Báo Công An Đà Nẵng

Những người nổi tiếng bị “đánh cắp” Nobel Hòa bình

Thứ sáu, 23/09/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Họ là những người rất nổi tiếng, gắn liền với những hoạt động vì hòa bình. Họ xứng đáng được nhận giải Nobel Hòa bình. Đáng tiếc thay, công trạng của họ lại bị lãng quên. Hay nói theo cách khác, những người này đã bị “đánh cắp giải Nobel Hòa bình”.

GIÁO HOÀNG POP PIUS XII

Giáo hoàng Pop Pius XII là người có công trong nỗ lực chấm dứt Thế chiến II và biến Vatican thành “thánh địa hòa bình”. Nỗ lực của Giáo hoàng Pop Pius XII tập trung ở một số lĩnh vực như ngăn cản chiến tranh bằng con đường ngoại giao, lên án sự bài xích và diệt chủng, đặc biệt nạn diệt chủng người Do Thái của phát-xít Đức. Giáo hoàng có thái độ trung lập trong Thế chiến II và thực hiện nhiều chương trình cứu trợ quan trọng, trong đó có những chiến dịch trợ giúp, chở che người Do Thái và những người bị bức hại. Giáo hoàng Pop Pius XII xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình, nhưng tên ông đã không được xướng lên cho đến khi qua đời năm 1958.

DOROTHY DAY

Dorothy Day là nữ nhà báo người Mỹ nổi tiếng với những hoạt động xã hội không ngừng nghỉ. Những năm 1930, bà đã tổ chức nhiều hoạt động vì hòa bình, chống chiến tranh và bạo lực, giúp đỡ những người nghèo, vô gia cư. Năm 1992, bà được trao giải thưởng “Can đảm” của Quỹ hòa bình Peace Abbay. Năm 2001, tên tuổi bà được lưu danh vào Tòa nhà danh tiếng phụ nữ Quốc gia của Mỹ ở Seneca Falls, News York. Bà qua đời năm 1980.

STEPHEN BIKO

Stephen Biko - một nhà hoạt động cho phong trào chống phân biệt chủng tộc Apartheid - vẫn luôn nổi tiếng với những khẩu hiệu được người da đen lưu truyền như “Da màu là đẹp” ở Nam Phi. Sau khi ông Nelson Mandela (Tổng thống Nam Phi sau này) bị bắt giam năm 1964, Biko trở thành người thay thế lãnh đạo và sáng lập ra Phong trào ý thức của người da đen (BCM). Quan điểm của Biko là đấu tranh không bạo lực bằng cách đàm phán, hòa bình, nhưng đáng tiếc những việc làm của ông đã bị chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid bỏ qua. Biko sau đó bị bắt và đánh đến chết vào ngày 12-9-1977.

ABDUL SATTAR EDHI

Abdul Sattar Edhi, 83 tuổi, là người đứng đầu quỹ Edhi Foundation (EF) Pakistan. Năm 1951, ông chính thức khai trương một cửa hiệu y tế nhỏ tại Karachi và sử dụng nguồn vốn ít ỏi của mình giúp đỡ bất kỳ ai có nhu cầu chính đáng. Nhờ học hỏi và có chút ít vốn liếng về y học, ông thành lập nhiều chi nhánh quỹ EF ở nhiều nơi, để giúp đỡ hàng ngàn người khác. Quỹ EF của ông nhận được rất nhiều sự giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần của nhiều cá nhân, tổ chức trên toàn thế giới để xây dựng bệnh viện phụ sản và trường đào tạo y tá miễn phí. Người ta cứ ngỡ giải Nobel Hòa bình 2009 sẽ thuộc về “vị thánh của người Pakistan” này song xem ra giấc mơ Nobel Hòa bình vẫn rất xa vời.

MOHANDAS GANDHI

Mặc dù đã qua đời năm 1948, nhưng cái tên Mohandas Gandhi vẫn luôn được người dân Ấn Độ nhắc đến tôn kính như một “đại vĩ nhân”. Gandhi là người đứng đầu đảng Quốc đại kể từ năm 1918 và được người dân Ấn Độ tôn vinh bằng nhiều tên gọi trìu mến như “linh hồn lớn”, “vĩ nhân”. Ông chỉ đạo thành công cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ nhiệt tình của hàng triệu người dân. Trong suốt cuộc đời của mình, ông phản đối tất cả các hình thức khủng bố bạo lực và thay vào đó là áp dụng những tiêu chuẩn đạo đức. Vì thành tích phấn đấu không mệt mỏi cho nền độc lập dân tộc, ông Gandhi đã 5 lần được đề cử giải Nobel Hòa bình, năm 1937, 1938, 1939, 1947 và 1948. Tuy nhiên, ông Gandhi vẫn luôn “lỡ hẹn” với Nobel Hòa bình.

Duy Hùng
(Theo Listverst)