Báo Công An Đà Nẵng

Những miền quê "đáng sống"

Thứ tư, 31/03/2021 18:00

Để so sánh về diện mạo vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) hôm nay với trước đây, chúng tôi đã có hành trình tìm gặp nhiều nhân chứng. Và trong mỗi câu chuyện, người dân đều cảm nhận quê hương họ giờ đây đang dần khoác lên mình chiếc áo "thị dân". Minh chứng rõ nét, ngày 9-2 vừa qua, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã công bố Quyết định số 111/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ về điều chỉnh phân loại hành chính H. Hòa Vang từ loại II lên loại I...

UBND H. Hòa Vang đón nhận Quyết định của Bộ Nội vụ về điều chỉnh phân loại hành chính huyện từ loại II lên loại I.

Bà Nguyễn Thị Hoa (68 tuổi, thôn La Bông, xã Hòa Tiến) trải lòng, thời gian sao mà trôi nhanh thế. Mới đó mà đã 46 năm quê hương được giải phóng. Ngày ấy có ngồi ngẫm nghĩ đến mấy, ước mơ đến mấy bà cũng không dám tin quê mình sẽ có được như ngày hôm nay. Cách trở đò giang chỉ là một chuyện, chuyện khác là làng quê nhỏ bé của bà sao lúc đó lại thiếu thốn mọi bề, nhà cửa thì xập xệ, điện thì lúc có, lúc không.

Để đưa được một gánh hàng nông sản qua chợ Túy Loan (xã Hòa Phong) thì người dân quê bà phải dậy từ lúc tờ mờ sáng. Gánh bộ theo các đường ranh ruộng trơn trượt xuống tận bến Thạch Bồ để đi cho kịp chuyến đò. Con cháu bà cũng vậy, phải thức dậy từ lúc 4, 5 giờ sáng cho kịp buổi học ở Trường THPT Ông Ích Khiêm nằm phía bên kia sông Yên... "Còn bây giờ, có cầu Sông Yên nên chúng tôi chỉ cần 10 phút chạy xe máy là chở rau, quả đến chợ Túy Loan rồi", bà Hoa phấn khởi chia sẻ.

Còn ở địa bàn vùng sâu, vùng cao của 2 xã Hòa Nhơn - Hòa Phú, để có được chiếc cầu Diêu Phong kiên cố, người dân đã không tính toán thiệt hơn, tự nguyện hiến đất để xây dựng mố cầu bắc qua sông An Lợi. "Hơn 40 năm định cư ở đây nên chúng tôi thấu hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của bà con mỗi khi đi lại qua sông. Mùa nước cạn, bà con có thể lội bộ nhưng mùa mưa thì nước sông chảy xiết, đi lại rất nguy hiểm. Khi được Nhà nước đầu tư, xây mới chiếc cầu thì bà con vui lắm, bởi không chỉ được đi lại trên chiếc cầu vững chắc, xe tải chạy bon bon mà việc trồng trọt, vận chuyển nông sản của bà con trở nên thuận lợi hơn", lão nông Trần Tám (72 tuổi, thôn Hội Phước, xã Hòa Phú) bộc bạch...

Cùng với đó, khi những con đường liên thôn, liên xã được bê-tông hóa giúp cho việc đi lại giữa những vùng miền trở nên dễ dàng hơn thì người dân đua nhau đưa về những tiện nghi vật chất mà trước đây hiếm thấy. Internet giờ cũng được kết nối về tận làng. Ngày xưa, nhà nào có được chiếc ti-vi đen trắng sử dụng bằng nguồn điện bình ắc-quy là "quách" lắm rồi. Còn bây giờ, khi mà điện lưới quốc gia vào tận từng nhà thì chuyện chiếc ti-vi màu màn hình phẳng chỉ còn là chuyện nhỏ. Ngày ấy, nhà nào mua được chiếc xe máy thì quả đúng là chuyện lớn của làng. Còn bây giờ, chiếc xe máy phần lớn được người dân xem là phương tiện vận chuyển, giúp giải phóng sức lao động để đưa những sản phẩm nông nghiệp của mình đến với thị trường một cách nhanh nhất...

Có thể thấy, những lớp người cao niên như bà Hoa, ông Tám và nhiều người khác đã cảm nhận hết sự đổi thay của quê hương họ theo thời gian, đời sống mọi mặt ở nông thôn bây giờ đã được nâng lên rõ rệt; nhất là 10 năm trở lại đây khi địa phương triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ trong cái nghèo, cái khó người dân đã cần mẫn tìm tòi, học hỏi và phát triển thành công các mô hình sản xuất.

Khu phố đêm Túy Loan (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang) được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2020 đáp ứng nhu cầu của người dân.

Kinh tế nhiều hộ gia đình khá hẳn lên. Bà Ngô Thị Phi (84 tuổi, thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú) xác nhận thêm, trong các năm 1977, 1978, vợ chồng bà và gần 600 hộ dân khác ở vùng nội thành tự nguyện lên đây theo chủ trương giãn dân xây dựng 5 làng kinh tế mới. Lúc đó, cơ sở hạ tầng nơi đây chỉ là con số "không"... Bây giờ, bà đã trở thành chủ của một đại gia đình gồm 4 thế hệ nhưng "cái ăn, cái mặc" vẫn đủ đầy, cháu chắt được học hành đến nơi, đến chốn. Quả thật, vợ chồng bà đã không uổng công khi quyết định di dân lên miền núi heo hút này lập nghiệp.

Qua mỗi câu chuyện, mỗi con người, chúng tôi hiểu rằng, mỗi tấc đất Hòa Vang hôm nay đã phải đổi bằng mồ hôi, công sức của nhiều người đi trước. Nhìn lại chặng đường đã qua, một khoảng thời gian chưa phải là dài, nhưng đó lại là quãng thời gian để người dân nông thôn, miền núi sáng tạo, cần cù và chắt chiu rút dần khoảng cách với người dân thành thị.

Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 55,1 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới còn 0%, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm đạt 97,25%... Và rõ ràng bằng "ý Đảng, lòng dân" thì đây là kết quả tương xứng cho sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân trong hành trình xây dựng, phát triển quê hương Hòa Vang ngày càng văn minh, giàu mạnh và trở thành những miền quê "đáng sống".

VY HẬU