Báo Công An Đà Nẵng

Những nẻo đường đêm

Thứ hai, 02/03/2015 11:03

* Bài 1: Sống về đêm

(Cadn.com.vn) - Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc họ bươn chải trên các nẻo đường, đầu phố, góc chợ để mưu sinh. Họ sống về đêm, những đêm dài dằng dặc từ năm này qua năm khác. Họ mong một giấc ngủ tròn trịa mỗi đêm như bao người khác, như cái quy luật tất yếu của con người, nhưng...

Gần 10 năm nay, ông Hồ Văn Loan (67 tuổi, quê xã Bình Thạnh Tây, H. Bình Sơn, Quảng Ngãi) từ bỏ công việc đồng áng ở quê nhà để ra Đà Nẵng mưu sinh. Tuổi đã cao nên ông Loan chỉ có thể chọn công việc bán vé số, hằng đêm rong ruổi các khu phố chợ, các nhà hàng. Ông Loan bảo, bây giờ người bán vé số nhiều, mà ở tuổi ông không đi được xe đạp, xe máy nên chỉ đi bộ quẩn quanh trên những phố chợ quen thuộc. Để bán được vé số, ông Loan buộc phải chọn thời gian khắc nghiệt nhất, ấy là lúc nửa đêm về sáng, khi mà nhiều người bán vé số khác đã chìm vào giấc ngủ. Gần 10 năm, hàng ngàn đêm, bất kể mưa lạnh, cứ nửa đêm là ông Loan lọ mọ thức giấc cầm tập vé số đi “bán may mắn” cho người đời. Địa điểm quen thuộc của ông là những quán nhậu đêm, khu chợ đầu mối Hòa Cường hoặc các cửa hàng, cửa hiệu dọn hàng từ sớm tinh sương. Ông Loan kể, ở chợ đầu mối ông có nhiều khách quen, bữa nào ế ẩm quá ông lại tìm tới nhờ người ta giúp. Nói chung đi bán từ những giờ phút đầu tiên trong ngày nên khách cũng muốn mua cho may mắn. Đặc biệt, khách ở đây đều là những người buôn bán, họ cũng mong muốn mở đầu ngày mới suôn sẻ.

Ông Hồ Văn Loan và sấp vé số tại chợ đầu mối Hòa Cường lúc 3 giờ sáng.

Tuy vậy, có những đêm mưa lạnh ở chợ đầu mối thưa khách, các xe hàng không về kịp, đội quân phu vác nằm dài, cũng là lúc việc bán vé số ế ẩm, và thu nhập hôm đó của ông Loan cũng “teo tóp” theo. Lẽ thường, ở cái tuổi gần thất thập như ông Loan phải được an dưỡng tuổi già, trông cậy vào con cháu, nhưng ông bảo 5 đứa con mình sinh ra trong nghèo khó, giờ nó lớn lên cũng chỉ làm đồng áng, đứa nào cũng khổ cả, lo cho thân nó còn chật vật nói gì thân già này. Cũng vì thế, dù còn ít sức lực, ông Loan vẫn ra Đà Nẵng mưu sinh gom góp mỗi ngày hơn 1 trăm ngàn đồng gửi về cho vợ, cũng là để làm vốn liếng lúc đau ốm hay khi sức lực đã kiệt.

Cuộc sống ở nhiều miền quê khó khăn vì thế dòng người ly hương tìm tới các thành phố lớn mưu sinh ngày càng tăng. Đà Nẵng là đô thị lớn nhất miền Trung vì thế lượng người từ các vùng quê đổ về cũng khá đông. Họ có thể đến từ các miền quê nghèo khó của Quảng Nam, Quảng Ngãi, xa hơn là Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Họ làm đủ thứ nghề mưu sinh, từ bán vé số, đánh giày, bán dạo. Trên đường rong ruổi mưu sinh, nhiều người buộc phải chọn những khoảng thời gian khuya khoắt, nghiệt ngã nhất mới có thể tồn tại và bám trụ chốn thị thành.

24 giờ nhưng những người bán dạo vẫn quẩn quanh những khu phố trung tâm để mưu sinh.

