Báo Công An Đà Nẵng

Những ngày ở bệnh xá 18K

Thứ tư, 27/02/2019 12:05

Đại tá, bác sĩ Nguyễn Duy Chương, nguyên trưởng khoa Đông y Bệnh viện Quân y 17 là người sâu nặng với chiến trường K. Những lần cứu bạn vẫn in đậm mãi trong ký ức người thầy thuốc rành cả đông, tây y này.

Bác sĩ Nguyễn Duy Chương và Đại tướng Huot Chhieng trong thời gian Đại tướng điều trị tại Đà Nẵng.

Đã về hưu nhưng bác sĩ Chương bận rộn chẳng khác khi đương chức. Căn nhà của ông ở đầu đường Nguyễn Trường Tộ, Đà Nẵng lúc nào cũng đông người đến thăm khám, đặc biệt là các bệnh về thần kinh tọa. Nhiều bệnh nhân thoát vị đĩa đệm được ông chữa khỏi bằng phương pháp điều trị tổng hợp của y học cổ truyền mà không cần mổ. Tiếng lành cứ thế đồn xa. Gác lại công việc và giao cho vợ, ông uống với khách chén trà trong hương thơm dịu nhẹ của thuốc nam lan tỏa khắp căn phòng. Kỷ niệm về những ngày đầu “khởi nghiệp” dẫu đã gần 40 năm hiện lên như mới hôm qua.

Đại tá Nguyễn Duy Chương tâm sự:“Tốt nghiệp Đại học Quân y khi chiến trường K giục giã những bước chân người lính tình nguyện Việt Nam, tôi được đưa ngay qua Mặt trận 579. Thời gian đầu chữa bệnh cho bộ đội mình. Sau đó thì xuống bệnh xá Trung đoàn 18 K của bạn ở Prechvihear hai năm rưỡi. Đây chính là quãng thời gian không thể nào quên”.

Bệnh xá 18 K có chừng 30 giường bệnh, có thời điểm thương binh bạn đầy ắp. Thành lập trong điều kiện dã chiến nên ở đây thiếu thốn cả trang thiết bị và lực lượng. Tất cả quân y đều là người Khơmer ngoại trừ bác sĩ Chương. Ngày đầu mới qua, không biết tiếng bạn, công việc vô cùng khó khăn. Anh kiên trì học bằng cách mang theo giấy bút ghi chép tại các buổi giao ban, sau đó tra từ điển tiếng nước bạn. Hiệu quả nhất là nhờ quân y trực tiếp dạy cho. Dần dà, qua 6 tháng, anh đã có thể nói được tiếng Khơmer dễ dàng. Thời điểm này, các đơn vị của ta và bạn truy quét tàn quân, tập trung vào các sào huyệt của bọn Pol Pot nên chúng điên cuồng chống trả, cài mìn dày đặc khắp nơi. Về làm bệnh xá trưởng, anh Chương được cấp trên đặc biệt quan tâm. Các thủ trưởng muốn anh làm việc tại bệnh xá nhưng tối về phải ngủ ở khu chuyên gia để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên do đặc thù nhiệm vụ, có nhiều đêm, anh không thể rời bệnh nhân. Suýt chết trong gang tấc không còn chuyện lạ. Đó là khi anh ngồi nghỉ trên đám rễ cây nhô ra bờ suối mà không biết địch cố tình gài cắm mìn. Do tạng gầy gò mà anh chưa chạm đến kíp nổ nhưng sau đó đồng đội đã thương vong ngay tại nơi này.

Lại có đợt đi cùng lái xe nhận thuốc. Xe hỏng, anh tạm bước xuống. Chiếc xe sau khi sửa, đề pa phía trước và dính mìn. Tài xế bạn hy sinh thảm khốc. Có lẽ nhờ mạng lớn mà suốt mấy năm công tác tách biệt, anh vẫn không hề hấn gì. Coi tính mệnh của bạn như tính mệnh mình mà anh có giây phút “thần giao cách cảm” lạ lùng. Sau khi phẫu thuật cắt chân một thương binh bị mìn, bác sĩ Chương giao việc chăm sóc cho quân y và tranh thủ chợp mắt. Nửa đêm, như có ai đó nhắc nhở, anh bật dậy đi kiểm tra. Hai người phục vụ gục đầu trên bàn ngủ ngon lành. Trên giường bệnh, múi nối động mạch chủ của thương binh bị tụt, máu tuôn xối xả, mạch gần như bằng không. Anh hét lên, kịp thời cấp cứu. Chỉ cần trễ 5 phút máu không lên não là người bệnh đã có thể tắt thở. Lại có trường hợp sốt rét ác tính đã tỉnh, anh dặn dò quân y chăm sóc rồi về phòng. Chỉ thiêm thiếp một chốc, lại thấy nôn nao, đi kiểm tra thì y rằng, bệnh nhân sốt cao trở lại, co giật liên hồi mà không ai biết. May mà ca này cũng đã qua khỏi cõi tử...

