Những người giữ hồn quan họ Bắc Ninh
(Cadn.com.vn) - Ngày 30-9 vừa qua, dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây thực sự là tin vui của người Việt Nam, đặc biệt là với người dân Bắc Ninh - những người yêu, giữ gìn và gắn bó với Quan họ từ bao đời nay. Quan họ Bắc Ninh đến nay được thế giới biết đến là công của những người suốt đời tâm huyết, nâng niu gìn giữ loại hình văn hóa đặc sắc của xứ Kinh Bắc, trong đó có cư dân Quan họ Bắc Ninh…
Nguồn gốc Quan họ
Không riêng gì các nhà nghiên cứu, chính người Quan họ cũng đang tìm cách lý giải nguồn gốc của những lời ca và hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc này. Trong nhiều cách lý giải, lý giải được người Quan họ truyền tụng nhiều nhất là truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương. Họ cho rằng, Quan họ bắt nguồn từ tiếng hát của chàng Trương Chi có giọng hát hay làm mê đắm lòng người, khiến Mỵ Nương xao xuyến, tương tư. Thế nhưng, khi giáp mặt, Mỵ Nương thất vọng vì dung mạo xấu xí của chàng. Tủi hờn phận bạc, chàng Trương Chi đã nhảy xuống dòng sông Tiêu Tương tự vẫn. Và tiếng hát của chàng truyền lại cho đến ngày nay. Vì bắt nguồn từ câu chuyện tình bi thương nên dù Quan họ là tiếng hát khát khao hạnh phúc lứa đôi, nhưng những người đã kết bạn Quan họ thì không ai được lấy nhau…
Tuy nhiên, người dân làng Diềm (Viêm Xá, xã Hòa Long, Yên Phong) lại quan niệm: Quan họ có từ thời Hùng Vương và người khai sinh ra nó là Đức Vua Bà - con gái vua Hùng. Hiện nay, tại làng Diềm còn có đền thờ Đức Vua Bà với tượng thờ, sắc phong và nhiều cổ vật quý, được Nhà nước công nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Lễ hội tưởng niệm Vua Bà được nhân dân làng Diềm tổ chức trọng thể vào ngày 6-2 ÂL hằng năm với câu ca được người dân nơi đây thuộc nằm lòng: “Thủy tổ Quan họ làng ta/ Những lời ca xướng Vua Bà sinh ra/ Xưa nay nam nữ, trẻ già/ Ai mà ca được ắt là hiển vinh”. Còn theo TS Trần Đình Luyện - một trong những nhà nghiên cứu về các nét văn hóa tỉnh Bắc Ninh, nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Bắc Ninh (đã nghỉ hưu), thì: “Sinh hoạt văn hóa Quan họ có từ rất lâu đời và định hình phát triển vào thế kỷ XVIII, XIX, khi mà địa danh hành chính trấn Bắc Ninh (sau là tỉnh Bắc Ninh) xuất hiện.
Vì vậy, mọi người gọi đó là Quan họ Bắc Ninh với bài ca: “Cổ truyền Quan họ Bắc Ninh/ Ai chơi Quan họ có tinh mới tường”. Trên cơ sở ý kiến chung của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, Quan họ được bắt nguồn từ tục kết chạ giữa các làng xóm. Và về mặt sáng tạo nghệ thuật, dân ca Quan họ được xem là đỉnh cao của nghệ thuật thi ca. Tuy là quê hương Quan họ, nhưng sinh hoạt văn hóa Quan họ chỉ tồn tại và phát triển ở một địa vực nhất định với 49 làng thuộc các huyện: Tiên Du (11 làng), Từ Sơn (2 làng), Yên Phong (17 làng), TP Bắc Ninh (TX Bắc Ninh trước đây-14 làng) và Việt Yên (nay thuộc tỉnh Bắc Giang- 5 làng). Hiện nay, ở Bắc Ninh còn gần 30 làng còn duy trì được lối chơi văn hóa Quan họ. Trong quá trình đi sưu tầm nghiên cứu về dân ca Quan họ Bắc Ninh, nhạc sĩ Hồng Thao đã công bố được 300 bài còn lưu truyền trong dân gian gồm: 8 bài giọng lề lối, 159 bài giọng vặt, 7 bài giọng giã bạn và 126 bài dị bản...
Những người dân làng Diềm luôn tự hào và cố gắng giữ gìn “hồn” của Quan họ Bắc Ninh.
Giữ hồn Quan họ Bắc Ninh
Làng Diềm là một trong số rất ít ngôi làng trên đất Bắc còn giữ được nét cổ kính, được xem là làng Việt Cổ nằm dưới chân núi Quả Cảm (Núi Kim Lĩnh, Núi Thiếp). Trong khuôn viên cổ kính của đền Cùng - còn gọi đền Giếng, nơi thờ “Nữ Thần” nông nghiệp mà cụ thể là “Thần Nước” nằm ở đầu làng Diềm- càng cảm nhận được nét đẹp, cái hay của những làn điệu dân ca Quan họ. Tiếp tôi trong nhà sắp lễ của đền Cùng, nghe giọng nói miền Trung của tôi, bà Nguyễn Thị Chanh (63 tuổi) có vẻ xúc động lạ. Bà chỉ cho tôi cách sắp lễ lên trình Bà Chúa Giếng rồi dặn: “Nếu còn thời gian, cháu quay lại nhà sắp lễ để cô chú hát cho nghe vài làn điệu dân ca gọi là chút lòng mến khách của người Quan họ”.