2 giờ, chị Bùi Thị Bảy (37 tuổi, quê xã Bình Phú, H. Thăng Bình, Quảng Nam) vẫn loay hoay ở các quán nhậu khu vực dưới chân cầu Rồng để bán đậu phụng, trứng cút, xoài xanh. Chị Bảy tâm sự, mình vốn làm nông ở Bình Phú rất cơ cực nhưng cuộc sống luôn chật vật, chồng lại  thường xuyên đau ốm. 5 năm trước chị Bảy theo bạn ra Đà Nẵng đạp xe đi khắp các quán nhậu bán dạo để kiếm tiền nuôi con, chữa bệnh cho chồng. Vì xa cách chồng con không có điều kiện chăm sóc, trong khi chồng đau bệnh thường xuyên phải ra Đà Nẵng chữa trị, chi phí tốn kém mà tiền kiếm được từ bán dạo lại eo hẹp vì vậy chị Bảy đã đưa chồng con ra Đà Nẵng thuê trọ để tiện mưu sinh. Vợ chồng chị Bảy thuê một căn phòng nhỏ ở khu vực Hòa Khánh- Q.Liên Chiểu, mỗi tháng trả tiền thuê nhà 1 triệu đồng, tiền chi phí sinh hoạt khác cũng hơn 2 triệu đồng, khó khăn đó đẩy chị Bảy phải gồng mình mưu sinh thâu đêm. Do chồng chị Bảy sức khỏe yếu, đau bệnh nên ở nhà chăm con, hằng ngày làm những việc lặt vặt như gọt cóc, xoài, luộc trứng, rang đậu phụng phụ giúp vợ bán.

Từ 4 giờ chiều, khi các quán nhậu có khách chị Bảy bắt đầu đạp xe rong ruổi. Từ các quán nhậu khu vực đường Nguyễn Tất Thành, tới khu vực Chợ Hòa Khánh, khu vực chân cầu Rồng, đường Hoàng Sa…đêm nào chị Bảy cũng cắp rổ đồ dạo qua chào mời khách. Chị Bảy chia sẻ, càng về khuya từ 12 giờ đêm tới sáng thì càng bán được, bởi vì thời điểm đó nhiều người bán dạo khác đã về nhà nghỉ ngơi cả. Lúc đó không phải cạnh tranh, nhưng ngược lại việc di chuyển từ các khu vực có các quán nhậu đêm khá xa, từ chợ Hòa Khánh tới cầu Rồng rồi đường Hoàng Sa. Thời điểm từ 1 giờ đêm, lúc đó rong ruổi đã nhiều toàn thân rệu rã nhưng vì mưu sinh chị Bảy vẫn cứ phải đạp xe đi. Chị kể, đạp xe giữa đêm hôm khuya khoắt mà lo ngay ngáy, nhất là những thanh niên nhậu say đi xe máy đánh võng, nhiều phen tưởng chừng nguy hiểm đã ập xuống đầu mình. Chị Bảy nói: Tôi sợ nhất những đêm mưa gió các quán nhậu thưa vắng khách, rổ hàng đã làm đầy mà không bán được. Tôi sợ phải về nhà nhìn thấy chồng con, không biết ngày mai lấy gì để sống, nên mưa gió cũng phải ráng lân la các quán để bán hết. Có bữa bán không hết, một chủ quán trên đường Hoàng Sa thấy chị tội nghiệp đã bù tiền để chị về nhà với chồng con, lúc đó đã 3 giờ sáng, quán nhậu đóng cửa vì không còn khách nào.

2 - 3 giờ sáng cũng là lúc dân cửu vạn ở chợ đầu mối căng sức để mưu sinh.

Những kiếp rong ruổi mưu sinh nhiều cơ cực, nhưng phía sau mỗi gánh hàng là một gia đình, với những số phận đang trông chờ. Cũng như nhiều người bán dạo khác, nỗi lo của chị Bảy là sợ bị cấm bán rong, bán dạo. “Cực mấy thì cũng là cái nghề kiếm đủ tiền mưu sinh cho gia đình, chứ giờ mà cấm không biết làm gì, cuộc sống của gia đình sẽ ra sao” - chị Bảy tâm sự thật lòng. Ông Loan hay chị Bảy chỉ là hai trong số hàng trăm số phận phải rong ruổi trên các nẻo đường đêm để mưu sinh. Họ bán bóng bay, bắp luộc, bán vé số và đủ thứ hàng rong khác, miễn là có thể làm ra tiền để lo cho gia đình. Đằng sau mỗi người bán rong là một hoàn cảnh, một gia đình luôn ngóng chờ theo. Có đêm may mắn, có đêm ế ẩm, nhưng họ chẳng ngại khổ, vẫn bám trụ, bởi lẽ công việc đó đã gắn với cuộc sống của họ, sống về đêm.

H.Q
(còn nữa)