Báo Công An Đà Nẵng

Những ngày không quên...

Thứ ba, 25/01/2022 16:44

Đà Nẵng những ngày tháng 8 cao điểm khi dịch bệnh COVID-19 thứ 4 bùng phát mạnh, khiến cục diện chống dịch COVID-19 của thành phố thay đổi hoàn toàn. Số ca mắc tăng vọt, nhiều “ổ dịch” mới xuất hiện và ngày càng lan rộng khiến cho những khó khăn trong nỗ lực dập dịch nhân lên gấp bội. Tại P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà - điểm nóng dịch bệnh COVID-19, với tâm dịch phát sinh từ chợ đầu mối thủy sản và cảng cá Thọ Quang đã nhanh chóng lây lan cho hầu khắp các địa bàn trên toàn TP. Thế nhưng sau hơn 1 tháng vào cuộc rốt ráo, không mệt mỏi của các cấp chính quyền, nhân dân và ngành đoàn thể, trong đó có lực lượng Công an từ thành phố đến cơ sở về chi viện, Nại Hiên Đông đã nhanh chóng giành lại được “vùng xanh”…

Mỗi ngày, Đặng Văn Minh Tuấn đều đặn khoác đồ bảo hộ tiếp cận các khu vực phong tỏa cứng – nơi phát sinh các ca nhiễm COVID-19 để tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành quy định phòng, chống dịch.​

1. Bắt đầu từ ngày 20-7, thông tin về các ca nhiễm COVID-19 liên quan đến cảng cá Thọ Quang bắt đầu phát lộ, rồi nhanh chóng dồn dập trong những ngày tiếp theo với sự ghi nhận liên tiếp các ca mắc, các điểm phát sinh ổ dịch mới, nhất là chuỗi lây nhiễm tại cảng cá. Nhận định đây là chuỗi lây nhiễm rất nguy hiểm, khi hầu hết các tiểu thương mua bán cá tại đây đều tỏa đi khắp các chợ trên địa bàn, vì vậy, ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Đà Nẵng buộc phải đưa ra nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Một trong những biện pháp ấy là kể từ 14 giờ ngày 30-7, sẽ tiến hành phong tỏa toàn P. Nại Hiên Đông. Chính tại thời điểm ấy, hơn 32 ngàn nhân khẩu trên địa bàn phường bước vào những ngày “sống chậm”, theo phương châm “ai ở đâu ở yên đấy”; còn chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, trong đó Công an phường và hàng chục cán bộ chiến sỹ Công an, quân đội từ thành phố, quận Sơn Trà về tăng cường bắt đầu những ngày hối hả, chạy đua nhằm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh…

Do sống trong “tâm dịch”, tôi cũng như hàng chục cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại các phòng, ban nghiệp vụ của Công an TP vô tình bị “mắc kẹt” tại địa bàn. Trong thời khắc cam go ấy, Giám đốc Công an TP đã quyết định trưng dụng đội ngũ này để kịp thời hỗ trợ cho địa phương. Có thể nói, thời điểm ấy Nại Hiên Đông như một Đà Nẵng, còn Công an phường đồng thời cũng là Công an TP thu nhỏ, nơi hội tụ hầu như tất cả các lực lượng, các phòng, ban, đội nghiệp vụ có liên quan. Tạm gác lại nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi lao vào “điểm nóng” dịch bệnh tại Nại Hiên Đông với tâm thế của những người ở tuyến đầu. Chúng tôi được phân công ca kíp, tuần tra khép kín địa bàn 24/24 giờ mỗi ngày. Hơn 1 tháng trời, khái niệm về ngày nghỉ, ngày cuối tuần tạm thời không ai màng đến...

Một tổ tuần tra của Công an TP Đà Nẵng tăng cường về P. Nại Hiên Đông kiểm tra, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm quy định “ai ở đâu ở yên đấy” trong những ngày phong tỏa cứng.

2. Những ngày sát cánh cùng cán bộ chiến sỹ Công an phường, người mà tôi có ấn tượng nhất phải kể đến Đại úy Đặng Văn Minh Tuấn (1986), Cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn 12 tổ dân phố với khoảng 700 hộ dân trên địa bàn. Điều đáng nói, Tuấn chỉ mới về phường nhận nhiệm vụ và tiếp cận địa bàn từ hơn 1 tuần trước khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, với kinh nghiệm 11 năm làm Cảnh sát khu vực, việc tiếp cận địa bàn mới, hình như với Tuấn cũng chẳng mấy khó khăn, dù cho thời điểm dịch bệnh leo thang căng thẳng.