Khi đã vinh hạnh ngồi trên chiếu lễ, tôi mới hay bà từng là thanh niên xung phong có mặt tại chiến trường Quảng Trị những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Kết thúc chiến tranh, trở về quê hương, biết mình bị nhiễm chất độc da cam nên dù vẫn còn xuân sắc nhưng bà quyết định không lấy chồng mà xin vào làm công quả tại đền Cùng. Vốn xuất thân trong một gia đình được chọn là nhà tiếp khách - nơi đón tiếp các liền anh, liền chị đến hát – nên ngay từ bé, những làn điệu dân ca Quan họ trữ tình đã ăn sâu vào máu thịt của bà. Bà thuộc rất nhiều làn điệu dân ca cổ.
Bà hỏi tôi: “Thế cháu thích nghe hát bài Quan họ cổ nào nhất?”. Tôi cười: “Bài nào cũng được ạ! Miễn là thể hiện tình yêu lứa đôi, khát khao hạnh phúc”. Các liền chị có mặt ở trong đền Cùng cười râm ran: “Quan họ thì bài nào mà chẳng nói về tình yêu lứa đôi. Thôi thì, cháu mới đến chơi, phải hát bài đầu tiên là “Khách đến chơi nhà” trước đã nhé!”. Chén nước rót ra, miếng trầu têm rất khéo được bày ra giữa sàn chiếu khiến tôi cảm thấy mình như là thượng khách! Và thật bất ngờ, đã ở tuổi 63 mà giọng ca của bà vẫn ngọt ngào, truyền cảm, đạt đủ 4 tiêu chuẩn đặc trưng cần phải có trong hát Quan họ: vang - rền - nền - nảy.
Lời ca sao nghe da diết: “Khách đến i…đến chơi… hự…nhà là hự…nhà. Đốt than ớ ơ dầu mà quạt í… nước mấy pha trà mời người xơi… Trà này… quý vậy í ơ… quý vậy í… người ơi! Mỗi người là người xơi mỗi chén... cho em vui lòng... Là em í i... muốn cho ì se í ơ ơ... se sợi í ơ chỉ hồng... Mong cho sông cạn ư... hì đường liền, kẻo em đi lại... tốn tiền đò giang...”. Liền chị hát cùng là cô Nguyễn Thị Cống (57 tuổi) cũng không thua kém, luyến láy, nhả từ ngọt xớt. Có lắng nghe 2 liền chị ở độ tuổi xế chiều hát, mới hiểu vì sao người dân xứ Bắc Ninh tự hào về những làn điệu dân ca của mình đến thế. Và hiểu tại sao người Quan họ thường bảo: “Muốn nghe Quan họ phải nghe ở sân đình, ở nhà tiếp khách, hay trên sông nước mới đúng chất. Chứ nghe hát qua micro, không đúng điệu, không nghe rõ được độ vang, rền, nền, nảy của những ca từ...”. Đang say sưa nghe 2 liền chị hát bài “Ngồi tựa mạn thuyền”, thì ông Nguyễn Xuân Ký (63 tuổi)- con trai của nghệ nhân hát Quan họ nổi tiếng ở làng Diềm- bước vào góp vui.
Bến đò Trương Chi bên sông Đuống. Ảnh: P.T
Qua trò chuyện với những người dân mến khách ở làng Diềm, tôi hiểu thêm hơn về những nét đẹp cũng như những tục lệ trong hát và kết Bọn Quan họ với nhau: “Nghĩa người tôi để lên cân/ Bên tình nặng chín, bên ân nặng mười/ Nghĩa người tôi để trong cơi/ Nắp vàng đậy lại để nơi giường nằm/Nghĩa người tôi giở ra thăm/ Đêm ngày ba bảy lần thăm nghĩa người”. Càng hiểu hơn vì sao có nhiều người kết bạn suốt đời, mến nhau về tài, về sắc mà vẫn không phải lòng nhau. Vì sao, khi liền anh đến thăm nhà các liền chị và ngược lại thì chồng hoặc vợ của các liền anh, liền chị tự nguyện xuống bếp nấu cơm nước để đãi khách mà trong lòng không một chút nghi ngờ, ghen tuông. Nói như ông Kỷ: “Đó chính là nét đẹp cũng như là quy định của lối chơi Quan họ. Nếu không, làm sao Quan họ cổ có thể lưu truyền đến ngày nay được!”.
Còn TS Trần Đình Luyện thì cho rằng, hát Quan họ là nhu cầu được giao lưu, được bày tỏ tình cảm giữa người với người, giải quyết vấn đề tình cảm đa chiều mà vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp của gia đình. Hay nói khác hơn, sinh hoạt văn hóa Quan họ góp phần làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các làng xã thêm phong phú, đặc sắc, đồng thời tăng cường và mở rộng mối quan hệ, liên kết chặt chẽ giữa các làng xã. Chính vì những nét đẹp đó mà mặc dù trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, dân ca Quan họ được nâng niu, lưu truyền và gìn giữ đến ngày nay...
“Người ơi người ở đừng về! Người về ta chẳng cho về. Nắm tay kéo vạt áo ta đề câu thơ...”. Đã bao lần nghe làn điệu dân ca trữ tình ấy, nhưng chưa lần nào tôi lại cảm thấy xốn xang đến thế khi được nghe chính các liền anh, liền chị trên vùng đất Quan họ bày tỏ tình cảm trước lúc chia tay. Và tôi hiểu, vì sao nhiều người dân xứ Kinh Bắc dù xa cố hương hàng chục năm trời vẫn da diết nhớ quê, nhớ và “ghiền” những làn điệu dân ca Quan họ đến cháy lòng...
P.Thủy