Báo Công An Đà Nẵng

Những ngày sống bên Đại tướng

Thứ bảy, 12/10/2013 01:06

(Cadn.com.vn) - Một khi những học sinh còn đeo khăn quàng đỏ trên vai cũng bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn, thì với những người được gặp gỡ, tiếp xúc, phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tin Đại tướng từ trần là mất mát không gì bù đắp. Chúng tôi may mắn được gặp vài người trong số đó, tại Gia Lai.  

BÁU VẬT GIA TRUYỀN

Là con của nguyên Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan, anh Nguyễn Thanh Bình (TP Pleiku, Gia Lai) được gia đình trao trọng trách gìn giữ những bức ảnh ghi dấu một thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng làm việc, ăn, ở với người dân tuyến lửa này. Những bức ảnh đen trắng đã ngả màu thời gian vẫn được gìn giữ cẩn thận. “Cụ thân sinh của tôi đã gìn giữ bao nhiêu năm, khi cụ mất người anh cả của tôi được giao trọng trách này. Đến khi ông anh tôi mất, tôi là người được lưu giữ”, anh Bình kể.

10 tấm hình được 2 thế hệ nâng niu như báu vật, khuôn hình hiện rõ thần thái của một vị tướng, sự giản dị, gần gũi của một người con đất Việt với vầng trán rộng, nụ cười thường trực trên môi và ánh mắt quyết đoán. Đây là hình ảnh các buổi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tỉnh Quảng Bình sau khi hòa bình được lập lại (thời gian từ 1959 đến 1965), là những thời điểm Đại tướng bàn thảo về con đường xuyên Trường Sơn chi viện cho miền Nam, là hình ảnh giản dị với bữa cơm đạm bạc hay phút hạnh phúc, thư thái cùng người vợ bên bãi biển Nhân Trạch (H. Bố Trạch, Quảng Bình)...

Anh Bình tâm sự: “Những kỷ vật này là báu vật gia truyền của gia đình tôi, như cha tôi từng di nguyện”.

Vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại bãi biển Nhân Trạch (H. Bố Trạch, Quảng Bình)
cùng đồng chí Nguyễn Tư Thoan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình.

ĐẠI TƯỚNG VÀ NGƯỜI NẤU CƠM

Trong căn nhà nhỏ tại đường Nguyễn Đức Cảnh của TP Pleiku, cựu binh Hoàng Xuân Trình (1943)- người đang giữ “kỷ lục” bắn 12 quả B40 trong trận đánh Đăk Uy vào tháng 4-1972- kể những ký ức của mẹ ông về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Mẹ tôi là người liên lạc, đưa cơm cho Đại tướng lúc Người hoạt động ở Cao Bằng. Khi mẹ tôi mất, dù ở xa nhưng Đại tướng vẫn nhớ! Giờ đây được tin Người mất, tôi chỉ biết thắp nén hương vọng về mong người an nghỉ”, ông Trình khóc nức nở.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp dùng bữa cơm đơn sơ
tại nhà dân trong chuyến công tác tại Quảng Bình.

Sau năm 1941, từ xã Nam Tuấn (H. Hòa An, tỉnh Hòa Bình) Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn hang Ghị Rằng làm nơi hoạt động và bà Chu Thị Voọng đã trở thành cán bộ liên lạc, tiếp tế thức ăn, nước uống cho Đại tướng với bí danh Quế Hương. Những bức thư được để trong ống nứa, ống vầu được người nữ liên lạc bí mật giấu giữa những đống củi hay những ống cơm lam đã qua mặt được biết bao kẻ địch để đến tay Đại tướng. “Từ những ngày đầu vào hoạt động bí mật trong hang Ghị Rằng, bác tôi là Chu Văn Kỳ đã ôm từng bó rơm vào hang rải xuống phía dưới chiếu để Đại tướng nghỉ cho đỡ lạnh. Cũng vì ở hang với cái khí lạnh khắc nghiệt của vùng cao, Đại tướng đã từng ngã bệnh, ông cố ngoại tôi giỏi những bài thuốc Nam gia truyền đã bốc thuốc cho Đại tướng qua cơn bệnh. Đến năm 1943, cùng với khí thế cách mạng lên cao, Đại tướng cùng các vị lãnh đạo khác rời Nam Tuấn đến những địa điểm khác để thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, hoạt động cách mạng. Mẹ tôi  ở lại tham gia phong trào ở địa phương”, ông Trình kể lại.

Cựu chiến binh Hoàng Xuân Trình kể những năm tháng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
hoạt động tại hang Ghị Rằng (xã Nam Tuấn, H. Hòa An, Cao Bằng) qua hồi ức của người mẹ.

Đến năm 1983, ông Trình đưa cả gia đình vào Gia Lai lập nghiệp và đến năm 1996, có dịp ra Hà Nội nên mẹ ông dặn phải xin gặp để hỏi thăm sức khỏe của Đại tướng. “Khi biết ý định của tôi muốn vào thăm Đại tướng, thư ký và bảo vệ không chịu cho tôi gặp vì Đại tướng nhiều việc, người còn đang bị ốm nữa. Tôi nói tên mẹ tôi là bà Chu Thị Voọng và vào nói lại. Thật bất ngờ, cả hai vợ chồng Đại tướng bước ra cửa, chưa kịp chào ông thì ông bảo với tôi bằng tiếng Tày: “Lục khảu vườn mà” (Con vào đây!). Đứng nghẹn một lúc sau tôi mới bước vào trò chuyện cùng người bằng tiếng Tày. Đại tướng nói tiếng  Tày rất lưu loát. Đại tướng nhớ như in những năm tháng hoạt động ở hang Ghị Rằng, những người từng phục vụ mình như liên lạc, bới cơm, mang nước cho Đại tướng. Đặc biệt, Đại tướng còn nhớ rất rõ những bữa com đạm bạc nấu theo khẩu vị người Tày”.

Năm 2007, mẹ ông Trình mất vì một tai nạn. Biết tin, Đại tướng đã gửi vòng hoa và điện chia buồn với gia đình. “Gia đình tôi có phúc lớn khi được phục vụ vị Đại tướng vĩ đại mà giản dị và vô cùng gần gũi”, ông Trình tự hào.

Minh Tân