Địa bàn Tuấn phụ trách liên tiếp ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó ổ dịch tại khu phong tỏa cứng đường Nại Hiên Đông 9 và Bùi Huy Bích là căng thẳng nhất. Bỏ qua những nghi ngại về dịch bệnh có thể ập đến với bản thân bất cứ lúc nào, mỗi ngày, Tuấn đều đặn khoác bộ đồ bảo hộ nóng bức, mồ hôi nhễ nhại tiếp cận từng hộ dân. Bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức, chấp hành quy định “nhà cách ly nhà”; Tuấn còn kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm… Với sự tận tâm, nhiệt huyết của mình, chỉ ít ngày sau đó, điểm nóng lây nhiễm chéo dịch bệnh tại Nại Hiên Đông 9 đã thuyên giảm rõ rệt.

Thiếu tá Đào Thị Cẩm Quyên, công tác tại Đội Cảnh sát giao thông Công an quận Sơn Trà là một trong số cán bộ được tăng cường và được chỉ huy Công an phường phân công hỗ trợ Tuấn trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp. Qua thời gian trải nghiệm cùng lực lượng Cảnh sát khu vực, dân phòng, bảo vệ dân phố ở cơ sở, đặc biệt là cùng Tuấn tham gia tuần tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của người dân tại khu phong tỏa cứng, điều đọng lại trong Thiếu tá Quyên đó là sự cống hiến, dấn thân hết mình vì đại cuộc của những người ở tuyến đầu…

Kỷ niệm thì rất nhiều, nhưng với Thiếu tá Quyên, nhớ nhất có lẽ là những lần cùng Tuấn đi chợ thay cho dân. Nói là đi chợ thay, nhưng thực ra lúc ấy, chợ trên địa bàn đều đóng cửa, chỉ có những chợ tạm mới được mở ra, chủ yếu cung cấp các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, mắm muối…, còn nhiều mặt hàng khác, như sữa, tã, bỉm cho trẻ con chẳng hạn, hầu như đều khan hiếm. Đơn cử, khi nắm được thông tin trên mạng xã hội có một em bé vừa mới chào đời, do sữa mẹ chưa về kịp nên em bé đói, quấy khóc suốt ngày, không còn cách nào khác, người mẹ đành phải lên mạng đăng thông tin cầu xin giúp đỡ. Mặc dù đang giữa ca tuần nhưng Tuấn vẫn cố hết sức liên hệ với các đại lý sữa trên địa bàn. Loay hoay mãi, cuối cùng cũng tìm được một điểm còn hàng, lập tức Tuấn lên xe lao đi như sợ chậm chân thì sẽ hết… Nhìn hình ảnh do Thiếu tá Quyên ghi lại khoảnh khắc người mẹ nâng niu, trân trọng nhận những hộp sữa từ tay Tuấn trao cùng với hành động cúi đầu nhiều lần thay cho lời cảm ơn tự đáy lòng đã nói lên tất cả.

Lân la tìm hiểu, tôi mới biết hành động của Tuấn xuất phát từ trái tim của một người cha khi nghĩ về những đứa con của mình. “Lỡ con em cũng hết sữa trong thời điểm này, nếu không có người giúp đỡ thì sẽ ra sao?”, Tuấn trầm ngâm nói. Thì ra, con thứ 2 của Tuấn hiện chưa đầy 1 tuổi. Đã mấy tháng trời, do dịch bệnh nên Tuấn chưa thể gặp lại. Nỗi nhớ luôn thường trực, và để khỏa lấp, Tuấn lao vào công việc để phần nào vơi bớt. Thế nhưng chỉ cần một chút liên tưởng, trong Tuấn lại trỗi dậy niềm khát khao, mong mỏi được ôm ấp, chở che. Với riêng tôi, có thể hiểu, động thái của Tuấn khi chạy đi mua sữa cho em bé xa lạ kia là việc làm hết sức tự nhiên, tự nguyện, là sự thúc giục từ trái tim của một người cha khi muốn chăm sóc cho chính đứa con của mình! 

DOÃN NGUYÊN HƯNG