Báo Công An Đà Nẵng

Những người giữ sức sống cho rừng Pơmu

Thứ tư, 10/06/2015 11:36

(Cadn.com.vn) - Cuối tháng 5, chúng tôi có dịp cùng đoàn chuyên gia H. Tây Giang (Quảng Nam) đi công tác khảo sát rừng Pơmu để tìm nguồn nước khai thác khu du lịch sinh thái Pơmu. Đây là một chuyến đi mang nhiều điều thú vị và xúc cảm nhất của một người lần đầu đi rừng như tôi... Theo đoàn chuyến này có ông Bríu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, Anh A lăng Tối, Trưởng Phòng dân tộc huyện, chuyên gia khảo sát thực địa và hơn 20 anh em là người dân xã Axan. Những ai đã từng đến “vương quốc Pơ mu” ở H. Tây Giang cũng không khỏi ngán ngẩm bởi muốn vào được rừng phải có thể lực đủ tốt mới có thể băng rừng, lội suối hơn nửa ngày đường, tốn cả nửa lít máu bị vắt cắn.

Ông Pơloong  A Nhiết, Phó Chủ tịch xã Axan cho biết: “Bọn lâm tặc đang lăm le phá hoại rừng Pơmu của chúng tôi, chúng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân xúi giục họ chặt Pơmu bán với giá rẻ mạt. Để bảo vệ rừng, hằng tháng chúng tôi cắt cử anh em đi tuần tra 4-5 lần, lúc nào đi cũng gùi thức ăn, nước uống để dùng trong 3, 4 ngày, có hôm một anh trong đoàn ngã xuống vách núi bị thương anh em đành phải quay ngược trở ra rừng, khó khăn và vất vả lắm, tuy vậy nhưng chúng tôi quyết tâm giữ rừng bằng mọi khả năng có thể, sẽ giữ rừng như chính mái ấm của mình, như chính lá phổi của chúng tôi”.

Nguồn suối là địa điểm khu du lịch sắp được mở.

 “Sau những lần khảo sát thực tế từng cội cây trong cánh rừng pơ mu, việc cấp thiết là phải mở một tuyến đường vòng vào khu vực rừng để phát triển du lịch và để lực lượng bảo vệ đi tuần tra, canh giữ rừng. Chính vì lẽ đó mà quyết tâm mở ra con đường được xúc tiến làm ngay. Mở con đường này “chúng tôi sẽ biến khu vực này thành một “tiểu Sa Pa” cho mọi người đến nghỉ dưỡng. Một rừng cây thảo quả phía dưới chân núi đang hình thành, cộng với đặc sản rượu Tr’đin, rượu sâm Ba kích, sâm Ngọc Linh, cá tầm nước lạnh đã nuôi thành công, hồ nước nóng tự nhiên sẵn có... Tương lai không xa, “vương quốc pơ mu” ở Tây Giang sẽ là điểm đến của những người yêu rừng, quý rừng, giữ cây, xem rừng là sự sống”, ông Bríu Liếc hi vọng.

Ông Bríu Liếc trên tuyến đường vừa mới mở vào rừng Pơmu.

Sau gần 2 tháng, hơn 3km đường rừng vào Pơmu đã được mở, còn khoảng hơn 1 tháng nữa là tuyến đường 5,5km sẽ hoàn thành. Ông A lăng Tố, thốt lên rằng: “Thật khó có thể tưởng tượng ra con đường vào rừng Pơmu có thể được mở ra như thế này. Không dùng đồng tiền nào từ ngân sách nhà nước, con đường được mở ra là nhờ sức dân, lòng dân. Đấy thật sự là một kỳ tích, vượt ra mọi sự tưởng tượng của con người. Con đường được làm bằng sức dân được mở ra thì vương quốc Pơmu càng có sức sống mãnh liệt hơn”.





Vất vả đi đường rừng.

Trên tuyến đường vào Pơmu đang làm dang dở, xuống xe chúng tôi tiếp tục leo bộ đường rừng để vào rừng Pơmu. Dốc nối dốc, hết dốc đến cua ngoặt liên tục, qua những ghềnh thác mà gót người đi trước chạm mũi chân người đi sau. Càng đi chân bắt đầu sưng lên, phần do lâu nay tôi không đi bộ dài, phần do vắt rừng cắn máu chảy đỏ bàn chân máu bắt đầu thấm dưới chân giày, vai cũng nhừ, miệng khô dần vì khát nước, tuy có mang theo ít chai nước lọc nhưng không thể đáp ứng đủ cho chặng đường dài. Song, chúng tôi đi đầy phấn khích vừa đi, vừa hát, vừa chuyện trò nên đoạn đường dường như được rút ngắn bớt.

Phải gần 3 tiếng đồng hồ chúng tôi mới tới lán trại trước đó của người dân, dừng chân ăn tạm nắm cơm nguội và muối tiêu rừng, rồi tiếp tục cuộc hành trình thêm 2,5 tiếng nữa mới đến được nguồn suối, nơi trung tâm của khu du lịch sắp mở.... Ông Bríu Liếc cho biết: “Ban đầu chúng tôi định hình thành khu du lịch ngay trên đỉnh Pơmu, nhưng nhận thấy ở đây có nhiều yếu tố bất lợi như thường xuyên xảy ra giông sét khi trời mưa, địa hình cao, tập trung nhiều cây Pơmu, lại không có nguồn nước để cung cấp du lịch.

Vì vậy, chúng tôi quyết định tìm cho ra được nguồn nước suối làm trung tâm địa điểm du lịch. Sau nhiều tháng đi khảo sát thực địa, cuối cùng chúng tôi cũng đã tìm ra được một con suối tương đối gần cánh rừng Pơmu. Không khí trên này chẳng khác gì Sapa hay Đà Lạt, chúng tôi sẽ kêu gọi đầu tư vào khu du lịch rộng 4,8 ha này, hình thành nên khu vui chơi, nghỉ dưỡng sinh thái, khách du lịch sẽ đi bộ lên đỉnh Pơ mu để thăm thú”, ông Liếc hồ hởi cho biết.

Phút nghỉ ngơi của đoàn công tác.

Chỉ một đêm ngắn ngủi hòa mình với rừng xanh, hít thở khí ôxy do những cụ cây Pơmu ngàn năm tuổi truyền cho, trên đường về xuôi trong lòng mỗi chúng tôi đều lâng lâng cảm xúc.

Hoàng Yên