Báo Công An Đà Nẵng

Những nẻo đường đêm (2)

Thứ ba, 03/03/2015 09:38

* Bài 2: "Bán giấc ngủ" mưu sinh

(Cadn.com.vn) - Với nhiều người sống về đêm, một giấc ngủ yên bình như lẽ thường tình cũng thật khó khăn. Bởi đó là thời điểm họ phải căng sức cho cuộc mưu sinh cơ cực.

20 năm trắng đêm

Quán cà-phê, điểm tâm của chị Nguyễn Thị Toàn (54 tuổi) nép mình trong một góc nhỏ của chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng). Vài phụ xe chở rau củ từ Gia Lai mới xuống lúc 2 giờ, họ ghé quán ăn tô mì tôm lót dạ hoặc uống vội ly cà-phê trước khi bắt tay vào công việc. Càng về sáng, chợ càng xôm tụ, lượng người vào quán cũng đông lên, đấy là lúc công việc của chị tất bật hơn. Trong câu chuyện ngắt quãng liên tục vì phải tất bật phục vụ khách, chị Toàn kể, đã 20 năm nay chị đều thức trắng đêm để mưu sinh. Thức miết cũng quen, nên không thấy mệt mỏi, giờ thì đêm mới là ngày của chị. "Vì chợ hoạt động về đêm nên mình cũng phải bu bám theo thì mới có khách. Bây giờ việc buôn bán khó khăn, người ta ngại làm đêm hôm khuya khoắt thì mình lại làm, có vậy mới kiếm được mỗi đêm vài trăm ngàn đồng để tồn tại" - chị Toàn nói.

Trên vỉa hè đối diện cổng chợ đầu mối Hòa Cường là quán nước của anh Quốc, chồng chị Toàn. Anh Quốc tâm sự, chẳng kể thì ai cũng hiểu cực thế nào, trong lúc người ta ngủ ngon lành thì mình phải căng mắt thức trắng đêm. Cái nghề "bán giấc ngủ" để kiếm cơm này cực nhất vào những đêm mưa gió, rét buốt. Việc dọn dẹp hàng quán lếch thếch mà thưa thớt khách mua khiến đêm như dài ra vô tận. Theo lời chị Toàn, chợ đầu mối mới hoạt động chỉ chục năm nay nhưng trước đó cũng gần chục năm trời chị thức đêm để bán quán khu chợ Mới (Q. Hải Châu, Đà Nẵng). Công việc vất vả, nhưng bù đắp lại có cái nghề ổn định, có đồng ra đồng vào để duy trì cuộc sống của gia đình, nuôi 2 con ăn học. Cũng vì thương ba mẹ nhiều năm thức trắng đêm mưu sinh mà 2 đứa con của chị Toàn học rất giỏi, cháu lớn đã tốt nghiệp ĐH Kinh tế, cháu nhỏ cũng đang theo học ĐH Sư phạm. Với vợ chồng chị Toàn, 2 đứa con chính là động lực, là niềm tin lớn nhất để vượt qua mọi cực nhọc. 20 năm, biết bao đêm thức trắng dằng dặc, vợ chồng chị vẫn song hành cùng nhau nơi vỉa hè, góc chợ.

"Phố nhậu" lúc 0 giờ

1 giờ là thời điểm "phố nhậu đêm" dưới chân phía đông cầu Rồng xôm tụ và huyên náo nhất. Bởi lẽ khi hầu hết các quán nhậu đã đóng cửa thì đây là điểm đến lý tưởng cho khách muốn "cà kê" thâu đêm. Nhiều quý ông muốn làm vài ve giải sầu lúc đêm khuya hoặc phải tiếp bạn bè từ xa tới, hoặc các khách du lịch không muốn bỏ lỡ thời gian ngắn ngủi khi du lịch tới phố biển Đà Nẵng đã tìm đến để trải nghiệm không khí Đà Nẵng về đêm. Anh Nguyễn Xuân Hưng (trú P. Phước Mỹ, Q. Sơn Trà) đang ngồi lai rai với nhóm bạn từ Hà Nội vào chia sẻ, sau khi đưa bạn thăm thú Hội An về đêm, thăm những cây cầu tuyệt đẹp ở Đà Nẵng, cả nhóm thống nhất sẽ lai rai để ngắm Đà Nẵng về đêm. Nhưng để tìm được khu vực xôm tụ, có cái "view" đẹp để trải nghiệm thì tới khu vực dưới chân cầu Rồng là hợp lý nhất.

Dãy phố nhậu dưới chân cầu Rồng.

