Báo Công An Đà Nẵng

Những học trò “chơi dại” trong mùa đại dịch

Thứ sáu, 07/02/2020 20:30

Khoảng 10 giờ 50 ngày 4-2 Phòng An ninh chính trị nội bộ (ANCTNB) CA tỉnh Lâm Đồng nhận được tin, tài khoản facebook Tran Viet Hoang đăng tải phiếu trả lời kết quả xét nghiệm của bệnh nhân Nguyễn Hoàng Anh với kết quả “dương tính với virut Corona”. Sau khi làm việc với Sở Y tế Lâm Đồng, lực lượng an ninh xác định, đến ngày 4-2 địa bàn Lâm Đồng chưa có trường hợp nào cách ly do lây nhiễm virus Corona nên thông tin đăng tải trên trang facebook Tran Viet Hoang là giả.

Để làm rõ, ngăn chặn thông tin giả lan truyền, Phòng ANCTNB đã nhanh chóng xác định tài khoảng facebook Tran Viet Hoang là tài khoản cá nhân của em T.N.V.H. học sinh lớp 11 Trường THPT Herman Gmeiner Đà Lạt. Tại cơ quan CA em H. cho biết, khuya ngày 3-2 H. đã đăng tải hình ảnh có nội dung phiếu trả lời kết quả xét nghiệm của Khoa xét nghiệm- Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng với tên bệnh nhân là Nguyễn Hoàng Anh và kết quả xét nghiệm là “Dương tính – tìm thấy RNA của CORONA VIRUT MỚI” lên trang facebook cá nhân và chia sẻ đến 1 nhóm facebook và 2 người bạn. Hình ảnh này đã thu hút 140 lượt xem và tương tác. Đến khoảng 10 giờ ngày 4-2 em H. đã xóa bài viết này.

Hình ảnh giấy trả lời kết quả xét nghiệm giả được em H.A. chỉnh sửa rồi gửi cho bạn bè và các học sinh được triệu tập vì liên quan đến đăng tải hình ảnh giấy trả lời kết quả xét nghiệm giả.

Về nguồn gốc của tấm hình chụp phiếu trả lời kết quả xét nghiệm mà H. đăng tải, H. cho biết đã lấy lại từ trang facebook Trần Hùng. Tiếp cận với chủ nhân của facebook Trần Hùng, em T.Đ. cùng là học sinh lớp 11 Trường THPT Herman Gmeiner Đà Lạt cho biết đã nhận hình ảnh qua tin nhắn messenger của 1 bạn có facebook Khang Nguyễn gửi tới và Đ. đã đăng tải lên trang facebook cá nhân của mình từ khuya ngày 3-2. Ngoài việc đăng tải trên trang facebook cá nhân, Đ. còn gửi hình ảnh đến 3 nhóm khác trên facebook.

Phòng ANCTNB sau đó cũng đã làm rõ tài khoản facebook Khang Nguyễn là của em N.Q.B.K. học sinh lớp 11 Trường THPT Chi Lăng (Đà Lạt). Khai báo với cơ quan CA em K. cho biết khuya ngày 3-2 nhận được tin nhắn từ facebook Nguyen Tran Tuan Anh gửi đến kèm theo hình ảnh, K. không kiểm chứng nguồn gốc mà chia sẻ ngay cho 4 nhóm khác trên facebook với mục đích cảnh báo. Xác minh tài khoản facebook Nguyen Tran Tuan Anh, Phòng ANCTNB xác định chủ nhân của trang facebook này là em N.T.T.A, học sinh lớp 11 Trường THPT Bùi Thị Xuân (Đà Lạt). T.A. cho biết trước đó đã truy cập và tài khoản facebook Lê Tấn Đô là bạn cũ thấy có hình ảnh này nên tải về và chia sẻ đến 1 nhóm và 2 tài khoản là Hoàng Phúc, Khang Nguyễn trên facebook.

Chủ tài khoản facebook Lê Tấn Đô sau đó thừa nhận đã đăng tải hình ảnh phiếu trả lời kết quả giả kèm dòng trạng thái “Chết thằng em rồi” lên trang facebook cá nhân, trang facebook Nguyễn Bảo và 1 nhóm bạn. Đô khai, hình ảnh này được facebook Hoàng Anh chia sẻ qua tin nhắn messenger và bởi tin tưởng Hoàng Anh nên Đô đã đăng hình ảnh và dòng trạng thái để chia buồn với Hoàng Anh. Sau đó biết thông tin là sai sự thật do Hoàng Anh trao đổi lại, Đô đã xóa bài viết trên trang cá nhân.

Đến đây có thể xác định nguồn gốc tấm ảnh chụp phiếu trả lời kết quả xét nghiệm giả xuất phát từ trang facebook Hoàng Anh. Việc tìm ra chủ nhân của trang facebook này không khó và đó là N.H.A, là học sinh lớp 11 Trường THPT Bùi Thị Xuân (Đà Lạt). Ngày 5-2 khi khai báo với cơ quan CA, H.A. cho biết, chiều tối ngày 3-2 H.A. lên trang tìm kiếm Google tìm kiếm hình ảnh liên quan đến nội dung “Giấy xét nghiệm dương tính với virut Corona” và đã tải 1 hình ảnh chụp giấy trả lời kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Nhiệt đới TƯ. Thực chất đây cũng là hình ảnh chụp giấy trả lời kết quả giả. H.A. sau đó đã chỉnh sửa hình ảnh, đổi tên bệnh nhân thành tên mình, nơi xét nghiệm thành Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng rồi gửi hình ảnh qua tin nhắn messenger đến 2 nhóm facebook. Từ đây hình ảnh và thông tin sai sự thật được lan truyền đến các tài khoản facebook mà lực lượng CA đã làm rõ như trên. H.A. thừa nhận chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc mà chỉ chia sẻ để đùa giỡn bạn bè. Sau đó H.A. cũng đã trao đổi để bạn bè biết đó là thông tin giả.

Trò đùa của các cô cậu học trò đã vô tình tạo thêm nỗi lo sợ cho mọi người, nhất là vào thời điểm các cấp, các ngành đang ra sức phòng chống sự lây lan của dịch nCoV. Qua sự việc này mới thấy, trong thời đại thông tin bùng nổ, sự quan tâm, theo dõi, giáo dục của nhà trường, gia đình với các  học sinh về cách tiếp cận, lựa chọn thông tin trên mạng xã hội là rất quan trọng.

ĐỨC HUY