Những "ngọn đèn đứng gác"
(Cadn.com.vn) - Tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua tỉnh TT- Huế dài 101,2km, có hàng chục gác chắn. Riêng ở TP Huế, từ P. An Hòa về tới P. An Đông đã có 10 gác chắn. Về đêm, mỗi gác chắn là một ngọn đèn đứng gác. Hóa thân vào những ngọn đèn đó là biết bao nỗi niềm và tâm sự thầm giấu của những công nhân gác barie.
Có một "quy tắc dài hơi"
Tôi không hiểu "quy tắc dài hơi" là thế nào nên gặng hỏi anh Nguyễn Văn Bảo, 40 tuổi, đang đứng gác ở trạm barie trước cổng Trường Trung cấp Âu Lạc Huế, 146-An Dương Vương. Anh giải thích: "Thì mỗi ngày hàng chục lượt tàu qua, việc đóng mở của chúng tôi vẫn cứ luôn tay. Vào những giờ cao điểm thì người dân qua đường đông. Gặp tàu phải đợi lâu họ nôn nóng, có trường hợp thắc mắc làm quá lên thì chúng tôi phải đưa quy tắc miệng ra để giải thích mong người dân thông cảm mà hiểu cho. Nhiều khi phải nói rát cả cổ họng mà người dân họ vẫn không hiểu cứ được đà mà làm tới. Nói chung nghề ni khi đã đóng chắn là ai nói chi cũng phải kiên định không bao giờ mở, đó là quy tắc của nghề".
Để hiểu rõ hơn về cái "quy tắc dài hơi" thú vị này, tôi tìm gặp bác Đoàn Đình Thanh, khoảng 50 tuổi, hiện đang gác ở trạm gác trên đường Hồ Đắc Di, nơi lưu lượng người xe qua lại rất đông. Với 30 năm tuổi nghề, bác Thanh có phong thái của một con người kỷ cương, khuôn phép. "Quy tắc đó là có thật vì trong nghề, cấp trên họ đề ra quy tắc chung là khi đã đóng gác chắn là không được mở cho dù có chuyện gì xảy ra. Có lúc gác vào buổi đêm gặp những người say rượu hay giang hồ thì rất khó khăn. Vì khi đã say thì làm sao mà nói cho lọt tai họ được, nói với người say thà nói với đầu gối mình còn hơn. Nhưng giải thích vậy, cũng là cách để kéo dài thời gian khi tàu đến thì họ mới hết làm khó", bác Thanh lý giải.
Chị Huệ đang đón tàu và ghi lại ký hiệu tàu, thời gian khi tàu đã qua. |
Nỗi niềm người đứng gác
Tôi hỏi anh Bảo, những lần gác khuya chuyện gì làm anh lo ngại nhất? Câu hỏi như chạm vào nỗi niềm trên khuôn mặt của người gác tàu 40 tuổi này, anh thở dài: "Làm buổi đêm như ri, ai cũng ngán những trường hợp như người say, những thành phần xấu trong xã hội. Nhiều lúc mình đóng chắn nó đe dọa cũng ngán lắm. Nhiều người gác đã bị bọn xấu tấn công. Đêm hôm khuya vắng bọn côn đồ nó có gây thì mình đành nhịn cho nó đi, chứ khi nó mà làm càn thì mình chịu nạn thôi, có gọi công an đến kịp thì mình đã bị nặng rồi. Nguy hiểm nhất là các chị em phụ nữ, ở 10 gác chắn này có tới 4 công nhân gác tàu là nữ, họ cũng cứng rắn lắm".
Nhắc đến những tuyến đường dân sinh (dân tự mở) anh Bảo như đã định sẵn trong mình một nỗi lo từ lâu lắm. "Đó là những con đường rất nguy hiểm, trên thực tế đường sắt nước ta có 3 loại, loại đường có người trực chắn, đường không có người trực chắn thì phải có đèn và còi báo hiệu, loại đường cuối cùng gọi là đường dân sinh. Những con đường này rất nguy hiểm, ngay cả có người trực chắn đây mà người dân họ còn bước qua huống hồ những đường không trực, không còi, đèn", anh liệt kê.
Anh Bảo đang kéo gác chắn barie khi có tín hiệu tàu sắp đến. |
Được sự giới thiệu của anh Bảo, tôi ngồi nán lại chờ đến ca trực tàu đêm của một nữ gác chắn. Chị tên Cao Thị Huệ, 45 tuổi, P. An Cựu, 20 năm nghề. Túc trực đêm khuya, chị từng gặp biết bao nhiêu hạng người, nào là say rượu vào gạ gẫm, thanh niên trộm cắp, các thành phần xấu khác. Chị hồi hộp nhớ lại: "Mới cách đây 3 ngày, lúc ấy cũng khuya lắm rồi! Có một số thanh niên nhậu say vào gạ gẫm, chọc ghẹo, chị sợ đứng hết cả tim! May mà lúc ấy mình cứng chứ không là chúng nó cứ rứa làm tới! Chị hét lên, trên tay cầm một con dao, chị nói "tụi bay mà vô đây là tao liều mạng luôn, chết thì thôi!". May lúc ấy bọn chúng không biết là sợ hay sao mà đi luôn".
Chị Huệ đúc kết: "Nghề ni của chị, nói ra nhiều chuyện lắm không hết được mô! Ma thì chưa thấy chỉ thấy toàn ma sống không à. Là nữ thì mình phải cứng mới làm được! Theo chị, cái chi nam làm được, thì chị cũng làm được hết!". Rồi chị nói đến thành tích về những chiến công bắt tàu (phòng vệ tàu từ xa, khi gặp sự cố ở tuyến đường phía trước): "Năm 2006, chị có bắt tàu rồi và được thưởng 250 nghìn đồng luôn đó! Năm đó từng nớ tiền cũng khá rồi. Lần sau chị cũng bắt nữa mà không có tiền thưởng! Họ quên hay sao? Nhưng nói chung, trong công việc công ty đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chị rồi!".
Đêm đã khuya, ngoài trời mưa từng hồi xối xả. Gót ủng của chị Huệ lộp cộp dưới nền bê-tông nước mưa chảy tràn. Xa xa màn đêm đen mịt, tiếng còi tàu ré gọi như đàn voi rừng. Con tàu rẽ mưa mà chạy vun vút đến. Như thường lệ, khi tàu qua gác chắn an toàn, chị Huệ tắt đèn gác, mở gác chắn rồi trở về trạm gác cầm bút ghi lại các ký hiệu, thời gian của chuyến tàu vừa qua và chuẩn bị đón chuyến tàu lội mưa tiếp theo.
Chu Ngọc Oai