Anh Hưng bảo, các dịch vụ giải trí về đêm ở Đà Nẵng nếu so với các thành phố lớn khác hầu như rất tẻ nhạt, thế nên muốn hàn huyên câu chuyện, chỉ có cách lai rai ở quán nhậu. Mà để tìm ra khu vực nhậu ở trung tâm có thể lai rai suốt đêm chỉ có ở dưới chân cầu Rồng. Trước đây, khu vực này chưa hình thành phố nhậu đêm, nhưng từ khi có cầu Rồng, lúc đầu các quán nước mọc lên để phục vụ nhu cầu giải khát, nghỉ ngơi của khách trong lúc tới ngắm cầu Rồng, chờ phun lửa, phun nước. Nhưng các quán nước cũng chỉ hoạt động tới khoảng 23 giờ là nghỉ, trong khi nhu cầu muốn được trắng đêm của khách rất lớn. Vậy là "phố nhậu đêm" mọc lên. Anh Hưng bảo, phố chuyên doanh ẩm thực hay phố đêm, chợ đêm đặt ở đâu, quy hoạch thế nào phải xuất phát từ nhu cầu thực tế. Chẳng hạn như "phố nhậu đêm" này mọc lên phục vụ thâu đêm là hợp lý vì nó xuất phát từ nhu cầu thực tế, chắc chắn không sợ "chết yểu".

Anh Đặng Văn Út (39 tuổi) chủ quán nhậu Thảo Vy chia sẻ, thường thì 3 giờ quán mới đóng cửa nhưng những đêm khách có nhu cầu nhậu thâu đêm quán cũng phải phục vụ. Đã xác định làm nghề này thì phải "hy sinh" giấc ngủ. Anh Út kể, cách đây 3 năm mình bán quán nhậu ở đường Châu Thị Vĩnh Tế nhưng rất ít khách, vì thế đã chuyển tới khu vực chân cầu Rồng, một phần vì đây là khu vực trung tâm địa thế thuận lợi, nhưng cái chính là mình phục vụ thâu đêm, nên khách muốn cà kê, dù đi xa một chút cũng tìm tới để không bị giới hạn thời gian. Cũng theo anh Út, bán quán nhậu khuya quá cũng gặp nhiều khó khăn, vì thời điểm đó phải trả chi phí cho nhân viên nhiều hơn, bù qua sớt lại thì lời lãi không nhiều. Nhưng chỉ bán khuya thế này mới đông khách, mới tồn tại được, chứ bây giờ quá nhiều quán nhậu, rất khó cạnh tranh.

Phố nhậu dưới chân cầu Rồng lúc 1 giờ rất huyên náo.

Nhặt nhạnh lúc nửa đêm về sáng

Đã gần chục năm nay, đêm nào ông Nguyễn Lắm (trú Hòa Châu, Hòa Vang, Đà Nẵng) cũng tới chợ đầu mối từ 2 giờ để mưu sinh. Công việc của ông là đi nhặt nhạnh những thứ rau củ thừa, hư hỏng một phần bị các tiểu thương thải loại để mang về nấu cho heo ăn. Ông Lắm kể, vài năm trước cái nghề này dường như "độc quyền" của mình, nhưng sau đó nhiều người từ Quảng Nam cũng ra chợ từ sớm để mót nhặt nên lượng rau củ ông mót nhặt giảm đi nhiều. "Trước đây tôi đi mót mỗi đêm tới vài tạ, nuôi heo nhà không hết còn mang bán lại cho nhiều nông dân khác, thu nhập cũng khá, giờ thì hết rồi" - ông Lắm nói. Mặc dù thu nhập khó khăn hơn, song ông Lắm không phủ nhận nhờ cái nghề mót này mà ông đã nuôi cả nhà, lại gồng gánh đủ sức nuôi con học đại học.

Ông Lắm gom nhặt những cọng rau còn sử dụng được ở chợ đầu mối Hòa Cường để tận dụng.

Bà Hà Thị Á (44 tuổi, quê Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam) cũng ra chợ làm nghề mót được vài năm nay. Bà Á kể nhà nuôi hơn 10 con heo, chồng đi lấy nước cơm còn mình đi mót rau củ. Việc cóp nhặt từng cọng rau kể ra rất vất vả, nhưng nhờ đó mới có thức ăn cho heo ăn béo tốt, chứ nếu mua thức ăn gia súc thì không còn gì lời lãi. Bà Á xác định việc mót rau củ cũng giống như bỏ sức để lấy công làm lãi. Nhưng việc bỏ sức ở đây hơi đặc biệt một chút là phải lúc nửa đêm về sáng, thời điểm mà quy luật bình thường của con người dùng để nghỉ ngơi, tái tạo sức lực. Và, cũng chỉ có giờ "độc" như vậy mới có rau củ để mót nên buộc phải "bu" theo.

Ông Nguyễn Công An - Trưởng BQL chợ đầu mối Hòa Cường cho biết, nghề mót rau củ là đặc trưng ở chợ đầu mối, bởi lẽ mỗi đêm trung bình hơn 300 tấn rau củ về chợ, trong quá trình vận chuyển có những bao, sọt bị va đập dẫn đến dập, hư hỏng một phần, bán không được buộc các tiểu thương phải thải ra. Lúc đầu, toàn bộ số này bị gom lại thành rác, rất lãng phí, vì thế một số người đã nảy sinh ý định thu gom lại đem về tăng gia. "Đây là nghề cực nhọc nhưng là nghề chân chính để mưu sinh, đồng thời góp phần dọn dẹp bảo vệ môi trường ở chợ" - ông An nói.

H.Q
(còn nữa)