Báo Công An Đà Nẵng

Những ký ức tươi nguyên

Thứ hai, 16/03/2020 14:31

(ĐỌC TẬP SÁCH TÙY BÚT VÀ TẢN VĂN GIÓ THỔI TỪ MIỀN KÝ ỨC- UÔNG THÁI BIỂU- NXB HỘI NHÀ VĂN NĂM 2019)

Tập Tùy bút và tản văn Gió thổi từ miền ký ức của nhà báo Uông Thái Biểu, là những trang viết đầy đặn về lịch sử, văn hóa, cảm thức đối với từng con người, vùng đất trên nhiều nơi dấu chân anh đi qua. Và với những giá trị văn hóa đã nằm sâu trong máu, trong nước mắt người cảm thụ, từng trang viết trong tập sách lại một lần nữa đưa người đọc ngược dòng văn hóa, khai phá và mở mang thêm trong tâm hồn mình bao dấu mốc của sự đứng yên hay dịch chuyển của con người, ảnh hưởng đến sự thay đổi của những vùng đất và văn hóa, lối sống. Những con người tác giả đã gặp, họ có thể là một người nổi tiếng nhưng cũng là một người bình thường tình cờ đâu đó. Đời người như một chuyến đi rất xa mà lại gần đến độ cảm nhận được hơi thở của mình đã hòa với vạn vật vào một ngày nào đó. Sự chiêm nghiệm về những giá trị văn hóa đã chưng cất từ bao đời nay, được tái hiện lại trong từng dòng tùy bút được chắt lọc kỹ lưỡng về cả câu, từ, cấu tứ. Với một người có nhiều năm lăn lộn từng trải trong nghề báo, với những chuyến đi phượt một mình về những vùng sâu, vùng xa, cảm nhận và tích trữ cho mình một vốn kiến thức sâu rộng và độ am hiểu bản sắc văn hóa vùng miền khá nhạy bén, nhà báo Uông Thái Biểu đã đúng khi đẩy ký ức tươi nguyên đó trở lại cuộc sống và đặt vào từng trang viết.

Ảnh bìa sách Gió thổi từ miền ký ức.

Gió thổi từ miền ký ức nhắc người đọc về những chân giá trị văn hóa cốt lõi trong cuộc đời. Thiên nhiên, con người, vạn vật… tất cả tồn tại trong tâm thức người bằng những trải nghiệm và bằng sự tích góp xúc cảm. Trong miền giá trị văn hóa vô cùng đó, từ bước chân của những anh hùng, nghĩa sĩ, đến những bước chân của người người hôm nay phủ đầy bazan, trong ngát thơm hương cà-phê trắng buốt màu sữa mẹ. Độc giả có thể tìm thấy “một chút mình” trong đó, đơn giản chỉ là những góp nhặt của người viết, nhưng đây là những góp nhặt đầy nhân văn, trách nhiệm với chính mình và độc giả. Từ đồng bằng sông Hồng, đến Tây Nguyên và có cả một phần miền Trung ruột thịt. Ẩn lấp đâu đó là đôi mắt nhân ái của tác giả muốn trả ơn chính những bước chân mình - đã đưa mình đến nơi cần đến và đã để trái tim mình cảm nhận được đủ đầy cung bậc cảm xúc một con người. Nhiều tùy bút trong tập sách, đọc cứ rưng rưng: “Mùa hoa bần năm cũ; Chợ quê, một đốm lửa thiêng; Bên dòng sông giới tuyến; Cà-phê hồi niệm; Hoàng Sa, chuyện người kể lai; Giấc mơ Chapi; Gió thổi từ miền ký ức, Chuyện nhỏ ở Đà Nẵng…".

Tôi thích lối viết không cầu kỳ, không khuôn mẫu trong văn của Uông Thái Biểu. Đó là để cảm xúc của mình tự chế ngự cảm xúc của người đọc, cuốn họ vào từng trang văn và khi lật dở qua trang khác, là một cuộc chuyển giao cảm xúc liền mạch. Tôi đọc được một sự khát khao và một nỗi nhớ quê da diết trong văn của Uông Thái Biểu. Cái giá trị chừng như chưa bao giờ cũ, là mạch nguồn quê kiểng đã nuôi và chăm chút cho tâm hồn anh, có được những vốn ngôn từ bình dị, chân chất mà đầy đủ nghĩa tự. Có một dòng sông dẫu thay đổi, biến thiên rất nhiều sau nhiều những tháng năm nhưng anh vẫn quay quắt nhớ. Ở đó, có ngọn gió lành đã từng ru anh ngủ buổi thiếu thời trong hơi ấm mơ hồ của mẹ. Là dáng cha gầy tựa cửa ngóng con… và bạt ngàn những ký ức cứ cuộn tràn như thác, tuôn xuống trang văn.

Người sống với nhiều ký ức là một người đã ít nhất một lần tự bước qua bản ngã của chính mình. Thời gian có thể trôi qua và chúng ta ít khi được quay về để chạm phải ngọn nguồn tâm hồn sâu thẳm nhất. Nếu muốn trải nghiệm lại một lần những ký ức đã vụt mất tầm tay, chúng ta, có thể tìm lại được, trong cuốn sách Gió thổi từ miền ký ức.

NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO