Những nẻo đường tầm nã
(Cadn.com.vn) - Mọi người thường bảo rằng, truy bắt tội phạm bị truy nã chẳng khác nào "mò kim đáy bể", bởi đấu tranh với tội phạm đã khó, đấu tranh, truy bắt tội phạm truy nã đang lẩn trốn còn khó khăn, hiểm nguy gấp bội lần. Với cái trát truy nã, các đối tượng này luôn tìm đủ mọi cách để đối phó như liên tục di chuyển nơi ở, thay tên đổi họ, ẩn náu dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, sẵn sàng dùng các loại hung khí để chống trả...
Với CBCS Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (CSTN) CA tỉnh Gia Lai, những tình tiết gay cấn ấy là chuyện cơm bữa. Còn nhớ cách đây không lâu, các TS của phòng truy bắt thành công Phạm Như Hải (1959, trú tại TP Thái Nguyên, Thái Nguyên), bị Cục Cảnh sát Ma túy Bộ CA ra quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm về hành vi "Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy". Khi nhận được nguồn tin sau nhiều năm lẩn trốn, Hải di chuyển từ Bắc vào Nam và nương náu tại một bãi vàng trên địa bàn Gia Lai, lãnh đạo Phòng CSTN đã chỉ đạo đại úy Bùi Ánh Sáng và thượng úy Nguyễn Hùng Dương nắm tình hình và lên phương án bắt giữ Hải.
Đại úy Bùi Ánh Sáng đang đấu tranh với 1 đối tượng truy nã. |
Sau nhiều ngày lặn lội qua 5 địa bàn huyện, thị, 2 TS phát hiện Hải đang lẩn trốn ở bãi vàng trái phép nằm sâu trong khu vực rừng núi thuộc xã Chơ Long (H. Kông Chro, Gia Lai). Sau 4 ngày đêm băng rừng lội suối, đói thì ăn lương khô, khát thì uống nước suối, các mũi TS đã tiếp cận được khu vực bãi vàng. Tuy nhiên, khi TS chuẩn bị tiến hành bắt giữ thì nhận được nguồn tin, trong quá trình lẩn trốn, Hải luôn thủ bên mình "hàng nóng". Để đảm bảo an toàn cho TS và và người dân đang ở khu vực bãi vàng, lãnh đạo Phòng CSTN đã quyết định trao đổi thông tin, phối hợp cùng CAH Kông Chro để bổ sung lực lượng, phương tiện. Sau khi nhận được "chi viện", dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo phòng, các mũi TS đã tiếp cận đối tượng, quật ngã khi y chỉ vừa kịp rút khẩu súng ra khỏi người. Ngoài khẩu súng, các TS thu giữ thêm 29 viên đạn, 4 viên đạn súng bắn điện, 2 gói chất bột màu trắng (đối tượng khai nhận là heroin).
Nói về việc tầm nã, đại úy Bùi Ánh Sáng chia sẻ: "Với những người lính truy bắt tội phạm truy nã, việc phải thường xuyên vắng nhà, băng rừng, lội suối, đối mặt với nguy hiểm là chuyện thường. Do tính chất của loại tội phạm này rất "đặc biệt", nên có những chuyến tầm nã kéo dài hàng tuần, hàng tháng...".
Nếu như việc bắt đối tượng truy nã phải mất một quá trình dài, thì việc vận động được đối tượng truy nã ra đầu thú không chỉ giảm được thời gian, công sức mà còn đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của CBCS, người dân và thể hiện rõ tính nhân văn của pháp luật. Trong thực tế, không vụ án nào giống vụ án nào và mỗi tên tội phạm đều có tính cách, hoàn cảnh, động cơ gây án khác nhau. Tuy nhiên, với những tội phạm trốn lệnh truy nã thì sự gian manh, xảo quyệt, liều lĩnh và manh động đã được nâng lên một cấp độ khác. Vì vậy, việc vận động đối tượng truy nã ra đầu thú được Phòng CSTN CA tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm. Song để vận động các đối tượng truy nã thức tỉnh lương tri, quay về hướng thiện là cả một "nghệ thuật" đối với những người làm công tác truy nã tội phạm.
Phòng CSTN CA tỉnh Gia Lai bắt đối tượng truy nã Phùng Văn trong chuyên án 797-HD. |
Sáu năm công tác tại Phòng CSTN, kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với trung úy Lê Mạnh Tiến là lần vận động Phạm Văn Dũng (1970, trú tại xã Ia Băng, H. Chư Prông, Gia Lai) bị truy nã về hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" ra đầu thú. Sau 8 năm lẩn trốn và nhiều lần thoát khỏi vòng vây của lực lượng CA các tỉnh, Dũng liên tục thay đổi nơi ở. Với quyết tâm đưa kẻ phạm tội ra ánh sáng, các TS kiên trì lần theo dấu vết của Hải, xác định nơi lẩn trốn của Dũng tại TT- Huế.
Trong lúc chuẩn bị phương án truy bắt, TS nhận được tin về việc bố ruột của Dũng qua đời. Lãnh đạo Phòng CSTN đã thống nhất thay phương án triển khai lực lượng bắt giữ đối tượng để chuyển qua phương án vận động đầu thú. Qua quá trình vận động, Dũng đồng ý ra đầu thú, nhưng xin cho về chịu tang bố. Sau khi suy xét và lập phương án dự phòng tình huống, lãnh đạo phòng đồng ý cho Dũng về chịu tang và cử trung úy Lê Mạnh Tiến đến tận nhà đối tượng và cùng tham gia đưa linh cữu của bố Dũng về quê mai táng rồi di lý đối tượng về CQĐT chịu án.
Đại tá Trần Quang Huy- Trưởng Phòng CSTN CA tỉnh Gia Lai cho biết: "Một vụ án chỉ được coi là thành công khi chúng tôi bắt giữ được thủ phạm, nhưng phải đảm bảo an toàn cho nhân dân và lực lượng truy bắt. Do đó, trong từng vụ án cụ thể, tùy từng đối tượng, hoàn cảnh để áp dụng biện pháp nghiệp vụ. Dù là cách gì thì mục đích hướng đến của chúng tôi là bắt giữ được kẻ phạm tội, khơi dậy lương tri để đối tượng hướng thiện, trở về làm lại cuộc đời...". Nhờ áp dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, nên những năm qua Phòng CSTN CA tỉnh Gia Lai luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chỉ tính riêng năm 2015, phòng đã vận động, bắt giữ được 35 đối tượng bị truy nã, trong đó có những đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
M.T - L.A