Bác sĩ Nguyễn Duy Chương cười khi nhắc đến những ngày ở chiến trường K: “Hồi đó gan lắm, nhiều ca phẫu thuật khó cứ liều xử trí ngay tại chỗ. Bởi chuyển đi lên tuyến trên không phải dễ dàng. Đường xa, lại xấu, bệnh nhân có thể không cứu được. Nhờ vậy mà gần như tất cả thương binh điều trị tại đây đều được cứu sống hoặc hồi phục. Kỷ niệm tôi nhớ nhất vẫn là chữa cho Son Xốc”.

Son Xốc là anh chàng nuôi quân của đại đội trinh sát bạn, mất tích đã ba ngày. Tìm mãi không ra, mọi người đã hết hy vọng. Vậy mà sau đó phát hiện anh chàng đen nhẻm bùn đất đang rên khẽ ở mép suối. Thì ra trên đường đi làm nhiệm vụ, Son Xốc bị sốt rét ác tính, ngã vật tại chỗ. Khi điều trị lau sạch bùn đất thì chiến sĩ này lên cơn co giật, sùi bọt mép, mắt trợn ngược. Mở rộng mí mắt ra thì thấy hàng ngàn con dòi lúc nhúc. Không chỉ vậy, ở mũi, lỗ tai cũng vậy, dòi chen chúc, nhìn rất ghê. Bác sĩ Chương và các y tá phải gắp từng con ra khỏi người bệnh nhân. Suốt mấy ngày điều trị tích cực, Son Xốc khỏi bệnh. Khi xách ba lô về đơn vị, anh ta ôm bệnh xá trưởng khóc nức nở. Lại có lần một chiến sĩ của bạn trúng đạn của bọn Pol Pot, mảnh xuyên vỡ quai hàm, máu chảy không dứt. Cuộc chạy đua với thời gian để phẫu thuật cứu bệnh nhân này tính bằng giây và  cuối cùng thương binh đã qua nguy kịch. 

Sau này tuy không được phong tặng anh hùng như ý định của đơn vị nhưng bác sĩ Nguyễn Duy Chương đã được tặng thưởng huân chương Ăng Co, huân chương Hữu nghị của bạn và nhiều phần thưởng xứng đáng của Nhà nước ta. Tấm gương tận tụy, trách nhiệm của anh với thương binh nước bạn đã được biểu dương  và được nhiều người biết đến. Yêu quý anh, Thiếu tướng Đỗ Hữu Hạnh, từ Mặt trận 579 về nước đã đến tận nhà anh Chương ở Đà Nẵng thăm, tặng sữa cho con trai bác sĩ mới chào đời trong khi cha còn làm nhiệm vụ quốc tế.

 Từ Tây y, duyên nợ với Đông y đã đưa bác sĩ Chương khám phá say sưa chuyên ngành mới và gặt hái nhiều thành công ở Bệnh viện Quân y 17. Bản thân ông đã nhiều lần trực tiếp chữa bệnh cho các tướng lĩnh và sĩ quan bạn sang chữa bệnh. Đại tướng Huot Chhieng, Phó Tư lệnh Lục quân kiêm Tư lệnh Quân khu 1 Quân đội Hoàng gia Campuchia rất tin tưởng tay nghề điều trị thoái hóa đốt sống bằng Đông y của bác sĩ Chương. Chính ông giới thiệu cho nhiều cán bộ thuộc quyền sang khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Quân y 17.

Nhớ lại những ngày đã qua, Đại tá Nguyễn Duy Chương cho rằng, chính chiến trường đã tôi luyện cho ông thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu” và luôn tự hào nghề thầy thuốc cao quý của mình.

HỒNG VÂN