Những năm tháng không thể nào quên
Ra đời từ tháng 10-1948, trải qua những năm tháng khó khăn, gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt, Văn phòng Khu ủy Khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phục vụ Khu ủy, phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chỉ đạo, phối hợp quân, dân miền Trung-Tây Nguyên đoàn kết, đấu tranh thắng lợi, góp phần to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, tháng 10-1975, Văn phòng Khu ủy Khu 5 có quyết định giải thể; toàn bộ ngân quỹ, tài sản còn lại Văn phòng được bàn giao lại cho cơ quan đại diện và ban, ngành chức năng; toàn bộ hồ sơ, tài liệu quan trọng lưu trữ được thống kê, sắp xếp và chuyển giao về Văn phòng Trung ương Đảng.
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam về dự Hội nghị học tập nghị quyết tại Khu ủy 5 ngày 10-8-1972 (ảnh do gia đình đồng chí Vũ Văn Đoàn, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh Quảng Nam cung cấp). |
Gần 30 năm chiến đấu, công tác, cán bộ, nhân viên Văn phòng Khu ủy Khu 5 đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh, khó khăn, thiếu thốn trăm bề, sốt rét, bệnh tật, liên tục địch càn quét đánh phá, rải chất độc hóa học, hy sinh, tổn thất nhiều, song vẫn một lòng trung thành, tin tưởng tuyệt đối với Đảng, cách mạng. Trong các cuộc kháng chiến gian khổ ấy đã có 63 đồng chí hy sinh, một số đồng chí đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt; hơn 100 đồng chí là thương binh, bệnh binh, phần lớn cán bộ, nhân viên bị nhiễm chất độc hóa học... Để ghi nhận những cống hiến lớn lao ấy, cán bộ, nhân viên Văn phòng Khu ủy Khu 5 đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng hàng nghìn huân, huy chương các loại; hàng trăm danh hiệu chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng; gần 1.000 kỷ niệm chương và 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu AHLLVT quân giải phóng miền Nam năm 1966.
Theo các tài liệu để lại thì sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ đã hất cẳng Pháp, đưa Ngô Đình Diệm về nước lập chính phủ bù nhìn, âm mưu xé bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, đàn áp phong trào cách mạng và chia cắt lâu dài đất nước ta, Văn phòng Khu ủy đã kịp thời tham mưu cho Thường vụ Liên Khu ủy tổ chức Hội nghị Liên Khu ủy mở rộng từ ngày 27 đến 28-7-1954 để quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị về tổ chức lại bộ máy lãnh đạo và phương châm đấu tranh thời kỳ mới của cách mạng. Những năm 1955 - 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm phát động chiến dịch "Tố cộng, diệt cộng" ở miền Nam, trọng tâm là địa bàn các tỉnh ven biển miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Thuận. Chúng đánh phá, bắn, giết kéo dài với phương châm "thà giết nhầm còn hơn bỏ sót, gây thiệt hại không nhỏ cho phong trào cách mạng: Có tới 40% tỉnh ủy viên, 60% huyện ủy viên và trên 70% cán bộ xã bị địch bắt, thủ tiêu thậm chí nhiều xã không còn cán bộ lãnh đạo. Trước tình hình đó, Văn phòng Khu ủy đã tập trung mọi nỗ lực thu thập thông tin, nắm tình hình, kịp thời tổng hợp mọi diễn biến lớn trên địa bàn Liên khu để tham mưu cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo củng cố phong trào cách mạng của Liên Khu ủy; tham mưu xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang ở miền núi với nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, bảo vệ nhân dân. Tháng 9-1960, đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Liên Khu ủy, Trưởng Ban Quân sự Liên khu ra chỉ thị mở đợt hoạt động vũ trang cao điểm, phát động quần chúng phá kềm, mở rộng và xây dựng Tây Nguyên cùng miền Tây của các tỉnh đồng bằng trở thành khu căn cứ tương đối hoàn chỉnh, mở đường hành lang chiến lược Bắc - Nam và Đông-Tây. Kết quả là trong năm 1960, ở miền núi ta đã đánh 55 trận, diệt 44 trung đội địch, phá hàng chục khu đồn bốt và giải phóng trên 45 vạn dân. Ở đồng bằng đã đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng.
Năm 1961, Mỹ triển khai "Chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu chỉ đạo trên chiến trường, Văn phòng Khu ủy đã tham mưu phục vụ Liên Khu ủy tổ chức nhiều hội nghị quan trọng bàn về công tác đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, xây dựng căn cứ địa, giữ vững đồng bằng. Nhờ những quyết sách đúng đắn, quân ta liên tiếp giành chiến thắng: Tháng 9-1962, giải phóng 3 xã: Sơn-Cẩm-Hà (huyện Tiên Phước, Quảng Nam); tháng 4-1963, đánh bại cuộc càn quét quy mô lớn của 3 tiểu đoàn địch vào cơ quan đầu não của ta tại Mật khu Đỗ Xá, diệt 600 tên địch, bắn rơi 20 trực thăng, thu nhiều vũ khí. Tình đến cuối năm 1964, ta đã phá 2.100 ấp chiến lược, giải phóng và làm chủ 2,5 triệu dân ở cả 3 vùng... Những thắng lợi liên tiếp đó đã động viên toàn đảng bộ, quân dân tranh thủ thời cơ liên tục tấn công địch.
