Báo Công An Đà Nẵng

Những “ngôi sao biên cương” (Kỳ cuối: Chung tay giữ vững biên cương)

Thứ bảy, 16/06/2018 21:00

Bỏ qua ký ức buồn, những ngày theo chân CBCS các Đồn Biên phòng 717, 719, 721 trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, biết bao câu chuyện cảm động đang được người lính quân hàm xanh viết nên trên miền biên viễn. Bên cạnh những mô hình ý nghĩa do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai phát động, CBCS nơi đây đang ngày đêm bám thôn bản hỗ trợ bà con đồng bào, chắc tay súng giữ vững biên cương.

BĐBP Đồn 721 tuần tra bảo vệ biên giới.

Con chung của lính

Từ chuyện cảm động của cháu Siu H’ly được ĐBP 717 nhận làm con nuôi sau đêm vượt biên định mệnh, mô hình “Con nuôi của lính” đã được BĐBP tỉnh Gia Lai nhân rộng, nâng đỡ hàng chục cháu bé khác có hoàn cảnh khốn khó. Mô hình không chỉ giúp mỗi gia đình vơi bớt khó khăn, mà còn tiếp sức để con đường đến trường của các cháu bớt gian nan, gập ghềnh.

Đại úy Đặng Đình Cường - Đồn phó ĐBP 719 cho biết, cùng với nhiệm vụ chính trị tuần tra, bảo vệ 7km dọc sông Pô Kô, động viên hỗ trợ nhiều trường hợp vượt biên trở về làm ăn sinh sống, hỗ trợ nhân dân xây dựng nông thôn mới..., những năm qua, CBCS trong đồn đã dành nhiều tâm huyết trong việc đỡ đầu nhận 4 cháu nhỏ làm con nuôi, tiếp bước cho các cháu đến trường. Đáng nói nhất là cháu Siu Thin đang theo học lớp 4 bên kia dòng Pô Cô (thuộc nước bạn Campuchia). Siu Thin là trường hợp ngoại biên, được BĐBP đỡ đầu với lý do gia cảnh cháu quá nghèo, bố mất sớm, còn mẹ quanh năm làm thuê trong nương rẫy không đủ cái ăn. Từ ngày nhận cháu làm con, mỗi tháng đồn lại cắt cử CBCS biết tiếng Campuchia qua sông thăm, động viên, dạy chữ cho cháu. Từ chỗ một học sinh yếu, nay cháu đã khá hơn rất nhiều, lọt tốp 5 của lớp gần 30 học sinh. “Không chỉ thực hiện tốt mô hình Con nuôi của lính, Nâng bước em tới trường do BCH phát động, việc làm này còn có ý nghĩa sâu sắc hơn, đó là tăng cường hơn nữa mối quan hệ, tình đoàn kết của hai nước” - Đại úy Cường nói.

Tại ĐBP 721 và 717, BĐBP cũng đỡ đầu, nhận nuôi hơn 20 cháu. Nhờ CBCS kèm cặp, học lực của các cháu nâng lên theo mỗi năm. Không chỉ những cháu được nhận làm con nuôi các đồn, tại ĐBP 721, Lệ Thanh (H. Đức Cơ), do địa hình cách trở, đường biên dài tới 21km, nên chỉ huy đồn đã triển khai mô hình “Bếp ăn tình thương” hơn 5 năm qua dành cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Việc làm ý nghĩa này khiến đồng bào trên dải biên cương cảm động. Gặp chúng tôi ở bếp ăn, Rmah H’mén (học sinh lớp 7 Trường THCS Nguyễn Trãi, xã Ia Dom) nói rằng, gần 5 năm nay rồi, cháu luôn được các chú BĐBP chở đến trường, nấu cơm cho ăn. Các món ăn các chú nấu đều rất ngon, giúp chúng cháu học tập tốt. Thiếu tá Nguyễn Văn Thành, Chính trị viên phó ĐBP 721 cho biết: “Ở các điểm trường Đồn 721 triển khai mô hình, đã có hàng trăm cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được CBCS đồn hỗ trợ. Do các cháu nhà ở xa trường, nên mô hình ra đời đã tạo điều kiện cho các cháu ăn trưa, tiếp tục học buổi chiều. Hơn nữa hầu hết các cháu mồ côi bố hoặc mẹ, có cháu mồ côi cả bố lẫn mẹ rất tội nghiệp nên bữa cơm của các cháu chúng tôi luôn chú trọng đến chất lượng dinh dưỡng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ nhận nuôi, tiếp bước cho các cháu tới trường, những năm gần đây, các ĐBP trên tuyến biên giới này còn tham gia vận động hàng ngàn học sinh bỏ học trở lại trường, đồng thời trích kinh phí mua tặng dụng cụ học tập để các cháu tới lớp. Chúng tôi hiểu, mỗi chiến sĩ quân hàm xanh nơi đây đều có trái tim hồng, đang bao bọc con trẻ của đồng bào lớn lên trong hạnh phúc, an lành, dệt cho các cháu ước mơ, sau này dốc sức xây dựng quê hương, đất nước.

BĐBP 721 tổ chức “bếp ăn tình thương”  cho các cháu học sinh.

Chiến sĩ biên phòng chốt IAPO kể chuyện với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng.

