Báo Công An Đà Nẵng

Những lão ngư "độc thủ"

Thứ bảy, 28/06/2014 10:59

(Cadn.com.vn) - Đi tìm những câu chuyện bám biển trong những ngày này, tình cờ chúng tôi gặp hai lão ngư chỉ còn một tay (độc thủ) có cách bám biển rất độc đáo ở P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng.

Người thứ nhất

"Tên tui hả? Răng tui còn một tay mà vẫn đi biển à? Chú hỏi làm gì? Bấy lâu rồi tui vẫn thế, vẫn đi biển, vẫn nhờ ơn biển và vẫn bám biển?". Ông Nguyễn Văn Chính (59 tuổi) trú tổ 24B, Thọ An 1, P. Thọ Quang, người chèo chống con thuyền ĐNa TS-2149 24 CV không để khách kịp trả lời, dẫn dắt câu chuyện như sóng liên tiếp vỗ bờ.

"Tui theo cha lênh đênh trên biển từ khi còn là một đứa trẻ cởi truồng. Rồi khi dựng vợ, sinh con đẻ cái vẫn theo cái nghiệp này. Cho đến một ngày khoảng 18 năm trước, giong thuyền ra biển thì gặp gió to mưa lớn, đứng ở đuôi thuyền kéo lưới, ngã xuống nước, chân vịt cắt mất một bàn tay. Tai nạn nghiệt ngã lấy đi một phần cơ thể, đau đớn vô cùng. Chú biết không, đi biển đòi hỏi người phải khỏe mạnh, nguyên vẹn, đôi bàn tay kéo lưới, cầm lái, nhưng giờ mất đi một tay rồi, biết làm sao. Nhưng, kệ, không đi tiếp thì ai nuôi con. Vả lại, ngư dân mấy đời như tui làm răng xa biển cho được...".

Lão ngư đặc biệt Nguyễn Văn Chính chuẩn bị ra với biển.

Quyết tâm có thừa, yêu biển vô bờ, vậy mà trong một lần chán nản, ông Chính muốn bỏ cuộc, không đi biển nữa, kiếm cái nghề gì khác ở trên bờ mà làm ăn. Lúc đó cậu con trai của ông là Nguyễn Văn Thống, giờ đã là một kiến trúc sư, đi học về đọc bâng quơ bài thơ của Bác Hồ: "Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/quyết chí ắt làm nên", ông Chính ôm chầm lấy con mà nước mắt ngắn dài: có khó chi nữa, cái chi quyết tâm thì cũng làm được, dù khó khăn đến mấy.

Cuộc chuyện trò rôm rả về câu chuyện biển đảo, về "tọa độ nóng", về những người đang ngày đêm canh giữ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc khiến lão ngư  mắt bừng sáng: "Tui đánh bắt gần bờ, tuy không ra ngư trường Hoàng Sa nhưng tâm trí tui lúc nào cũng hướng về đó cả. Chú thử nói xem, tàu nhỏ, thuyền nhỏ thì làm việc nhỏ, nếu tui có thuyền lớn thì nhất quyết tui sẽ giong thẳng ra khơi xa. Đã là ngư dân thì ai không mơ ước đóng tàu lớn, nghênh con sóng dữ, câu con cá lớn chứ. Đó là cái máu nghề nghiệp mà. Nhưng hơn hết, biển của ta, đảo của ta thì ta đi ra đó đánh bắt. Chú thấy tui nói vậy có hợp lý không?".

Chuyện người thứ hai

Lão ngư Ngô Văn Em (62 tuổi) chào đón khách bằng một giai điệu ghi-ta quen thuộc, bài hát "Chút thư tình người lính biển". Ngón đàn điêu luyện, luyến láy. Dường như thấy tôi vẫn còn hơi nghi ngờ, ông chơi tiếp đàn bầu, nhị, sáo, trống... Ông Em là một ngư dân đặc biệt, đặc biệt ngay chính ngoại hình của ông. Nhỏ, gầy gò, mất một tay và đôi mắt không được tinh anh như người thường, trái hẳn với những người đi biển mà tôi vẫn tưởng tượng. "Chiều nay tui phải xuất phát, chú may mắn đó. Đến chậm một hồi nữa là tui đi biển rồi, thôi gặp nhau là cái duyên rồi", ông nói.

Lão ngư Ngô Văn Em chào khách bằng một làn điệu về biển đảo.

Không có kinh phí để đóng tàu thuyền lớn, cả nhà trông cậy vào chiếc ghe nhỏ của ông Em. Nhưng đó chỉ là công việc phụ lúc rảnh rỗi, còn việc chính của ông là đi đánh cá cho những chủ tàu lớn. Ông Em bảo rằng, chủ tàu cá lúc nào cũng chọn những chàng trai khỏe mạnh, rắn rỏi, ông là trường hợp đặc biệt. Đến nay đã hơn 50 năm đi biển nên mọi luồng lạch, gió máy ông đều tinh tường, chừng 12 tuổi đã lênh đênh trên biển cả rồi.  Hơn ai hết, con người không mấy lành lặn này luôn có một sự nhiệt huyết với biển cả đến cháy bỏng. Chiến tranh đã lấy đi của ông một bàn tay, nhưng ông vẫn kiên quyết ra khơi vì đi biển đã ăn vào máu thịt của ông rồi. Ông tâm sự: "Ngày đầu chủ tàu thấy tui cũng ái ngại lắm, cái lão vừa già vừa thương tật này thì làm răng mà đi biển được chứ. Đem lão theo trên tàu có khi là một gánh nặng cũng nên. Nhưng, tui nhất quyết xin làm thuyền viên cho bằng được, một chuyến, hai chuyến, rồi ba chuyến... Rứa là họ không còn xem thường cái lão già này nữa".

Ông Em cùng trai tráng xuất hành ra ngư trường Hoàng Sa.

Một số thanh niên đi cùng ông Em bảo rằng, đi biển cùng ông cảm thấy vô cùng an tâm, vì ông là một người có kinh nghiệm dày dạn, hơn hết là cái tài văn nghệ của ông, đã không hát về biển đảo thì thôi chứ hát là cả buổi kéo lưới. Ai nấy nhễ nhại mồ hôi nhưng nghe ông hát thì trút hết được mọi mệt mỏi, một liều thuốc tinh thần đặc biệt giữa biển cả mênh mông. Có lần anh em trên tàu khuyên ông đừng đi nữa vì tuổi đã cao rồi nhưng ông vẫn cương quyết bám trụ, ông nói cứng không được thì lăn ra khóc như một đứa trẻ đòi đến với mẹ biển... Vậy là cả tàu chịu thua.

Tôi tiễn ông ra biển. Chiếc thuyền thúng lắc lư đưa ông cùng những ngư dân ra tàu lớn. Ông nói với lại: "Khi nào rảnh rỗi, ghé nhà tui nghe. Tui vừa sáng tác một bài về biển đảo đó, đến tui hát nghe xem sao".

Vỹ thanh

Có lẽ câu chuyện về lão ngư "độc thủ" này không có gì đáng nói nếu ở trên bờ, nhưng với họ, điều đặc biệt là vẫn bám biển, nhớ ơn biển và đi về phía biển. Cái vẹn nguyên của họ là viết tiếp câu chuyện đẹp biển đảo trên chính thân thể không còn nguyên vẹn...

Bùi Đức Tú