Báo Công An Đà Nẵng

Những ngôi trường đang kêu cứu

Thứ năm, 21/05/2015 08:52

(Cadn.com.vn) – 1. Giữa cái nóng bức của tháng 5, gió Lào phủ trùm, bước chân đến Trường Tiểu học số 2 Triệu Long (H. Triệu Phong, Quảng Trị) như lạc vào hình thái thời tiết khác. Bóng cây lâu năm mát rượi ôm lấy khuôn viên trường, tiếng vui đùa của trẻ nhỏ cũng khiến lòng ta như dịu hẳn. Đang đắm chìm trong không gian ấy thì chúng tôi bỗng khựng lại vì mùi hăng hắc của thuốc trừ sâu tìm tới. Khách tới lần đầu thấy rõ chứ có lẽ cô thầy, học sinh ngửi lâu quá cũng thành mùi… quen. Thầy Hiệu phó Nguyễn Dũng nói thật như đùa nhưng cũng ngần ngại mở cánh cửa sổ dường đã luôn được khép chặt từ lâu. Phía sau cánh cửa sổ ấy, khởi nguồn của “mùi lạ” trên chỉ cách bờ tường chừng 10 bước chân, chính là nền kho thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của HTX ngày trước đã bị phá bỏ nhưng vẫn âm thầm gây ô nhiễm nặng.

Thầy Nguyễn Dũng, Hiệu phó Trường Tiểu học số 2 Triệu Long đau đáu nỗi lo ô nhiễm thuốc trừ sâu trong khuôn viên trường. 

Trường Tiểu học số 2 xã Triệu Long nằm trên địa bàn thôn Phương Ngạn, phục vụ chủ yếu cho học sinh địa bàn dễ ngập lụt, điều kiện đến trường tiểu học trung tâm khó khăn, với vỏn vẹn 47 học sinh ở đều 5 khối, trong đó, khối lớp 1 chỉ có 5 em. Chừng đó cũng đủ hiểu rằng việc quan tâm chăm sóc con chữ ở vùng trũng này quan trọng đến nhường nào. Những năm thập kỷ 1970, 1980, khu vực trường là HTX, sau đó vì nhu cầu mở rộng thêm điểm trường, mặt bằng thích hợp và tận dụng thêm phòng ốc có sẵn của HTX nên trường tiểu học số 2 được hình thành.

Năm 1999, trường được xây dựng khang trang. Thầy Dũng là người làng Phương Ngạn, thuở nhỏ hay đến sân HTX chơi nên nhớ rất rõ vị trí kho thuốc trừ sâu. Cũng như bao HTX khác, kho thuốc chất đầy các loại thuốc chai, thuốc bột như  DDT, 666, Wofatox... Khi trường học hình thành thì kho thuốc đã được phá bỏ, dọn dẹp từ trước. Tuy nhiên, quá trình sử dụng, cất giữ, bảo quản không nghiêm ngặt dẫn đến thuốc rò rỉ thấm vào đất, ô nhiễm cứ theo đó đeo bám dai dẳng mấy chục năm qua.

Chưa ghi nhận trường hợp nào đến trường bị choáng, đau đầu hay ngất xỉu khi ngửi phải luồng gió mang khí độc nhưng nỗi lo lắng trong thầy cô và phụ huynh là thường trực vì thuốc BVTV tồn tại ngoài môi trường hàng chục năm vẫn có thể gây hại, ảnh hưởng nặng đến sức khỏe con người. Cơ quan chức năng Quảng Trị vào cuộc và đo được chỉ tiêu DDT (DDT là loại thuốc trừ sâu đã được sử dụng trong nhiều năm qua. Tên khoa học là dichloro-diphenyl-trichloroethane) tại khuôn viên Trường Tiểu học số 2 Triệu Long vượt quy chuẩn 5.927,9 lần. Con số này khiến họ chồng chất lo lắng. “Năm 2014 có nhiều đoàn về kiểm tra, nghiên cứu, chúng tôi hy vọng sớm được xử lý để trả lại môi trường trong sạch cho các em”, thầy Dũng trăn trở.

