Báo Công An Đà Nẵng

Những "hoa tiêu" trên cảng cá

Thứ hai, 19/01/2015 08:30

(Cadn.com.vn) - Hướng dẫn tàu thuyền cập cầu cảng an toàn, trật tự hay nhảy thoăn thoắt từ tàu này qua tàu khác để ghi số hiệu tàu thuyền... là những công việc chính mà Đội điều độ tàu thuyền Cảng cá Thọ Quang (TP Đà Nẵng) vẫn thực hiện hằng ngày.

Đội điều độ tàu thuyền Cảng cá Thọ Quang được thành lập vào năm 2010, 2 năm sau khi Âu thuyền Thọ Quang được sáp nhập với Xí nghiệp quản lý và khai thác Cảng cá Thuận Phước. Nhiệm vụ chính của Đội điều độ là giúp cho việc tàu thuyền kẹp cầu cảng và chuyển cá vào chợ đầu mối được trật tự và từng bước đi vào nền nếp.

Anh Lê Quốc Đạt, Đội phó Đội điều độ cho biết: "Đội điều độ có tổng cộng 7 người, gồm 1 đội trưởng và 2 đội phó. Hai ca trực chính trong ngày từ 8 đến 20 giờ và từ 20 giờ đến 8 giờ sáng ngày hôm sau. Với ca ngày, Đội điều độ phân công 1 người trực. Ca đêm với giờ cao điểm tàu thuyền ra vào Cảng từ (22 đến 4 giờ) Đội phải phân công 2 người trực. Số người trong các ca trực được linh hoạt tăng cường  vào các ngày mà lượng tàu thuyền vào Cảng tăng đột biến".

Anh Đạt sinh tại Hà Nam, theo cha mẹ vào Đà Nẵng sinh sống từ năm 1979. Với thâm niên gần chục năm làm nhân viên thu phí tại Xí nghiệp quản lý và khai thác Cảng cá Thuận Phước, anh Đạt được cấp trên tin tưởng giao trọng trách là Đội phó Đội điều độ. Mái tóc "muối tiêu" cùng làn da đen sạm vì nắng và gió của biển, trông anh già hơn so với tuổi 43 của mình. Trò chuyện với chúng tôi song ánh mắt vẫn luôn hướng ra 3 cầu cảng chính, anh chia sẻ về kỷ niệm trong những lần ngư dân miền Trung gặp nạn trên biển: "Thương nhất là những khi bão tố, chứng kiến cảnh tàu thuyền của ngư dân chở thi thể bạn tàu vào cập cảng, lòng mình cũng buồn không thua gì thuyền viên trên tàu. Biển thì mênh mông vô chừng, cứ gặp sóng to gió lớn thì tính mạng ngư dân như chuông treo mành chỉ".

Anh Hưng đôi khi phải hét đến khản cổ để hướng dẫn tàu thuyền.

Còn với Đội phó Nguyễn Ngọc Hưng (25 tuổi), như chính anh tâm sự thì cái nghề "làm bạn" với tàu thuyền này như là mối lương duyên: "Mình quê gốc ở Tuyên Hóa (Quảng Bình), học hết lớp 12 thì vào Đà Nẵng tham gia nghĩa vụ quân sự tại Trạm Biên phòng 252. Nhờ có kinh nghiệm trong công tác Biên phòng nên mình xin được vào làm trong Đội điều độ. Mới đó mà hơn 3 năm rồi".

Theo anh Hưng, khi tàu muốn vào cảng cá thì trước tiên phải khai báo với Trạm Biên phòng Mân Quang. Sau khi được các chiến sĩ Biên phòng cho phép, tàu tiếp tục nổ máy chạy thẳng vào 1 trong 3 cầu cảng. Lúc này, nhân viên Đội điều độ ngồi trong trạm chính đầu cầu cảng số 1 phải ra hướng dẫn cho các tàu khác di chuyển tạo khoảng trống cho tàu mới vào kẹp cầu. Khi đó, chủ tàu sẽ lên trạm đăng ký tên để được Đội điều độ cấp thẻ bán cá theo thứ tự phân lô trong chợ đầu mối. "Số hiệu tàu và giờ kẹp cầu phải được ghi chép cẩn thận vì nhân viên của Đội thu phí trong chợ sẽ đối chiếu để sắp xếp chỗ ngồi bán cá cho các đầu nậu và chủ tàu đúng thứ tự, tránh tình trạng tranh giành gây mất trật tự trong chợ", anh Hưng chia sẻ.

Không rời mắt khỏi các cầu cảng.

Tàu thuyền ra vào cảng có rất nhiều loại phân theo cách thức đánh bắt thủy sản. Và với đặc thù công việc của Đội điều độ thì các anh phải nắm bắt hết cách phân biệt tàu. Từ tàu giã cào, lưới cản, lưới vây đến lưới quét hay bùng nhùng... các anh đều nhận diện được ngay từ khi tàu vừa vào cảng. Trên lý thuyết thì với 58ha mặt nước của Âu thuyền Thọ Quang sức chứa là 876 tàu. Tuy nhiên, theo các anh thì trong những ngày mưa bão, lượng tàu thuyền vào neo đậu có khi lên đến gần 2.000 chiếc. Đó là những lúc mà các anh phải băng qua màn mưa, nhảy trên các mạn tàu để ghi số hiệu tàu. Những lúc như vậy thì không những mắt phải thật tinh mà đôi chân phải bước đi thật chắc chắn vì mạn tàu trơn trượt và gió lớn khiến cho tàu lắc lư mạnh.

Đang ngồi trong trạm của Đội điều độ, phát hiện thấy 1 đôi tàu giã cào của Quảng Ngãi tiến vào cảng, hai anh Hưng và Đạt vội cầm sổ ghi chép chạy thẳng ra cầu cảng số 1. Cùng với loa phát thanh  trên tay, các anh nhảy lên mạn tàu và nhanh chóng mất hút dưới màn mưa lất phất. Lúc này đã gần 3 giờ sáng, trời càng lúc càng lạnh.

Nguyễn Tấn Việt