Báo Công An Đà Nẵng

Những nẻo đường đêm (3)

Thứ tư, 04/03/2015 08:00

* Bài cuối: Bèo bọt phận phu đêm

(Cadn.com.vn) - 24 giờ, khi thành phố chìm trong giấc ngủ thì tại Cảng cá Thọ Quang (TP Đà Nẵng), những phụ nữ thân hình mảnh mai, gầy còm lại bắt đầu công việc gánh cá thuê trong cái lạnh sương đêm. Với các chị, những đêm trắng ở cảng cá chính là miếng cơm, manh áo, là gánh nặng mỗi ngày mưu sinh.

Những gánh cá nhọc nhằn

Là cảng cá lớn nhất miền Trung - Thọ Quang là cảng đầu mối tập trung lượng lớn thủy - hải sản mỗi ngày. Do đó, người lao động kéo về đây khá đông, nhưng chiếm số lượng nhiều nhất vẫn là những người phụ nữ gánh cá thuê. Công việc hằng ngày của các chị bắt đầu lúc 24 giờ đến 8 giờ, nghỉ ngơi đôi chút rồi lại tiếp tục từ 13-16 giờ. Với đôi quang gánh trên vai, cái áo khoác mỏng manh và đôi ủng còn tanh nồng mùi cá, họ cứ chạy đi chạy lại giữa cảng cá, hễ ai gọi thì đến gánh thuê. Mỗi lần như vậy, các chị phải gánh nặng lên đến 50kg, trong khi tiền công chỉ ở mức 2.000 - 3.000 đồng/gánh. Nếu may mắn được người ta thương, các chị được nhận “nhỉnh” hơn một chút, khoảng 5.000 đồng/gánh.

Chị Nguyễn Thị Huế (40 tuổi, quê Thăng Bình, Quảng Nam) chia sẻ: “Do những người gánh cá như chị rất đông nên nhiều khi cũng xảy ra trường hợp tranh giành nhau mà gánh cá, rồi còn bị chủ thuê mắng nhiếc, chửi bới nữa. Dăm ba ngàn ngó vậy chứ cực lắm. Tụi chị phải xin từng con cá về ăn, hoặc khi gánh cá, nếu cá rơi ra thì lượm về. Bữa ăn nào cũng có cá, ăn riết cũng ớn nhưng mà đỡ tiền mua, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó”.

Ở Cảng cá Thọ Quang, những người phụ nữ gánh cá thuê phải tự mình tranh giành công việc chứ không có ai phân chia theo đội, nhóm, tổ chức. Vậy mà có đến hơn 200 người cùng làm công việc này ở cảng, khiến cho sự cạnh tranh ngày một nhiều hơn, sức người bỏ ra cũng nặng hơn nhiều lần. Với họ, giấc ngủ chỉ đến chập chờn vào buổi ban trưa, bởi đêm của họ là những đêm trắng, lấy đêm làm ngày. Mỗi lần có người gọi lại gánh cá, các chị lại lao đi như sợ để lỡ mất một “phi vụ làm ăn” lớn. Gánh cá kẽo kịt trên vai theo đôi chân các chị thoăn thoắt trong đêm, khiến cho không khí chợ đêm ở Thọ Quang náo nhiệt không kém gì các ngày chợ hội. Đêm vì thế mà cũng sôi động hơn. Chị Phan Thanh Hoa (42 tuổi, quê Quảng Ngãi) cho biết, dù giờ giấc bị đảo lộn, có những đêm lạnh thấu không muốn nhấc mình dậy, nhưng cái nghề khắc nghiệt vậy thì phải chịu, không làm thì tiền đâu gửi về cho các con. Cứ như thế, đều đều từ khuya đến sáng, các chị lại tất tả với đôi gánh trên vai, mặc ngoài kia tanh nồng hay gió lạnh sương đêm...





Những phụ nữ gánh cá thuê ở Cảng cá Thọ Quang chỉ với giá 3-5 ngàn đồng/gánh.