Thế hệ trẻ về nguồn thăm khu di tích Nước Oa để hiểu thêm về lịch sử hào hùng của cha ông. |
Tháng 3-1965, Mỹ và các nước chư hầu tiến hành Chiến tranh cục bộ ở miền Nam, mở rộng đánh phá miền Bắc, Văn phòng Khu ủy đã tham mưu mở đợt sinh hoạt chính trị toàn Khu, học tập lời kêu gọi của Bác Hồ, thư của Đảng; giữ vững lập trường tư tưởng, tổ chức, làm cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân dám đánh Mỹ, biết đánh Mỹ đồng thời cử nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống các chiến trường có Mỹ đóng quân để nghiên cứu, nắm tình hình báo cáo Thường vụ và giúp các địa phương kế hoạch đánh Mỹ. Với quyết tâm cao, tháng 5-1965, quân ta đã làm nên chiến thắng Núi Thành-Trận đầu đánh Mỹ, diệt 1 đại đội Mỹ, giải tỏa tâm lý và khẳng định lòng tin quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Tháng 8-1965, ta đánh bại cuộc hành quân tìm diệt của địch trong trận Vạn Tường (Quảng Ngãi), diệt 900 tên Mỹ, bắn rơi 13 máy bay lên thẳng, diệt 22 xe tăng, xe bọc thép.
Để chuẩn bị cho Chiến dịch Mậu Thân 1968, Văn phòng Khu ủy đã tham mưu cho Thường vụ Khu ủy thông qua các phương án kế hoạch và bám sát diễn biến tình hình các chiến trường, tổng hợp thông tin báo cáo phục vụ theo yêu cầu của lãnh đạo; đã bảo đảm nhu cầu vật chất, các nhu yếu phẩm phục vụ hoạt động của cơ quan tiền phương và cơ quan hậu phương của Văn phòng trước, trong và sau chiến dịch; bố trí lực lượng, máy móc phục vụ mạng liên lạc của cơ quan chỉ đạo tiền phương và cơ quan hậu phương của Văn phòng, giữa Văn phòng Khu ủy với Văn phòng Trung ương. Trong chiến dịch Mậu Thân ở Khu 5, quân ta đã tấn công vào 13 thành phố, thị xã, 28 quận lỵ, thị trấn, diệt và làm bị thương và tan rã 4 vạn tên địch. Tấn công 19 sân bay, 35 trận địa pháo, 50 khu kho, phá hàng trăm máy bay và rất nhiều phương tiện chiến tranh của địch; đấu làm chủ trên 20 vạn dân các vùng tranh chấp, vùng địch kiểm soát; góp phần cùng miền Nam giáng đòn quyết định vào ý đồ xâm lược của Mỹ ngụy, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán.
Sau Hiệp định Pa-ri năm 1973 ký kết, địch không từ bỏ dã tâm, tiếp tục âm mưu đánh phá, lấn chiếm các vùng giải phóng của ta. Văn phòng đã phân công cán bộ theo dõi, tổng hợp kịp thời tình hình, diễn biến trên các chiến trường, âm mưu, thủ đoạn đánh phá của địch, tham mưu cho Khu ủy chỉ đạo các địa phương, đơn vị vũ trang tập trung lực lượng chống lấn chiếm của địch, tổ chức cắm cờ giữ vững các vùng giải phóng của ta. Đến cuối năm 1973, ta đã đánh diệt hàng vạn tên địch, buộc địch rút bỏ 150 đồn bốt, chốt điểm, đưa trên 25 nghìn người dân về vùng giải phóng và giành lại thế làm chủ trên chiến trường. Đặc biệt trong tháng 8 và 9-1974, Văn phòng đã tập trung theo dõi sát diễn biến, kịp thời báo cáo, tham mưu cho Thường vụ chỉ đạo thắng lợi Chiến dịch Thượng Đức, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong so sánh lực lượng địch - ta ở chiến trường Khu 5.
Tháng 11-1974, Trung ương Đảng họp phân tích tình hình, thời cơ chiến lược mới và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976. Với tinh thần đó, Văn phòng Khu ủy gấp rút triển khai phục vụ kế hoạch mùa khô 1975 và chiến dịch giải phóng miền Nam; động viên cán bộ, nhân viên quyết tâm phục vụ vô điều kiện cho chỉ đạo, đảm bảo không để thiếu người, thiếu phương tiện. Ngày 14-3-1975, theo chỉ đạo của đồng chí Võ Chí Công, Văn phòng Khu ủy đã thảo điện, cơ yếu, điện đài tổ chức chuyển ngay điện về Trung ương với nội dung: "Địch đã rút bỏ Tây Nguyên có khả năng sẽ rút bỏ Huế, đề nghị Trung ương đưa lực lượng vào đánh giải phóng Đà Nẵng", sau đó tổ chức đưa đồng chí Võ Chí Công từ căn cứ Khu xuống cơ quan Tỉnh ủy Quảng Đà ở Hòn Tàu, rà soát lại kế hoạch tấn công giải phóng Đà Nẵng. Chiều ngày 29-3-1975, đồng chí Võ Chí Công và một số cán bộ của Khu vào Đà Nẵng nắm tình hình và chỉ đạo tiến công giải phóng và tiếp quản Đà Nẵng.
Sau giải phóng Đà Nẵng, Văn phòng Khu ủy Khu 5 tiếp tục phục vụ đắc lực và kịp thời sự chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy tiến công giải phóng toàn bộ 9 tỉnh của Khu 5, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30-4-1975.
K.T