Những kỷ vật sống mãi với thời gian
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng An ninh Quảng Đà (Đà Nẵng) đã vượt qua mọi khó khăn, hy sinh góp phần quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Quá trình chiến đấu đã có rất nhiều tấm gương anh hùng với nhiều chiến công vang dội, góp phần tô thắm những trang sử hào hùng của lực lượng CAND. Tại Bảo tàng CAND, còn lưu giữ rất nhiều những kỷ vật của các tấm gương anh hùng của lực lượng Quảng Đà, sống mãi với thời gian để kể cho lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau những câu chuyện về một thời hào hùng của dân tộc.
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành- Thứ trưởng Bộ Công an tham quan phần trưng bày một số kỷ vật của các anh hùng của lực lượng An ninh Quảng Đà (TP Đà Nẵng) trong kháng chiến chống Mỹ. |
1. Cặp lồng của đồng chí Hoàng Văn Lai
Đồng chí Hoàng Văn Lai, sinh ngày 12-5-1923, tại xã Đại Thắng, H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, Trưởng ban An ninh Đặc khu Quảng Đà. Chiếc cặp lồng là vật dụng cá nhân tự trang bị, là hành trang luôn mang theo bên mình để phục vụ sinh hoạt cá nhân đáp ứng yêu cầu công tác chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam- Đà Nẵng trong những thời khắc ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồng chí Hoàng Văn Lai, đã sử dụng chiếc cặp lồng từ năm 1968 - 1975, chiếc cặp lồng khi thì đựng nước, lúc lại đựng thức ăn, có khi lại thành chiếc nồi nấu thức ăn khi đang trên đường hành quân giữa rừng vắng.
Trong chiến đấu đồng chí Hoàng Văn Lai đã luôn mưu trí, sáng tạo lập nhiều chiến công xuất sắc, bảo vệ an toàn căn cứ cách mạng và các đồng chí lãnh đạo, cùng các lực lượng khác giải phóng Đà Nẵng và sau đó đập tan nhiều tổ chức phản động. Vận động quần chúng đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, nhằm đánh đổ ngụy quyền, tiêu diệt bọn ác ôn, lôi kéo lính ngụy quay về với cách mạng. Đồng chí đã cùng đồng đội tổ chức nhiều trận đánh ngăn chặn mạng lưới thám báo, gián điệp, biệt kích xâm nhập vào các vùng giải phóng dò la, nắm tình hình, chỉ điểm, tập kích đánh phá vào hậu cứ của ta. Năm 1975, sau ngày giải phóng, đồng chí tiếp tục làm Trưởng ty Công an tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, chỉ đạo đạo lực lượng Công an tỉnh khám phá hàng chục tổ chức phản động, trong đó đáng chú ý là tổ chức phản động "Việt Nam dân tộc cách mạng Đảng" do Nguyễn Văn Bảy cầm đầu. Ngày 7-7-1978, đồng chí đã chỉ đạo lực lượng Công an tỉnh đồng loạt tấn công vào "mật khu" Nam Yên, xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang, bắt giữ nhiều đối tượng nguy hiểm. Ngày 23-7-1978, đồng chí Hoàng Văn Lai đã hy sinh trên đường vào "mật khu" Nam Yên để chỉ đạo truy bắt số phản động còn lại. Trong quá trình công tác, chiến đấu, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương cao quý. Ngày 27-5-2011, đồng chí được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Những kỷ vật của Nữ Anh hùng LLVTND Ngô Thị Huệ. |
2. Những kỷ vật "nữ tính" của nữ Anh hùng Ngô Thị Huệ
Anh hùng LLVTND Ngô Thị Huệ (bí danh: Minh Hiệp, Bảy), sinh năm 1942, tại làng Hương Phát, xã Hòa Liên, H. Hòa Vang (Đà Nẵng). Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, chị Huệ hoạt động hợp pháp vừa trực tiếp vào nội thành móc nối cơ sở, khai thác tin tức vừa đào tạo mạng lưới điệp viên với hàng chục cơ sở, trong đó có nhiều cơ sở trong hàng ngũ địch. Đồng chí cải trang đủ các loại vai. Để giúp người chiến sĩ tình báo thực hiện thành công những chuyến liên lạc, chuyển tài liệu, tin tức quan trọng, kịp thời phục vụ cho sự chỉ đạo tác chiến của cấp trên trong các chiến dịch, trong từng thời điểm lịch sử, đồng chí đã sử dụng hộp đựng phấn trang điểm, kính râm, bộ áo dài, túi xách... để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Với hộp đựng phấn trang điểm, một bên hộp đựng phấn hóa trang, một bên đựng gương soi. Với chiếc hộp phấn này, khi đang đi trên đường, nếu phát hiện được địch ở xa, muốn theo dõi chúng, chị thường dừng lại vờ lấy hộp phấn ra trang điểm nhưng thực chất là dùng gương để theo dõi địch ở phía sau, xem chúng hành động gì, đồng thời tìm phương án để đối phó. Nhờ vậy, công tác hoạt động điệp báo lúc đang đi trên đường luôn luôn được chủ động và đảm bảo an toàn... Với chiếc kính râm, sẽ có tác dụng làm thay đổi hình dạng khuôn mặt, để bọn địch khó phát hiện trong những lúc hoạt động theo dõi. Với bộ áo dài, chị sử dụng đóng vai nữ sinh trên đường phố, hoặc là vợ của lính. Kỷ vật còn lại là chiếc túi, có 5 ngăn chính và những "ngăn bí mật", chị sử dụng để cất giấu tài liệu...