Phận “tha hương”

Các chị đa phần đều rời quê lên thành phố kiếm sống, được giới thiệu qua lại rồi rủ nhau đến cảng cá làm. Đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, rải rác từ Quảng Ngãi, Quảng Nam cho tới TT-Huế, các chị sống tụ họp lại với nhau trong dãy nhà trọ ọp ẹp, nương tựa, giúp đỡ nhau, bởi theo các chị, “ở đây ai cũng là dân tứ xứ, không dựa vào nhau thì biết làm sao mà sống!” - chị Huỳnh Thị Kim Oanh (35 tuổi, quê Hương Trà, TT-Huế) tâm sự. Dù mỗi người đến từ mỗi ngả, nhưng với các chị, nỗi khắc khoải lớn nhất chính là cái nghèo, cái khó. “Không nghèo thì đâu có đi làm cái nghề này đâu em”.

Theo chân các chị về chỗ trọ mới thấy, mỗi người gánh cá thuê là mỗi một hoàn cảnh, số phận. Chị Oanh chia sẻ, trước đây chị buôn bán tận trong TPHCM, vì chồng bị ung thư nên phải về Đà Nẵng chữa bệnh, chị gánh cá ngược xuôi lo chạy chữa cho anh, nhưng rồi cũng không qua khỏi. Anh mất cách đây 3 tháng, để lại chị với đứa con mới 3 tuổi. “Giờ chị ở đây làm, con gửi cho ngoại giữ, nhớ con lắm nhưng cũng phải ráng làm mà kiếm tiền đem về cho con chứ còn có ai nữa đâu...”. Nói đến đây, chị Oanh rớm nước mắt, giả vờ quay đi nấu cơm, không để cho người khác kịp thấy nỗi buồn của chị.

Căn trọ nhỏ hẹp, ẩm thấp mà chị Oanh đang ở cũng là nơi trú ngụ của hàng chục phụ nữ gánh cá thuê tại Cảng cá Thọ Quang. Cái mùi tanh nồng đặc trưng của cá, của biển phủ ngập nơi đây, khiến cho mọi thứ trở nên có phần nhớp nháp. Vì khá lụp xụp nên tiền trọ cũng được tính theo kiểu “đặc biệt” hơn: 10.000 đồng/người/ngày. Nếu trừ hết chi phí, mỗi tháng các chị kiếm được khoảng hơn 2 triệu đồng. Tuy nhiên, tùy theo tình hình cá về trên bến, tiền hằng tháng thu được cũng thay đổi theo. Có tháng bị đau ốm, các chị phải về quê nghỉ nhiều ngày, do đó số tiền làm ra chưa khi nào ổn định, phải tiết kiệm lắm mới đủ chi tiêu và gửi về lo cho gia đình.

Đa phần các chị đều là lao động chính, có người một mình nuôi con, có người do chồng không có công việc ổn định nên gánh cá trở thành gánh mưu sinh hằng ngày. Chị Lê Thị Sen (50 tuổi, quê Phú Vang, TT-Huế) đã làm ở cảng cá được 35 năm, cho hay, chồng chị ở quê làm ruộng thuê cho người ta, chị phải lặn lội vào Đà Nẵng để gánh cá phụ trang trải cho gia đình. Hằng tháng, chị đều đặn gửi tiền về nuôi con đang học đại học ở Huế. “Vất vả là vậy nhưng nhìn con ngoan, ăn học tới nơi tới chốn là tui mừng lắm rồi, có động lực hơn để tiếp tục bám trụ với nghề này”. Mỗi tháng, chị Sen đều gom tiền để về nhà 1 lần cho đỡ nhớ chồng, nhớ con.

Cũng như chị Sen, các chị em nơi cảng cá ai cũng đau đáu nghĩ về gia đình, chồng con để tự an ủi mỗi khi cảm thấy kiệt sức với cái nghề nặng nhọc này. Cảng cá những ngày này công việc tấp nập và nặng nhọc hơn, thế nhưng các chị vẫn lạc quan rằng, cá về càng nhiều thì lại càng có việc để làm, tiền kiếm được vì thế cũng nhiều lên.

Nấu vội nồi cơm với mấy món cá bằng bếp củi trước cửa phòng, các chị lại tranh thủ ăn trưa sớm để còn nghỉ ngơi cho công việc buổi chiều. Những đôi gánh xếp xó nơi góc tường, những đôi ủng nằm ngả nghiêng còn dính đầy vảy cá, nhưng các chị vẫn tươi cười, vẫn vui vẻ ngồi ăn bên mâm cơm đạm bạc. Mong rằng trong nay mai, những “phu cá” như các chị sẽ được quan tâm nhiều hơn để các chị nhận được đồng lương xứng đáng với nỗi vất vả mà mình phải gánh hằng ngày...

Phóng sự: Thảo Vy