Đúng vào thời điểm đầu năm học 2014 – 2015, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt xử lý các điểm ô nhiễm thuốc BVTV tồn đọng, quá hạn sử dụng trên địa bàn thì Trường tiểu học số 2 Triệu Long là 1 trong 3 điểm trường được ưu tiên “giải phóng” ô nhiễm trong giai đoạn 2015 – 2020. Những con số về mức độ ô nhiễm cũng khiến cho bất kỳ ai đều giật mình, kéo theo liên tưởng đến hình ảnh những đứa trẻ hồn nhiên, dễ thương cần được bảo vệ, chăm sóc. Nhiều tháng trải qua sau khi có quyết định trên, thầy cô ngóng trông công tác xử lý...

Phía sau khuôn viên Trường Tiểu học Kim Đồng chịu mức độ ô nhiễm cao ngất, gấp hơn 26 ngàn lần. 

2. Chúng tôi tiếp tục đến Trường tiểu học Kim Đồng thuộc P.4, TP Đông Hà. Đây là địa bàn nghèo nhất thành phố, đa phần dân vạn chài, rà phá phế liệu chiến tranh. Phụ huynh nhiều người mù chữ nên họ quyết tâm cho con em theo cái chữ để đổi đời. Mong mỏi chính đáng ấy càng được nhân lên khi ngôi trường tiểu học Kim Đồng xây dựng khang trang khiến lòng dân phấn khởi. Thế nhưng ẩn họa âm thầm phủ vây lấy ngôi trường đẹp đẽ này đến từ phía sau khuôn viên. Kho thuốc sâu của HTX hàng chục năm trước dù đã được phá bỏ vẫn gây ô nhiễm nặng.

Theo hồi nhớ của thầy cô trường này, năm 2009 về trước, mỗi khi thay đổi thời tiết hay chuyển mùa là mùi hôi nồng nặc. Sau khi có kiến nghị, cơ quan chức năng TP Đông Hà đã thu gom, chôn lấp, bước đầu đã  khử được mùi hôi. Thế nhưng, việc không ngửi thấy như ở Trường Tiểu học số 2 Triệu Long không có nghĩa Trường tiểu học Kim Đồng đã sạch. Năm 2014, ô nhiễm đo được tại đây ở mức kinh hoàng: chỉ tiêu 666 vượt hơn 26 ngàn lần quy chuẩn cho phép.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trường Bàn cho biết trường xây dựng từ năm 2002, hiện có 386 học sinh với 13 lớp học. Trao đổi về vấn đề ô nhiễm thuốc trừ sâu, thầy Bàn không giấu vẻ ưu tư. Mấy năm trước, đã từng xảy ra nhiều trường hợp phụ huynh xin chuyển trường cho trẻ lên địa bàn xã Cam Hiếu (H. Cam Lộ) vì quá lo lắng. Ngay trong chuyến thực tế của chúng tôi, người dân níu hỏi: “Nhà nước có kế hoạch chuyển trường hay không, hay chỉ xúc bỏ đất ô nhiễm là được, mùa hè này tranh thủ làm luôn chớ?”. Tiếng dồn dập như kêu cứu. Thầy cô cho biết có nắm được việc xử lý ô nhiễm nhưng cụ thể thì chưa rõ. “Càng sớm càng tốt chứ”, thầy Bàn mong mỏi.

Dù kho thuốc sâu đã được phá bỏ nhưng ô nhiễm trong đất tại khuôn viên Trường Tiểu học số 2 Triệu Long rất cao, thậm chí còn nặng mùi. 

3. Từ thực trạng của hai trường tiểu học trên, chúng tôi lại ngược trường mẫu giáo xã Gio Sơn, miền Tây H. Gio Linh, nơi khuôn viên trường có nền thuốc sâu cũ với mức độ ô nhiễm DDT vượt quy chuẩn 6,7 lần.

Cô Hiệu trưởng Mai Thị Như Hoa cho biết trường đang mở rộng để đạt chuẩn quốc gia. Theo dự tính, một số phòng ốc sẽ được chuyển sang vị trí mới, ưu tiên “giải tỏa” số phòng gần khu vực ô nhiễm.

Công tác xử lý ô nhiễm không phải một sớm một chiều. Cũng biết 3 điểm trường nằm trong diện ưu tiên được tỉnh Quảng Trị xử lý ô nhiễm giai đoạn 2015 đến 2020 nhưng mốc thời gian vẫn có thể khiến những người vì thương bọn trẻ mà bồn chồn là điều dễ hiểu.

Bảo Hà