Trong quá trình hoạt động, chị Huệ đã xây dựng được hàng trăm cơ sở, trong đó có 25 cơ sở trở thành cán bộ, bộ đội, 4 lần diệt 8 tên ác ôn trong lòng địch. Tuy đã 4 lần bị địch bắt, tra tấn đủ mọi cực hình, nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết, không hề khai báo; cứ ra khỏi tù là trở lại hoạt động cách mạng.
3. Khẩu súng AK báng gấp của anh hùng Mai Thị Rân
Đồng chí Mai Thị Rân sinh năm 1951, quê Hòa Hải, H. Hòa Vang (Đà Nẵng), nay là P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn . Năm 1969, chị Rân với vai trò là Tổ trưởng Tổ Trinh sát vũ trang xã Hòa Hải thuộc Ban An ninh H. Hòa Vang vinh dự được cử làm đại biểu chính thức dự Hội nghị An ninh Quảng- Đà, một trong những đại biểu nhỏ tuổi (18 tuổi). Tại Hội nghị này, chị Rân vinh dự được nhận phần thưởng là một khẩu súng AK báng gấp. Khẩu súng này được chị sử dụng trong suốt những ngày tháng chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam- Đà Nẵng từ năm 1969 đến ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3-1975.
Trong quá trình chiến đấu, từ năm 1964 - 1975, chị Mai Thị Rân đã phối hợp cùng đồng đội đánh 20 trận, diệt 25 tên địch. Trong đó có 5 tên Mỹ, 8 cảnh sát ác ôn, 1 an ninh quận, 2 xã trưởng, nhiều tề, điệp báo ác ôn, phá hủy 1 xe Jeep, 1 máy bơm kho dầu lửa, nhiều xe Honda của địch... Với những thành tích xuất sắc trong quá trình công tác và chiến đấu, chị Rân được tặng thưởng 1 Huân chương Giải phóng hạng Ba, 2 lần được bầu là Chiến sĩ Thi đua cấp tỉnh và hàng chục Bằng khen, Giấy khen khác. Ngày 6-11-1978, chị vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND khi mới 27 tuổi.
4. Bộ quần áo, mũ tai bèo của đồng chí Trần Công Dũng
Đồng chí Trần Công Dũng sinh năm 1951, quê quán Đa Mặn, P, Bắc Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, Đội phó Đội Trinh sát An ninh quận III. Trong những năm từ 1969 - 1975. Tại "căn cứ lõm K20" không còn cán bộ cách mạng, cơ sở bí mật do địch càn quét, chiếm đánh gắt gao. Đồng chí Trần Công Dũng cùng với các đồng chí khác từ vòng ngoài bí mật vào lại K20 để móc nối, xây dựng cơ sở cách mạng, đào hầm bí mật... nắm tình hình địch, phục vụ cho công tác đánh địch trước mắt cũng như lâu dài.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đồng chí Trần Công Dũng đã vận động cơ sở cách mạng đào được 8 hầm bí mật, xây dựng 38 cơ sở (28 cơ sở vũ trang chiến đấu, 10 cơ sở nuôi giấu cán bộ), góp phần từng bước giành thế chủ động cho phong trào cách mạng tại K20. Nhờ làm tốt công tác nắm tình hình, đồng chí Trần Công Dũng đã cùng đồng đội diệt hầu hết các tên tay sai, mật báo, chỉ điểm... của Mỹ ngụy tại K20. Đồng chí đã tham gia và chỉ huy 16 trận đánh, diệt 38 tên.
Đầu năm 1972 đồng chí Trần Công Dũng được một cơ sở hợp pháp may tặng bộ quần áo phục vụ ngụy trang, đi lại, lội sông vào ban đêm. Đồng chí đã sử dụng bộ quần áo, mũ tai bèo phục vụ công tác năm 1972. Sau này bộ quần áo được đồng chí giữ gìn trân trọng như những kỷ vật quý giá về cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đó còn là những bằng chứng hùng hồn về một thời hào hùng cùng căn cứ lõm K20.
Với những thành tích đã đạt được đồng chí Trần Công Dũng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương. Ngày 8-1-2009 đồng chí được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Kỷ vật của các anh hùng lực lượng An ninh Quảng Đà không chỉ là di sản văn hóa CAND, mà còn là di sản văn hóa của dân tộc, ghi dấu ấn về quá trình xây dựng chiến đấu và trưởng thành của lực lượng CAND trong kháng chiến chống Mỹ. Tấm gương anh hùng bất khuất, kiên trung mưu trí dũng cảm đã cùng với quân dân cả nước viết nên bản anh hùng ca về mà cả thế giới phải ngưỡng mộ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tô thắm lá cờ truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND cho lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
NAM PHONG