Báo Công An Đà Nẵng

Những "Nụ cười Đà Nẵng"…

Thứ ba, 05/04/2016 09:56

(Cadn.com.vn) - Đến quán cơm "Nụ Cười Đà Nẵng" ở số 2, đường Phan Thanh (Đà Nẵng) vào lúc 10 giờ, tuy chưa tới giờ phục vụ nhưng quán đã tấp nập người ra người vào. Một người đàn bà lớn tuổi với gánh ve chai nặng nhọc trên vai, bước tới trước chìa cho người phục vụ tờ 2 ngàn đồng đã cũ rồi nhận lấy phần cơm nóng hổi. Bắt chuyện, được biết tên bà là Trần Thị Ân (62 tuổi) quê Quảng Ngãi. Bà Ân cho biết, cơm ở đây được bán với giá 2 ngàn đồng/phần, những người tới ăn trong quán đều là người nghèo, làm nghề như bà hoặc bán vé số, chạy xe thồ. Kể về hoàn cảnh của mình, bà Ân trầm giọng: "Tôi sống bằng nghề lượm ve chai, ở quê ra thành phố thuê trọ ở tạm bợ qua ngày, mọi việc hết sức khó khăn.  Vì vậy được ăn cơm giá rẻ như thế này sẽ giúp tôi tiết kiệm. Cơm ở đây cũng rất ngon miệng, chỉ 2 ngàn đồng mà đầy đủ rau, thịt, canh và cả trái cây nữa. Tôi thấy rất vui và biết ơn những người tốt bụng ở đây".

Quán cơm "Nụ Cười Đà Nẵng" khai trương từ ngày 6-7-2015, hoạt động từ 10 giờ 30 đến 13 giờ vào thứ 2-4-6 mỗi tuần. Đúng như tên gọi, quán cơm "Nụ Cười Đà Nẵng" luôn tràn ngập tiếng cười vì nhân viên phục vụ là sinh viên và những người tự nguyện, luôn luôn nhiệt tình và chu đáo với khách hàng. Hằng ngày, quán cung cấp khoảng 100 suất cơm đầy đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh cho mỗi lần mở cửa.

"Nụ Cười Đà Nẵng" đón khách đến quán.

Gặp gỡ và trò chuyện với chị Trần Thị Minh Nguyệt (40 tuổi) chủ quán cơm "Nụ Cười Đà Nẵng", chị cho biết việc mở quán ăn từ thiện là điều mà chị muốn thực hiện từ lâu. Được sự giúp đỡ của bạn bè và các Mạnh Thường Quân, chị đã mạnh dạn thực hiện điều này. Mặc dù quán đang có nguồn vốn rất khiêm tốn nhưng khi nhắc đến việc nhận tài trợ chị Nguyệt bày tỏ: "Hiện tại, vì mặt bằng quá chật nên nấu ăn cũng không có chỗ nấu. Những ngày khách đông mà không có người phụ giúp, tôi cảm thấy mệt mỏi nhưng khi nhìn thấy nụ cười của những người khách nghèo, tôi lại vui vẻ và có động lực hẳn lên. Tôi rất cảm kích tấm lòng hảo tâm của các Mạnh Thường Quân, nhưng việc nhận tài trợ và ủng hộ, tôi dứt khoát không nhận tiền mà chỉ nhận hiện vật như gas, nước uống, rau củ, trái cây, gia vị,…".

 Rời quán cơm "Nụ Cười Đà Nẵng", chúng tôi tiếp tục đến quán cơm "Sông Hàn". Đấy cũng là một trong những quán cơm có chung mục đích giúp đỡ người nghèo ở  số nhà 77, đường Ba Đình, do sự điều hành của Hội chữ thập đỏ Đà Nẵng - Chi hội từ thiện Sông Hàn. Quán hoạt động từ 11 giờ 30 đến 12 giờ 30 các thứ 3-5-7 và Chủ nhật. Cơm ở đây có giá chỉ từ 5 ngàn đồng/suất nhưng khách hàng có thể thưởng thức phần ăn với đầy đủ 4 món.

Ông Mai Hùng Minh (68 tuổi) vừa bán vé số ghé quán, bộc bạch: "Tôi thường xuyên ăn cơm ở quán này. Vì chúng tôi là những người già lao động nên những quán ăn rẻ như thế này rất phù hợp với túi tiền. Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều những quán ăn rẻ để ở bất cứ đâu chúng tôi cũng thuận tiện đến ăn".

Anh Lê Văn Tuấn (32 tuổi) là thành viên chủ chốt của quán chia sẻ: "Hiện tại chúng tôi rất muốn mở thêm các quán cơm Sông Hàn tại các quận trên địa bàn thành phố, để cho tất cả người nghèo đều có thể đến dùng. Tuy nhiên, quán vẫn còn thiếu nhiều người tình nguyện phục vụ giúp quán và chúng tôi cũng đang kêu gọi sự tài trợ của các Mạnh Thường Quân để có đủ kinh phí thực hiện dự định trên".

Nằm sâu trong hẻm 320/03, đường Hoàng Diệu, quán chay Thiện Nhân luôn phục vụ tận tình những người nghèo với các suất ăn miễn phí. Tuy nhiên, những khách hàng được ăn miễn phí tại quán với điều kiện phải là người nghèo, chủ quán sẽ trực tiếp phát phiếu cơm vào mỗi sáng. Trung bình hằng ngày, quán phát khoảng 25 - 30 phiếu cơm từ thiện cho người nghèo tới ăn.  Nhưng với 4 ngày 14, 15, 30 và mồng 1 âm lịch vì sợ khách quá đông, không thể phục vụ tận tình cho khách hàng nên chủ quán không phát phiếu mời khách.

Bà Nguyễn Thị Yến (50 tuổi) chủ quán chay Thiện Nhân trò chuyện: "Tôi rất khâm phục nghị lực sống phi thường của những người nghèo khó, có lẽ vì thế mà tôi luôn muốn tạo điều kiện cho những người nghèo được dùng cơm miễn phí. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên cùng bạn bè của mình tới các chùa và bệnh viện để phát cơm từ thiện. Nhìn thấy họ ăn cơm do chính tay mình nấu tôi cảm thấy hạnh phúc biết bao".

Những quán cơm đầy tiếng cười và tình người như vậy đã, đang và sẽ còn xuất hiện nhiều trên địa bàn của Đà Nẵng. Hy vọng, đây là một chút lòng của người dân Đà Nẵng gửi đến những người còn khó khăn trong một thành phố đang hướng đến nhiều mục tiêu cao cả, tốt đẹp.

Nhật Uyên-Thủy Triều