Báo Công An Đà Nẵng

Những nẻo đường hoàn lương... (Kỳ cuối: Không bao giờ đơn độc)

Thứ ba, 03/04/2018 16:00

Cùng với sự quyết tâm, nỗ lực tự thân của mỗi cá nhân, công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá tha tù là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc. Bởi họ sẽ rất khó khăn để trở về "nẻo thiện", nếu như không có sự giúp đỡ từ gia đình, cộng đồng và xã hội...

Trung tướng Hồ Thanh Đình-Phó Tổng cục trưởng TCCS THAHS và HTTP trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an cho 1 tập thể và 2 cá nhân thuộc CATP Đà Nẵng đã có thành tích xuất sắc trong công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù giai đoạn 2011-2017.

Trong những năm qua cùng với cả nước, Đà Nẵng có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của miền Trung - Tây Nguyên. Song song với sự phát triển ấy, thì số người vi phạm pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng gia tăng, số đối tượng chấp hành xong án phạt tù, số được đặc xá tha tù về địa phương ngày càng nhiều. Để có biện pháp quản lý, giáo dục và tạo điều kiện cho số đối tượng này sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, ngoài việc áp dụng các chính sách chung của cả nước, nhất là việc thực hiện Nghị định 80 ngày 16-9-2011 của Chính phủ, Đà Nẵng đã có nhiều cách làm sáng tạo, xây dựng và triển khai nhiều mô hình, điển hình tiên tiến giúp người chấp hành xong án phạt tù làm lại cuộc đời, góp phần bảo đảm ANTT tại địa phương.

Theo số liệu từ UBND thành phố, từ năm 2011 đến nay, Đà Nẵng đã tiếp nhận 1.945 trường hợp chấp hành xong án phạt tù từ các trại giam, trại tạm giam trên cả nước về sinh sống trên địa bàn. Theo đó, tổng số người chấp hành xong án phạt tù đang cư trú tại địa phương là 1.756 người, số người chấp hành xong án phạt tù chưa được xóa án tích là 817 người. "Tất cả các trường hợp này khi đến trình diện tại CA phường, xã đều được cán bộ phụ trách công tác này tiến hành lập hồ sơ quản lý theo đúng quy định, qua đó tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng người để có cách thức tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ và đề xuất các biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp", Đại tá Lê Quốc Dân, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan THAHS CATP Đà Nẵng cho biết.

Cũng theo Đại tá Lê Quốc Dân, trước khi Nghị định 80 ra đời, để những người ra tù nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, giảm tỷ lệ tái phạm tội trong nhóm đối tượng này, TP Đà Nẵng xác định khâu đột phá là tạo điều kiện cho những người ra tù về địa phương có công ăn việc làm, có thể vay vốn xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, ngay từ năm 2001, UBND TP đã thành lập "Quỹ giải quyết việc làm cho các đối tượng đã từng vi phạm pháp luật sau khi chấp hành hình phạt trở về địa phương". Đến nay các cấp chính quyền ở Đà Nẵng đã làm thủ tục cho khoảng 1.200 lượt người vay với tổng số tiền gần 3,5 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Đến năm 2011, khi Nghị định 80 của Chính phủ được ban hành, UBND TP thành lập thêm "Quỹ hoàn lương" nhằm giúp đỡ người lầm lỗi vay vốn, mua sắm phương tiện làm ăn, học nghề để tái hòa nhập cộng đồng. Tính đến nay, có 334 người được vay vốn hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền hơn 5,1 tỷ đồng; ngoài ra có 121 người được vay vốn từ các quỹ xã hội khác với số tiền hơn 400 triệu đồng. "Không có công ăn việc làm, không ổn định được cuộc sống thì họ rất dễ tái phạm tội. Vì vậy, tạo điều kiện cho họ có việc làm, hỗ trợ vay vốn, dạy nghề là giải pháp căn cơ, lâu dài nhất, khi ấy tỷ lệ tái phạm tội mới giảm", Đại tá Lê Quốc Dân nói. Đồng thời cho biết con số đáng mừng, là trong tổng số 1.945 người thì chỉ có 11,2% tái phạm, vi phạm pháp luật.

Là địa phương có số người được đặc xá tha tù trở về khá lớn, để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, trong nhiều năm qua, P. Hòa Khê (Q.Thanh Khê) đã xây dựng và triển khai mô hình "1 hướng, 2 quản, 3 tự giác". Mục đích của mô hình này là gặp mặt, động viên, hướng nghiệp cho các đối tượng đã từng vi phạm pháp luật trở về địa phương tìm việc làm để ổn định cuộc sống; tự quản con em và người thân trong gia đình không vi phạm pháp luật; tự quản việc tạm trú, lưu trú, tài sản riêng của gia đình, cơ quan, doanh nghiệp...; tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ; tự giác thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; tự giác tham gia tố giác tội phạm. Từ khi triển khai, mô hình này đã giúp đỡ hơn 110 trường hợp có cuộc sống ổn định. Tương tự, với mô hình "5+1", trong 10 năm qua, CAP Tam Thuận (Q. Thanh Khê) và các đoàn thể đã giúp đỡ được 80 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù, người cai nghiện về địa phương tiến bộ, có công ăn việc làm ổn định. Trung tá Nguyễn Tất Thắng, Trưởng CAP cho biết, có được kết quả đó là nhờ đã huy động được sự tham gia của các đoàn thể xã hội cùng tham gia như công an, mặt trận, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội CCB và gia đình thực hiện công tác quản lý, giáo dục người vi phạm khi trở về cộng đồng dân cư. "Đi đôi với việc quản lý đối tượng thì địa phương cũng tập trung chăm lo đến việc tạo điều kiện cho đối tượng có công ăn việc làm hay được hỗ trợ vay vốn để mua sắm phương tiện đi lại làm ăn. Mô hình này được báo cáo điển hình toàn quốc và được nhiều địa phương học tập kinh nghiệm", Trung tá Thắng nói.

Đến nay, Đề án về "Bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn giai đoạn 2016-2020" do đích thân Chủ tịch UBND Q. Nguyễn Thị Anh Thi điều hành xây dựng và triển khai, mặc dù mới thực hiện từ năm 2016 nhưng đã áp dụng đến tất cả các phường trên địa bàn quận và phát huy hiệu quả tích cực. "Từ thực tế triển khai Đề án cho thấy, nơi nào, thời điểm nào, địa phương nào mà lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương đó vào cuộc với quyết tâm cao, tìm tòi cách làm hay, những giải pháp tốt cũng như chủ động, tự tin, dám nghĩ dám làm thì nơi đó, địa phương đó hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng sẽ cao và ngược lại", Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng CAQ Ngũ Hành Sơn chia sẻ.

Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ, tạo điều kiện để những người từng lầm lỗi sớm hòa nhập cộng đồng, trở thành những công dân tốt là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có vai trò không nhỏ của lực lượng công an và các tổ chức đoàn thể. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực của lực lượng công an cơ sở và các đoàn thể địa phương, nhất là hiệu quả từ các quỹ hoàn lương, quỹ giải quyết việc làm cho các đối tượng ra tù về do UBND TP Đà Nẵng thành lập, hàng trăm người từng lầm lỗi, vi phạm pháp luật đã có cơ hội làm lại cuộc đời, hạn chế tình trạng tái phạm tội, giúp họ tìm lại niềm vui và toàn tâm hướng thiện.

DOÃN NGUYÊN HƯNG