Vì biên cương bình yên

CBCS các ĐBP dọc triền sông Pô Cô đang ngày đêm giữ phương châm “Bám cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương” với nhân dân. Ở đó, lính quân hàm xanh giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và chung tay bảo vệ chủ quyền. Bà Siu M’ky (xã Ia O, H. Ia Grai) và anh Rmah Lanh (xã Ia Dom, H. Đức Cơ) cũng chung lời khen dành cho các chiến sĩ biên phòng: “BĐBP tốt với bà con lắm! Không chỉ giúp dân làm kinh tế, lo cho các cháu ăn học mà còn tặng cả bò, bê để bà con nuôi, nhân giống. Nhờ đó mà cuộc sống bớt cơ cực. Mình không biết trả ơn thế nào, chỉ biết vận động con cháu phải biết lễ phép với bộ đội, không được làm việc xấu gây mất ANTT, cùng bộ đội bảo vệ biên giới”.

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia kéo dài gần 35km từ Gia Lai đến vùng giáp ranh tỉnh Kon Tum, tại doanh trại các Đồn 717, 719 và 721 đều được tổ chức những khu chăn nuôi, trồng rau xanh nhằm cải thiện bữa ăn. Dẫn chúng tôi tham quan đàn gia súc, gia cầm cả ngàn con, Đại úy Đặng Đình Cường - Đồn phó ĐBP nói rằng: “Để CBCS yên tâm tuần tra, canh giữ chốt, bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là rất cần thiết mà đồn phải làm. Bởi, công tác gìn giữ ANTT tuyến biên giới rất nhiều phức tạp tiềm ẩn, từ nạn phá rừng, ma túy, chuyện vượt biên trái phép đều có, nên giấc ngủ của CBCS biên phòng chưa lúc nào yên. Đúng là nhiệm vụ bảo vệ ANCT trên tuyến biên giới luôn đối mặt với nhiều cam go. Đại úy Hoàng Đại Lượng - Chỉ huy chốt biên phòng IAPO tại bến sông Pô Cô kể, năm 1999, khi CBCS đang trực chốt thì trận bão lũ ập đến. Gió lớn kèm theo nước dâng nhanh khiến anh em trực chốt phải khẩn trương chạy về hướng núi cao. Trong vòng chưa đầy 30 phút, nước lũ đã cuốn phăng đồn chốt cùng nhiều vật dụng sinh hoạt. Nước rút, CBCS quay lại sông còn thấy cả hàng chục người nước bạn bên kia sông trèo lên cây cao lánh nạn. Ngày chúng tôi đến thăm chốt, nhìn cảnh sinh hoạt của CBCS mà chạnh lòng. Các anh gọi đây là trạm “3 không”: Không sóng điện thoại, không nước giếng, không điện lưới. Riêng điện thoại, chỉ duy nhất 1 vị trí có thể dò những đợt sóng ít ỏi ghé qua, nhưng gọi về thăm gia đình rất khó. Khó khăn là thế, nhưng nhiều năm qua, CBCS của trạm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, từ làm thủ tục đăng ký kiểm soát người, phương tiện qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa của cư dân các xã biên giới 2 nước và TTKS đảm bảo ANCT trên tuyến quản lý.

Có một điều rất đặc biệt ở các ĐBP nơi đây là hầu như CBCS phải thông thạo tiếng người đồng bào. Hằng năm, BCH đều tổ chức cuộc thi, nếu chiến sĩ nào không vượt qua phải học lại, thi lại và đánh vào điểm thi đua cuối năm. Những ngày trên biên giới, theo chân CBCS các đồn xuống cơ sở, nghe các anh chuyện trò cởi mở bằng tiếng đồng bào, được người dân lắng nghe chăm chú, chúng tôi hiểu vì sao bộ đội đồn được người dân tin yêu.

Để có được vùng biên bình yên, tạo niềm tin trong lòng dân, có rất nhiều mô hình được ĐBP triển khai cùng nhân dân. Như Đồn 717 với mô hình mỗi gia đình, họ tộc là một “đơn vị luật pháp”, trong đó trưởng họ, bố mẹ, ông bà là người đứng ra tuyên truyền, phổ biến cho người thân. Hằng tháng, họ quây quần bên nhau cùng CBCS biên phòng trò chuyện và được CBCS biên phòng phổ biến thêm kiến thức, cả về pháp luật lẫn kinh nghiệm phát triển mô hình kinh tế đồi rừng. Hay Đồn 721, bên cạnh tổ chức huấn luyện phương án chiến đấu, chế độ tuần tra, CBCS ai cũng thuộc lòng từng tên làng, tên thôn, tên già làng, trưởng bản, địa danh... khi thực hiện phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con. Nhờ bám địa bàn tốt, nhiều mô hình sản xuất, bảo vệ an ninh nông thôn, trợ giúp người nghèo... được CBCS các đồn triển khai rất hiệu quả.

Khép lại phóng sự này, chúng tôi xin mượn lời bài hát “Ngôi sao biên cương” của nhạc sĩ Đoàn Bổng dành tặng những chiến sĩ biên phòng tuyến biên cương này: “Nơi biên cương luôn lấp lánh những ngôi sao, niềm tin yêu của đồng bào vùng cao/trong gian lao càng lấp lánh ngôi sao/soi từng tấc đất giữ màu xanh biên cương/soi từng tấc đất giữ bình yên biên cương/soi từng bóng núi giữ bình yên biên cương”...

Phóng sự: CÔNG HẠNH - DOÃN HÙNG