Báo Công An Đà Nẵng

Những mất mát không thể đong đếm

Thứ sáu, 19/07/2019 11:03

Theo lão thành cách mạng Đinh Ngọc Chơn (trú thôn La Châu, xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, Đà Nẵng), mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng chừng ấy thời gian vẫn còn quá ít để có thể xoa dịu những vết thương. Nỗi đau mất người thân vẫn còn hiện hữu trong lòng những người còn sống. Trong những ngày máu lửa ấy, vùng đất biền ven sông Yên quê ông xơ xác lắm, những người kiên trì bám trụ làm cơ sở bí mật chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. “Thế hệ chúng tôi lớn lên vào đúng giai đoạn lịch sử cả đất nước chống giặc ngoại xâm. Kẻ cuốc, người cày, chài lưới ven sông đều thoát ly tham gia cách mạng và không ít người hy sinh ngay trên mảnh đất mà cha mẹ đã sinh ra mình”, ông Chơn ngậm ngùi.

Mẹ VNAH Lê Thị Qua nâng niu di ảnh người thân.

Mẹ VNAH Lê Thị Qua (97 tuổi) nhớ lại, lúc đó, những người đàn ông, thanh niên đều “nhảy núi” theo cách mạng, trong làng còn toàn đàn bà, con nít. Ban ngày, các mẹ tham gia biểu tình, đấu tranh, dò la lịch tuần tra của Mỹ ngụy; đêm về chong đèn báo hiệu cho cách mạng về làng nhận tiếp tế, họp với du kích, cơ sở nội thành. Bên kia sông Yên, từ trên đỉnh núi Bồ Bồ nếu thấy nhà đỏ đèn là an toàn, còn tắt đèn thì ngược lại. Cái ám hiệu đơn giản, với ánh đèn dầu le lói ấy đã giúp bao nhiêu cuộc họp quan trọng, đón người từ chiến khu xuống diễn ra thành công. Với mẹ Qua, ở La Châu không chỉ riêng mình mẹ mà còn nhiều Mẹ VNAH khác như mẹ Lê Thị Hoa, Trần Thị Cửu, Nguyễn Thị Thạc, Huỳnh Thị Cẩm, Phạm Thị Khánh…

Thời ấy, dân làng chỉ vài chục hộ, sống rải rác biền sông. Mỗi lần địch đi càn quét là những căn nhà tạm, vườn tược bị đốt sạch, phá sạch. Để đối phó với giặc, cứ vài ba gia đình lại cùng nhau đào một căn hầm trú ẩn và giao thông hào. Với cách đào hầm bí mật, lỗ thông hơi nằm khuất dưới những lũy tre ven sông nên địch cũng khó phát hiện. Không những cung cấp nhân lực cho cách mạng, mà người dân La Châu còn biết cách phát huy lợi thế về điều kiện và phương tiện đường sông. Một phần nhờ vậy mà dân làng trụ bám được để làm cơ sở cho cách mạng về nắm tình hình, bám địch cho đến ngày quê hương giải phóng.

Đất nước thống nhất, thôn La Châu được Đảng và Nhà nước ghi công 56 Bà mẹ VNAH, 168 liệt sĩ, 14 thương binh và hàng trăm gia đình có công cách mạng. Đó là những mất mát không thể đong đếm được với dân làng. Chiến công, thành tích cho dù nhỏ bé nhưng hòa trong dòng chảy lịch sử đã góp phần tô thắm truyền thống anh hùng, bất khuất của đất và người Hòa Vang trung dũng kiên cường. Bao đau thương trong cuộc chiến đã không làm chùn bước những người sống sót. Bây giờ, họ lại là những người tiên phong cùng với chính quyền địa phương trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

Bí thư chi bộ thôn La Châu Phùng Văn Nhiễu xác nhận, khi địa phương triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống mọi mặt ở nông thôn được nâng lên nhiều. Cái ăn, cái mặc thì từ lâu không phải nghĩ tới nữa, còn đời sống tinh thần cũng dần nâng lên. Đường sá thì khang trang, có điện thắp sáng, có trường học cho mấy đứa nhỏ khỏi phải đi xa, có trạm y tế áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Từ trong cái nghèo, cái khó người dân đã cần mẫn tìm tòi, học hỏi và phát triển thành công các mô hình sản xuất nông nghiệp. Kinh tế nhiều gia đình khá hẳn lên, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn… “Chúng tôi nghĩ rằng, biết bao con người thường ngày vốn bận rộn với cuộc sống mưu sinh nhưng những ngày này, dân làng La Châu như được sống lại quá khứ hào hùng và bi tráng của những năm tháng chiến tranh mỗi khi đến với các gia đình có người hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc”, ông Nhiễu chia sẻ.

Tháng Bảy, 11 Nghĩa trang liệt sĩ với hơn 4 ngàn ngôi mộ trên địa bàn H. Hòa Vang luôn ngạt ngào hương khói và lòng tri ân của người đang sống với những người đã mất. Trong những dòng người đến đây, không chỉ có thân nhân các liệt sĩ, những người đồng đội đi tìm nhau, những người mẹ, người em, người con vẫn rải bước đi tìm người thân, mà giữa cái nắng nóng như thiêu như đốt, rất nhiều người đã tìm về với tấm lòng biết ơn vô hạn.

VY HẬU