dị nhưng sức đồng vọng của nó lại lan tỏa và đọng lại theo thời gian. "Cỏ non Thành cổ" chính là tiếng lòng, là cảm xúc tận cùng trái tim của hàng triệu gia đình Việt Nam sau chiến tranh, đặc biệt tại mảnh đất Thành cổ Quảng Trị… Mở đầu khúc ca là cảnh yên bình, giàu sức sống của vùng đất vừa đi qua chiến tranh với hình ảnh "một màu xanh non tơ", "cỏ mềm theo gió đung đưa". Nhạc sĩ Tân Huyền dẫn dắt người nghe như dồn nén của cảm xúc, có sự bồn chồn, có một nỗi buồn mênh mang đằng sau sự bình yên ấy là hiện thực khốc liệt của chiến tranh "Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ/Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về".

Sự hy sinh, mất mát như thấu vào tâm can người vợ, người mẹ, "cỏ non" hôm nay, tại nơi này là "một thời máu đổ". Sự hy sinh, ra đi mãi mãi của người lính mang theo hình ảnh khắc ghi bầu trời Tổ quốc, là hình ảnh quê hương "nắng dài bãi cát/Gió lộng xôn xao sóng biển đu đưa". Những giai điệu ấy càng thấu cảm lặng sâu vào lòng người nỗi đau mất mát, xót xa. Nhạc sĩ Tân Huyền đã sáu lần sử dụng hình ảnh "cỏ non", khắc họa giữa không gian hiện tại và không gian hồi tưởng "Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ". Vì vậy, giai điệu trầm hùng, bi tráng của ca khúc "Cỏ non Thành cổ" như tựa lời Tổ quốc và nhân dân tiễn biệt và tri ân những đứa con của quê hương đi vào cõi bất tử. Các anh mãi mãi đã về trong lòng đất Mẹ Thành cổ…

Hình tượng người lính trong các ca khúc - vẫn là nguồn cảm hứng vô tận thời hậu chiến. 

Những ngày tháng bảy, trong không khí linh thiêng của ngày thương binh - liệt sĩ, còn rất nhiều những giai điệu nữa để tất cả cùng thắp một nén tâm nhang thành kính, tri ân. Còn biết bao câu chuyện, những mảnh đời, thân phận đã được các nhạc sĩ kể lại bằng âm nhạc, chất chứa những suy tư, tình cảm về một thời hào hùng trong khói lửa chiến tranh, để lại những dư vị sâu lắng lan tỏa đến ngày hôm nay. "Vết chân tròn trên cát" của Trần Tiến, "Hát về anh" của Thế Hiển, "Người mẹ" của Lê Vinh, "Mùa hoa cải" của Xuân Hồng, "Mùa xuân" của Phạm Minh Tuấn… là những lời ca dành cho những người chiến sĩ đã ngã xuống hay để lại một phần thân thể nơi chiến trường trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc luôn khiến người nghe một niềm cảm xúc thành kính, biết ơn và có sức truyền cảm mạnh mẽ.

Những khúc ca ấy là câu chuyện ẩn chứa thông điệp nỗi đau của sự mất mát, sự hy sinh cao cả và thông qua các ca khúc đó, mỗi người đều cảm nhận được một sức sống mới như cỏ vẫn lên xanh ở những nơi từng hứng mưa bom lửa đạn (Cỏ non Thành cổ) hay có những người thương binh trở về "tàn nhưng không phế", họ hòa nhập cộng đồng và góp sức mình cho sự phát triển của đất nước (Vết chân tròn trên cát); đồng thời những thế hệ hôm nay và mai sau vẫn luôn biết ơn những người đã hiến dâng đời mình cho đất nước (Hát về anh)…

Lắng đọng trong từng giai điệu tự hào trong những ngày tháng bảy tri ân. Những giai điệu ấy ngợi ca cho sức mạnh và sự trường tồn của dân tộc, của đất nước. Là ngợi ca sự hy sinh của những năm tháng chiến tranh hào hùng vẫn ngân lên trong hôm nay và cả mai sau... Tháng bảy. Những giai điệu tri ân và tự hào…

THẢO NGUYÊN